Tin tức

Trang chủ » » Phát triển điện gió: Cơ hội cho doanh nghiệp nội

Phát triển điện gió: Cơ hội cho doanh nghiệp nội

31/05/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa qua, Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ đã ký kết Biên bản Ghi nhớ với Bộ Công Thương về chương trình phát triển điện gió tại Việt Nam, mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo.

Theo đó, mục tiêu chung của cả hai bên là phát triển tối thiểu 1.000MW điện từ các dự án điện gió mới cho tới năm 2025. Ước tính, sản lượng điện này đủ để cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam. Theo thỏa thuận ký kết, GE sẽ tận dụng kinh nghiệm phát triển điện gió toàn cầu và làm việc với các đối tác địa phương để xác định các dự án tiềm năng. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng sẽ hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc nội địa hóa sản xuất các thiết bị và linh kiện của tua-bin gió tại nhà máy GE Hải Phòng cũng như hợp tác với các nhà cung cấp nội địa khác.

Là một trong những doanh nghiệp sở hữu danh mục năng lượng tái tạo sâu rộng nhất trong ngành công nghiệp, với tổng công suất lắp đặt lớn nhất thế giới lên tới 370GW, GE đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu. GE đã cung cấp 62 tua bin gió, với tổng công suất trên 99MW điện. Giai đoạn I của dự án đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6/2013. Năm 2009, GE tăng cường đầu tư bằng việc thành lập nhà máy sản xuất linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng. Nhà máy đã tạo ra hơn 600 việc làm cho người dân địa phương và xuất khẩu hàng nghìn máy phát điện cùng linh kiện tua-bin gió nhằm góp phần vào các giải pháp năng lượng toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra là, với tỷ lệ nội địa hóa theo cam kết là 30%, các DN Việt Nam có cơ hội để có thể tham gia vào dự án phát triển điện gió? Và DN trong nước có đủ trình độ, năng lực đáp ứng theo yêu cầu của dự án hay không? Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Trưởng phòng Năng lượng tái tạo - Cty CP tư vấn xây dựng Điện 3 cho biết: Có rất nhiều bộ phận thuộc các hạng mục của điện gió mà DN trong nước có thể làm được như phần cơ điện, khí, cơ sở hạ tầng... Do đó, với tỷ lệ nội địa 30%, dự án có thể tạo ra một số lượng việc làm tương đối cho người lao động. Qua đó cũng rèn luyện và nâng cao trình độ, tay nghề cho DN và người lao động.

Còn ông Đặng Huy Cường - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: “Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của Chính phủ để giải quyết những thách thức năng lượng nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Với mong muốn chung nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, thông qua sự hợp tác lần này, chúng tôi đánh giá cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của GE trong việc phát triển nguồn năng lượng gió quan trọng này nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu”.

Sự đa dạng về địa lý cùng khả năng phát triển điện gió, cộng thêm tài nguyên thủy điện rộng khắp đất nước, Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong việc sử dụng điện gió với chi phí thấp. Việc tận dụng nguồn năng lượng gió sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai khi nhu cầu năng lượng phát sinh từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng tăng.

Hương Linh

Tổng hợp

  




Văn bản gốc