Tin tức

Trang chủ » » Những kỳ vọng vào RCEP - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới

Những kỳ vọng vào RCEP - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới

18/11/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Trải qua nhiều vòng đàm phán trong gần một thập kỷ, cuối tuần qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, tổ chức theo hình thức trực tuyến do Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì.

Với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc), RCEP được kỳ vọng sẽ là hiệp định mở ra một thị trường thương mại tự do mới lớn nhất thế giới.

Lãnh đạo và Bộ trưởng Công thương của 15 nước tham gia RCEP tại lễ ký kết trực tuyến. Ảnh: AP

Bắt đầu được đàm phán vào tháng 12-2012, RCEP là sáng kiến của ASEAN đưa ra nhằm tăng cường thương mại giữa các nước ASEAN với các nước đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Trước đó, từng nước trên đều đã ký kết hiệp định thương mại tự do với ASEAN. RCEP được nhận định là một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường 2,3 tỷ người dân thuộc các nước tham gia RCEP, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu.

RCEP được các thành viên mô tả là “hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và các bên cùng có lợi”. Hiệp định gồm có 20 chương, bao gồm các quy tắc về thương mại hàng hóa, đầu tư và thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và mua sắm công. Hiệp định sẽ loại bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa khác nhau giữa các bên tham gia. Quy tắc về thương mại điện tử trong hiệp định sẽ tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ thông tin cá nhân, cũng như thúc đẩy việc chấp nhận chữ ký điện tử.

Mục tiêu của RCEP là giảm thuế quan, mở cửa thương mại dịch vụ và thúc đẩy đầu tư, giúp các nền kinh tế mới nổi bắt kịp với các nền kinh tế lớn của thế giới. Cụ thể, RCEP sẽ giúp giảm chi phí và cho thời gian cho các doanh nghiệp bằng cách cho phép họ xuất khẩu sản phẩm ở bất kỳ một nước tham gia hiệp định mà không cần phải đáp ứng tất cả các yêu cầu riêng biệt của mỗi quốc gia. Bằng cách kết hợp một loạt các thỏa thuận riêng biệt thành một bộ quy tắc thương mại duy nhất, RCEP có thể đưa châu Á tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một khu vực thương mại gắn kết như Liên minh châu Âu (EU) hoặc khu vực Bắc Mỹ. RCEP là thỏa thuận thương mại đa phương lớn thứ hai của châu Á, sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

Việc ký kết RCEP được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục hứng chịu các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Vì vậy, RCEP sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế và góp phần vào sự thịnh vượng lâu dài của khu vực.

Phát biểu tại lễ ký kết RCEP, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nêu rõ, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Lễ ký kết Hiệp định RCEP là niềm tự hào, là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực.

Lãnh đạo các nước tham gia hiệp định cũng bày tỏ sự kỳ vọng đối với RCEP. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, RCEP cho thấy sự ủng hộ của các quốc gia châu Á đối với chuỗi cung ứng mở và kết nố, thương mại tự do hơn cùng sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn.

Theo Tổng thống Indonesia Widodo, việc ký kết RCEP mới chỉ là bước khởi đầu, đồng thời cho biết thêm, các thành viên vẫn phải nỗ lực để thực hiện thỏa thuận, đòi hỏi cam kết chính trị ở cấp cao nhất.

Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đánh giá, việc ký kết RCEP không chỉ là một thành tựu mang tính bước ngoặt trong hợp tác tại khu vực Đông Á mà còn là một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.

Thu Minh

Theo Báo Biên phòng

  




;

Văn bản gốc


;