Tin tức

Trang chủ » » Nhìn lại kinh tế 8 tháng đầu năm qua các con số thống kê

Nhìn lại kinh tế 8 tháng đầu năm qua các con số thống kê

05/09/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định kinh tế 8 tháng đầu năm 2016 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 8 tháng năm 2016, tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tại các bộ, địa phương tăng khá so với cùng kỳ 2015.

Nguyên nhân được Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết là do các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 60 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.
 
Cụ thể, trong tháng 8, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 24.127 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn trung ương 6.185 tỷ đồng, tăng 17,2%; vốn địa phương 17.942 tỷ đồng, tăng 14%. 
 
Xuất siêu 2,45 tỷ USD
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, xuất khẩu hàng hóa cả nước tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm chỉ tăng 5,5%.

Tong 8 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 2,45 tỷ USD, chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 13,71 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 12,73 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định: Khả năng đạt tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016 là thách thức lớn. Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng cao vẫn chủ yếu tập trung ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công, lắp ráp là chủ yếu, ít sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. 
 

“Túi tiền” quốc gia đang rót vào đâu nhiều nhất?

Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 155,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,1% kế hoạch năm và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 36,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% kế hoạch năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.
Số vốn trung ương được phân bổ tại 10 bộ, trong đó Bộ Giao thông vận tải chiếm số vốn đầu tư lớn nhất với hơn 13,4 nghìn tỷ đồng. Tiếp đến là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với 4,2 nghìn tỷ đồng... 
Đối với vốn do địa phương quản lý, tính chung 8 tháng ước đạt 118,8 nghìn tỷ đồng, bằng 60,7% kế hoạch năm và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2015. 
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 84,1 nghìn tỷ đồng, bằng 58,5% và tăng 14,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 28,7 nghìn tỷ đồng, bằng 64,6% và tăng 6,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 6 nghìn tỷ đồng, bằng 80% và giảm 3,8%. 
Trong 21 địa phương được phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Hà Nội chiếm số vốn lớn nhất với gần 20 nghìn tỷ đồng, cách khá xa so với địa phương xếp vị trí thứ 2 là TP.HCM (hơn 10 nghìn tỷ đồng).

Số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho thấy, mặc dù chỉ còn 4 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2016 song còn nhiều bộ, địa phương mới chỉ thực hiện xấp xỉ một nửa kế hoạch đặt ra như: Bộ Giáo dục và đào tạo (51,7%); Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (49,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (47,9%); Đà Nẵng (53,2%); Khánh Hòa (48%)...

Liên quan đến tình hình chi ngân sách nhà nước, báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết, tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2016 ước tính đạt 715,2 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 107,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,1%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 506,7 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5%; chi trả nợ và viện trợ đạt 96,2 nghìn tỷ đồng, bằng 62%.
 
Về thu ngân sách, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2016 mới chỉ ước đạt 603,7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 59,5% dự toán năm.
Nhìn lại 8 tháng đầu năm 2015 cho thấy, thu ngân sách đạt 67,7%, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy kết quả 8 tháng đầu năm thu ngân sách năm 2016 vẫn còn thấp hơn so với năm 2015
Nguyên nhân về sự sụt giảm được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết là do nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, chỉ đạt 126,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,2% dự toán năm.
Điều này được lý giải do hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, than, khoáng sản và thủy điện gặp khó khăn.
Cụ thể, do giá dầu giảm nên hoạt động khai thác dầu khí cũng giảm (Giá dự toán là 60 USD/thùng nhưng thực tế chỉ đạt 41,3 USD/ thùng). Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy điện cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết bất thường và hạn hán nghiêm trọng...
Theo Bizlive
  




Văn bản gốc