Tin tức

Trang chủ » » Nhiều "ổ gà" trên xa lộ cách mạng công nghiệp 4.0

Nhiều "ổ gà" trên xa lộ cách mạng công nghiệp 4.0

21/04/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã cho rằng thế giới đang ở giai đoạn cao nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nếu không có những hành động có mục tiêu ngay hôm nay cho những thay đổi ngắn hạn, chính phủ các nước sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng và sự mất bình đẳng. Doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng thị trường ngày một thu hẹp. 

Đến hết năm 2016, số người sử dụng internet tại Việt Nam là hơn 50 triệu, tăng 6% so với năm trước và chiếm 53% dân số, số lượng người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng 31% và số người sử dụng mạng xã hội di động tăng 41%, theo báo cáo của We Are Social - một cơ quan quốc tế thu thập số liệu thống kê về kỹ thuật số.

Với các chỉ số trên, ông Isara Burintramart - Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex nói: "Việc tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 cần được bắt đầu, có thể là từ những việc nhỏ, như lập ra chiến lược, dự án thí điểm".

Hiện tại, trình độ sản xuất của Việt Nam vẫn ở mức thấp, do thiếu hụt các công nghệ mới, thiếu thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ. Năng suất trung bình của mỗi công nhân tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể từ năm 2010 nhưng khoảng cách giữa năng suất ở Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn khá lớn. Ông tin rằng, với các dự án áp dụng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí hoạt động 3,6% và tăng hiệu suất 4,1% cho mỗi năm.

Những thông tin của vị giám đốc điều hành Reed Tradex được không ít các tổ chức và doanh nghiệp đón nhận một cách hào hứng. Nhiều người tin vào sự thần kỳ đang đến với một nền công nghiệp đang phát triển ở giai đoạn 2.0 và 3.0, sẽ cùng các nền công nghiệp hàng đầu thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực ra, không có cây đũa thần giúp nền công nghiệp Việt Nam phát triển. Một năm qua, vấn đề làm gì để tiếp cận được công nghiệp 4.0 có lẽ chỉ một số tổ chức, doanh nghiệp nghĩ đến và càng ít hơn các tổ chức hay doanh nghiệp suy nghĩ về chiến lược, mô hình kinh doanh mới, có các quyết định đầu tư căn cơ vào đào tạo nhân lực hay các hoạt động nghiên cứu phát triển.

Nhiều "ổ gà" trên xa lộ cách mạng công nghiệp 4.0Nhiều "ổ gà" trên xa lộ cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn: Internet

Một ví dụ là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đang thực hiện một kế hoạch kinh doanh phức hợp: xây dựng Khu công nghệ cơ khí ô tô Chu Lai. Theo kế hoạch, đến năm 2018 sẽ đưa vào hoạt động nhà máy xe hơi mới với công nghệ hàn và sơn tân tiến nhất, có công suất 100.000 xe/năm; nhà máy xe tải mới có công suất trên 100.000xe/năm,; nhà máy xe bus có công suất 5.000 xe/năm và xe mini bus 12 - 16 chỗ 10.000 xe/năm.

TS. Võ Trí Thành đề cao vai trò của thể chế và người lãnh đạo trong tiếp cận cuộc cách mạng 4.0:

"Việt Nam phải có một thể chế tốt với hệ thống giáo dục đào tạo chuẩn mực, đủ sức cung cấp nguồn nhân lực số chất lượng cao cho thị trường và doanh nghiệp sáng tạo. Cạnh đó là cần người lãnh đạo quyết đoán, sâu sát, có quyết sách kịp thời và đúng đắn."

 

 

 

 

Kế hoạch này sẽ tạo điều kiện phát triển tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ cung ứng sản phẩm linh kiện cho các nhà máy lắp ráp nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Qua đó triển khai sản xuất động cơ, máy móc phục vụ nông nghiệp, biến Chu Lai thành trung tâm cơ khí đa dụng miền Trung như chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc có thành công hay không thì vẫn phải đợi thời gian mới có câu trả lời.

Có nhiều khó khăn cản trở các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam nhấn mạnh: "Thị trường đang là nút thắt lớn nhất, cản trở doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư".

Ông nói, cái dở là nước ta đi vay tiền để đầu tư phát triển công nghiệp, xây dựng rất nhiều nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, nhà máy lọc dầu… nhưng lại sử dụng tổng thầu nước ngoài. Việc này làm doanh nghiệp không có đơn hàng. Trong khi đó, việc thiếu đơn hàng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không dám đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để làm các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Trong tình hình thị trường trong nước như vậy, một số doanh nghiệp đã nỗ lực "sống được" nhờ làm hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần xây dựng, Cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân (TAMAX) sau khi đầu tư gần 5 tỷ đồng mua trang thiết bị hiện đại chính xác của Acura giúp cho ra những sản phẩm tốt và giúp Tamax tìm kiếm được hợp đồng từ các đối tác nước ngoài.

"Chỉ cần có đơn hàng, các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để làm các sản phẩm mà thị trường cần", ông Thụ khẳng định.

Như vậy, cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ để doanh nghiệp trong nước dễ dàng hơn trong việc tham gia dự thầu đầu tư phát triển công nghiệp.

Theo Hải Vân

Doanh nhân Sài Gòn

  




Văn bản gốc