Nhiều địa phương vẫn "đói" dự án FDI
Tám tháng của năm 2016 đã trôi qua nhưng vẫn còn 19 địa phương trên cả nước chưa có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nào mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo số liệu thu hút vốn FDI trong 8 tháng đầu năm nay của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20-8 vừa qua có đến 19 địa phương trên cả nước hoàn toàn vắng bóng dự án FDI được cấp phép mới. P
Phần lớn các địa phương không thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc là Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn… Thực chất, đây cũng là những địa phương thu hút được ít nguồn vốn FDI trong những năm qua. Nhiều tỉnh thành khác như Lâm Đồng, Hậu Giang, Gia Lai, Bạc Liêu... dù trước đây cũng thu hút được dự án FDI nhưng trong 8 tháng qua cũng "đói" dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mặt khác, nguồn vốn thu hút được của 44 địa phương khác trong bốn tháng qua cũng không đều và có sự phân hóa rất lớn, như có tới 7 địa phương chỉ thu hút được 1 dự án FDI, nhiều tỉnh khác chỉ thu hút được 2-3 dự án. 1 dự án với vốn từ vài trăm ngàn đến 5 triệu đô la Mỹ như Kiên Giang và Đắklắk; Lào Cai có vốn đăng ký dưới 300 ngàn đô la Mỹ/dự án.
Cũng theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, kết quả thu hút nguồn vốn FDI từ đầu năm đến nay cho thấy các tỉnh khu vực phía Nam, đặc biệt là khu vực miền Đông Nam bộ, có nhỉnh hơn trong thu hút đầu tư so với nhiều địa phương khác. Theo cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, trong cùng thời gian trên cả nước có gần 1.620 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 9,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý một số dự án đầu tư có quy mô vốn lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư ở khu vực này lại rơi vào các dự án thuộc lĩnh vực dệt may, vốn là một trong những lĩnh vực mà trước đây mà các địa phương này không mấy mặn mà thu hút đầu tư vì đòi hỏi nhiều lao động phổ thông, diện tích đất sử dụng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nếu có công đoạn nhuộm, trong khi lại ít mang lại giá trị gia tăng.
Tính chung cả dự án cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng qua cả nước thu hút hơn 14,36 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 30 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,02 tỉ đô la Mỹ, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,782 tỉ đô la Mỹ, chiếm 12,4%.
Lan Hương
Tổng hợp