Phát triển bán lẻ trực tuyến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức rất cao - khoảng 10%/năm.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết trao đổi hiện trạng và xu hướng ngành bán lẻ trực tuyến Việt Nam, cơ hội và thách thức bán lẻ trực tuyến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến nghị một số giải pháp tăng cường bán lẻ trực tuyến cho khu vực doanh nghiệp này.
Thực trạng bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2018 thương mại điện tử (TMĐT)Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30% với quy mô thị trường TMĐT lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.
Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường có tiềm năng lớn về tiêu dùng bán lẻ của khu vực châu Á khi tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân có thu nhập ngày càng tăng và ưa chuộng các dịch vụ hiện đại tiện ích. Báo cáo mới đây của Vietnam Report cho thấy, tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2017 và ước đạt khoảng 160 tỷ USD vào năm 2020.
Tiềm năng này đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy TMĐT trong ngành bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT tiếp tục tăng trưởng ổn định 20%/năm và dự kiến đến năm 2020, doanh số bán hàng TMĐT có thể đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Google và Temasek mới đây cũng dự báo, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ bùng nổ vào năm 2025 với doanh thu ở mức 7,5 tỷ USD. Đây là con số rất hấp dẫn để các doanh nghiệp (DN) bán lẻ thúc đẩy kênh bán hàng online, đón đầu sự phát triển của thị trường.VECOM đưa dự báo, năm 2020 thị trường thương mại điện tử sẽ đạt quy mô 13 tỷ USD với điều kiện giữ được tốc độ tăng trưởng ở mức 30% suốt năm 2019 và 2020, cao hơn mục tiêu 10 tỷ USD mà Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 đặt kỳ vọng. Theo VECOM, tốc độ tăng trưởng TMĐT những năm gần đây tăng rất nhanh, đến thời điểm này (tháng 3/2019), đã gần đạt con số dự báo.
Cơ hội cho ngành bán lẻ trực tuyến Việt Nam
Với những dự báo về tiềm năng và sự hấp dẫn của thị trường TMĐT Việt Nam, cơ hội đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia bán lẻ trực tuyến là rất lớn, cụ thể:
Một là, tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến rất lớn. Việt Nam hiện đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu TMĐT của người tiêu dùng. Tại các đô thị lớn, tỷ lệ người dân có sử dụng điện thoại lên đến 95%, trong đó 78% sử dụng smartphone, 30% dân số có xu hướng mua sắm trực tuyến, đạt mốc 350 USD/người/năm… Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các DN, đặc biệt là DNNVV lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Hai là, điều kiện cho kênh bán lẻ trực tuyến phát triển ngày càng được quan tâm. TMĐT cần môi trường và hệ sinh thái thuận lợi để phát triển, bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tiên tiến, người tiêu dùng tin tưởng vào giao dịch mua bán trực tuyến, dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng tiên tiến… Hiện nay, Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để TMĐT phát triển. Một số vấn đề khác như chi phí logistics trong TMĐT tương đối cao, nhưng đang được cải thiện. Các đơn vị làm logistics hiện đang có những thay đổi lớn về mặt công nghệ để giảm giá thành.
Ba là, giảm chi phí cho DNNVV. Việc tiếp tục duy trì và mở thêm đại lý bán hàng truyền thống sẽ chỉ làm tăng chi phí vận hành cho DN. Trong khi đó, TMĐT có những lợi thế đặc biệt giành cho DNNVV, với chi phí thấp. Ví dụ, DN sử dụng TMĐT để kinh doanh có thể sử dụng bán hàng đa kênh, thuê các dịch vụ để quản lý hàng tồn kho, quản lý đơn hàng. Trước đây, nếu DN muốn sử dụng dịch vụ vận chuyển thường dùng các dịch vụ thủ công. Hiện nay, các mô hình bán hàng đa kênh như vậy cho phép kết nối các đơn vị vận chuyển, DN có thể sử dụng trọn gói quy trình xử lý đơn hàng của mình trên hệ thống và có thể giảm một nửa nhân sự.
Hương Linh
Theo Tạp chí Tài chính