Kinh tế - Tài chính

Trang chủ » » Nông nghiệp vẫn “kém duyên” với FDI

Nông nghiệp vẫn “kém duyên” với FDI

08/12/2015

Trong khi đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có xu hướng tăng trong hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng... thì nông nghiệp lại là lĩnh vực đứng ngoài cuộc.

Thu hút vốn FDI vẫn khiêm tốn

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù là ngành có tiềm năng và lợi thế để phát triển, song tỷ trọng vốn FDI vào lĩnh vực nông lâm thủy sản ở Việt Nam luôn khá thấp trong nhiều năm qua.

Thống kê của đơn vị này cho thấy, tính đến tháng 10/2015, chỉ còn 547 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 4 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong khi đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có xu hướng tăng trong hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng... thì nông nghiệp lại là lĩnh vực đứng ngoài cuộc.

Tính riêng trong 10 tháng năm 2015, chỉ có 18 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông lâm thủy sản với tổng vốn cấp mới 176 triệu USD, một con số tương đối nhỏ so với tổng vốn cấp mới trong 10 tháng qua (12,4 tỷ USD); và 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 127 triệu USD (so với tổng vốn tăng thêm của cả nước là 19,3 tỷ USD).

Kết quả này hoàn toàn trái ngược với những lợi thế và tiềm năng phát triển ngành này của nước ta - là quốc gia luôn nằm trong top 5 các nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su... nhiều nhất thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp do thủ tục hành chính thực hiện chậm, nhất là thủ tục khảo nghiệm kéo dài rất lâu, thường phải mất vài ba năm thực hiện mới cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm.

Do sự chậm trễ này mà sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao rất dễ trở thành lỗi thời khi được cho phép đưa vào sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khó khăn về việc tìm kiếm diện tích đất đai quy mô lớn để triển khai các dự án về nông nghiệp cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp.

Ngoài ra, FDI vào nông nghiệp thấp có nguyên nhân bắt nguồn từ chính các vấn đề nội tại nền kinh tế như: Hạ tầng tại vùng nông nghiệp còn kém, lao động có tay nghề được đào tạo bài bản có rất ít.

Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI cho rằng các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chưa áp dụng đối với doanh nghiệp FDI nên các nhà đầu tư còn hạn chế trong việc đầu tư vào lĩnh vực này.

Những gợi ý...

Báo cáo của nhóm công tác nông nghiệp thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải có một chiến lược cụ thể đối với việc phát triển nông nghiệp đặc biệt là thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia này, khi đã xây dựng chiến lược thì tiền là một yếu tố cần thiết để thực hiện chiến lược. Trong những năm gần đây, đầu tư trong nông nghiệp đã không còn phù hợp với những đóng góp của ngành nông nghiệp đối với GDP.

Những con số thống kê của VBF cho thấy, vào năm 2012, ngành nông nghiệp chiếm khoảng 19.7% GDP, trong khi đó Chính phủ chỉ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp 5%. Trong năm 2013, ngành này chỉ nhận được 0,6% FDI đầu tư ở Việt Nam.

Mức đầu tư cho nông nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng, tuy nhiên, theo các chuyên gia từ VBF, ngay cả khi lượng đầu tư của Chính phủ không đủ, nông nghiệp vẫn có thể hiện đại hóa và phát triển thông qua FDI và hợp tác công – tư (PPP), đặc biệt là các chương trình tài trợ cho mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

"Để thu hút nhiều vốn FDI, chúng ta cần vượt qua một số thử thách. Ví dụ như việc xây dựng chính sách thương mại cũng như các thủ tục hành chính rõ ràng và minh bạch là cần thiết. Bên cạnh đó, điều quan trọng là nông dân và doanh nghiệp dù quy mô nhỏ hay lớn thì đều bình đẳng như nhau", nhóm công tác nông nghiệp VBF khuyến nghị.

Thêm vào đó, việc thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hóa, đã thu hút nguồn lao động trẻ nhất ở vùng nông thôn đến các khu công nghiệp.

Đặc biệt, theo các nhà đầu tư ngoại, hệ thống thuế ở Việt Nam không cạnh tranh như các nước khác trong khu vực cũng là một hạn chế lớn trong việc thu hút FDI vào nông nghiệp.

Một số khu vực nên thử thu hút FDI và sử dụng kĩ thuật canh tác công nghệ cao để phát triển nghành như các mô hình tại một số tỉnh như Đồng Tháp, Lâm Đồng và Sơn La...

Nguồn Cafef

  




Văn bản gốc