Quản lý nhà nước của một số mặt hàng thiết yếu nửa đầu năm 2016
11/07/2016
Chuyên mục: Kinh tế - Tài chính In trang
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong việc quản lý giá hàng hóa, dịch vụ chuyên ngành; tổng hợp tình hình và xây dựng phương án điều hành giá các mặt hàng thiết yếu của các Bộ, ngành báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá và Chính phủ theo quy định.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
1. Xăng dầu
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã ban hành 12 văn bản điều hành giá xăng dầu; trong đó, có 5 lần cho sử dụng quỹ BOG xăng dầu để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu góp phần bình ổn mặt bằng giá chung. Đồng thời, thực hiện công khai chi tiết giá xăng dầu thế giới từng ngày, phương án tính giá cơ sở (trong đó có việc điều chỉnh lấy mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền làm căn cứ tính giá cơ sở xăng dầu trong nước); tình hình trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trên Trang thông tin điện tử để nhân dân biết và giám sát.
2. Điện
Giá bán lẻ điện bình quân tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2016, giá bán lẻ điện bình quân vẫn giữ ổn định ở mức 1.622,01 đ/kwh (chưa bao gồm thuế VAT) kể từ lần điều chỉnh tăng 7,5% vào ngày 16/3/2015.
3. Dịch vụ giáo dục (học phí)
Năm 2016, mức thu học phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021) và Thông tư số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Nghị định đã quy định khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông; quy định mức trần học phí đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nguyên tắc chung xác định mức học phí cụ thể là:
- Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, đồng thời giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm để phù hợp với điều kiện thực tế của các vùng ở địa phương mình.
- Đối với giáo dục đại học công lập:
+ Đối với cơ sở tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí phục vụ trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định theo đúng lộ trình của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
+ Đối với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức trần học phí được điều chỉnh tăng dần từng năm để phù hợp với khả năng chi trả của người học, khả năng cân đối ngân sách và từng bước bù đắp chi phí đào tạo.
Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo: tính đến hết tháng 5/2016, cả nước có 20 tỉnh điều chỉnh mức học phí tăng so với năm học 2014-2015 trong đó, mức tăng bình quân từ 2%-10% tùy theo vùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo mức tăng này không tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng.
Dự kiến trong năm học mới 2016 -2017, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục được các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo điều chỉnh theo lộ trình. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ tác động của việc điều chỉnh đến CPI của địa phương và CPI của cả nước.
4. Dịch vụ y tế
Thực hiện quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT được điều chỉnh theo lộ trình 2 Bước: Bước 1 mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù thực hiện từ ngày 01/3/2016. Bước 2 kết cấu thêm chi phí tiền lương vào trong giá, thực hiện từ ngày 01/7/2016 (thời điểm thực hiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định).
Hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã thực hiện được Bước 1. Nhìn chung, việc điều chỉnh giá tại bước 1 không gây tác động lớn đến kinh tế, đời sống nhân dân và CPI chung cả nước. Người bệnh có bảo hiểm y tế chỉ phải trả thêm phần chi phí đồng chi trả của phần giá tăng thêm (cao nhất là 20% của phần giá tăng thêm); quỹ bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm cân đối. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm tăng CPI trong tháng 3/2016 là 1,27%, trong tháng 4/2016 là 0,47%.
Kế hoạch triển khai Bước 2: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 07/6/2016, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng Cục thống kê đánh giá tác động của việc thực hiện Bước 2 đến chỉ số giá tiêu dùng chung của cả nước và của từng tỉnh/TP; đồng thời xây dựng phương án tổ chức thực hiện Bước 2 làm nhiều đợt, vào các thời điểm khác nhau; tránh điều chỉnh đồng loạt vào cùng thời điểm, và tránh điều chỉnh vào thời điểm năm học mới.
Đối với việc điều chỉnh giá DV khám bệnh, chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT vẫn thực hiện theo khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại TTLT số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH và TTLT số 04/2012/TTLT-BYT-BTC; theo đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới tính 03 yếu tố chi phí trực tiếp, chưa tính phụ cấp đặc thù, chi phí tiền lương.
5. Giá lương thực và các mặt hàng nông sản
- Giá thóc gạo: Giá lúa gạo tẻ thường tương đối ổn định trong 02 tháng đầu năm 2016. Trong tháng 3/2016, giá thu mua lúa gạo tăng mạnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 4/2016 do hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã làm giảm nguồn cung và các thương lái tăng thu gom để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký. Từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 6 năm 2016, giá lúa gạo giảm nhẹ do đang là thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu đồng thời nhu cầu tiêu thụ yếu tại các quốc gia nhập khẩu gạo và thông tin Thái Lan xả kho gạo dự trữ.
Ngày 14/01/2016 tại công văn số 631/BTC-QLG, Bộ Tài chính đã công bố giá mua lúa định hướng vụ Đông Xuân 2015-2016 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Theo đó, mức giá thành sản xuất lúa khoảng từ 2.802 - 4.044 đồng/kg, mức giá bình quân sản xuất lúa khoảng 3.449 đồng/kg.
Ngày 15/6/2016 tại Công văn số 8151/BTC-QLG, Bộ Tài chính đã công bố giá mua lúa định hướng vụ Hè Thu 2016 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Theo đó, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ Hè Thu 2016 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng từ 2.715-4.488 đồng/kg, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ Hè Thu 2016 bình quân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3.840 đồng/kg.
Căn cứ mức giá thành sản xuất lúa, các đơn vị tổ chức thu mua lúa bảo đảm mức lãi cho người nông dân.
- Giá đường: Giá đường có xu hướng tăng trên thị trường thế giới và trong nước, nguồn cung trong nước bị thiếu hụt do sản lượng sản xuất giảm. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương thống nhất trình Chính phủ đề xuất cho phép nhập khẩu thêm 200.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan nhằm bình ổn giá đường, giảm áp lực tăng giá đường trong nước (văn bản số 212/BCT-XNK ngày 18/5/2016). Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2016, Chính phủ đã cho phép trước mắt bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn đường để ổn định thị trường, đồng thời lưu ý bảo vệ và phát triển sản xuất đường trong nước.
- Giá muối: Từ đầu năm đến nay, giá muối có xu hướng giảm theo quy luật nhất là tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, nguyên nhân là do thời tiết khô hạn, thuận lợi cho sản xuất muối nên sản lượng muối làm ra nhiều, tác động làm giá muối thấp, ảnh hưởng đến đời sống của diêm dân. Để bình ổn thị trường trong nước, tại Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 07/6/2016 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án tạm trữ muối để hỗ trợ diêm dân tiêu thụ sản phẩm. Ngày 16/6/2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4867/VPCP-KTTH về việc thu mua tạm trữ muối năm 2016. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc thực hiện nhiệm vụ mua muối tạm trữ cho diêm dân, ưu tiên mua tạm trữ tại các địa phương có lượng muối tồn đọng lớn.
6. Giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 30/4/2015 của Chính phủ. Tính từ 1/6/2014 đến 22/6/2016, đã có 866 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương. Giá các sản phẩm được công bố đều giữ ổn định trong thời gian qua. Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2016, Chính phủ thống nhất tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi đến hết năm 2016.