Quốc gia nào có mức độ gắn kết toàn cầu cao nhất thế giới?
Hãng nghiên cứu DHL vừa công bố bản báo cáo xếp hạng 140 quốc gia trên thế giới theo chỉ số gắn kết toàn cầu (GCI) của mỗi nước đối với phần còn lại của thế giới trong năm 2016, xét cả về gắn kết theo chiều rộng (Breadth) và chiều sâu (Depth).
Theo bản báo cáo đánh giá, khi một quốc gia có càng nhiều sự tương tác với những đất nước khác, nền kinh tế của họ sẽ càng được hưởng lợi nhiều. Sự kết nối này không chỉ gồm khía cạnh tài chính và các hoạt động giao dịch thương mại, mà còn bao gồm yếu tố con người -thể hiện chủ yếu qua lượng người đến nhập cư - và cả lưu lượng dữ liệu trung chuyển qua đất nước đó.
Dưới đây là 10 quốc gia đứng đầu danh sách năm nay của DHL. Sự bất ngờ lớn nhất là việc Nhật Bản - cường quốc kinh tế lớn thứ 3 hành tinh và sở hữu rất nhiều thương hiệu nổi tiếng nhưng chỉ đứng thứ 38, với lý do chủ yếu là chính sách hạn chế nhập cư của chính phủ.
Top 10 quốc gia có chỉ số gắn kết toàn cầu cao nhất thế giới năm 2016
Là trung tâm công nghệ, kỹ thuật số của châu Âu, không ngạc nhiên khi Hà Lan được DHL xếp đứng đầu thế giới về chỉ số gắn kết toàn cầu. Vị trí thứ 2 thuộc về quốc đảo Singapore. Singapore là trung tâm giao thương, tài chính và thương mại toàn cầu. Họ được World Bank bầu chọn là “Nơi dễ dàng nhất để kinh doanh” trong 10 năm liên tiếp. Đây cũng là trung tâm tài chính lớn thứ 4 thế giới và đứng thứ rất cao trong các bảng xếp hạng quốc tế liên quan đến sự minh bạch của chính phủ, thương mại và mức sống của người dân.
Các vị trí tiếp theo trong top 10 quốc gia có chỉ số gắn kết toàn cầu cao nhất năm 2016 lần lượt thuộc về: Ireland, Thụy Sĩ, Bỉ, Đức, Anh, Đan Mạch, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Việt Nam cũng nằm trong danh sách khảo sát của DHL kỳ này và được xếp hạng thứ 36 về chỉ số gắn kết toàn cầu (cao hơn cả Nhật Bản, Nga và Trung Quốc). Đây là một thành quả không nhỏ, phản ánh những nỗ lực và khả năng hội nhập, gắn kết của nước ta với các nền kinh tế khác trên thế giới.
Nguyễn Khang
Tổng hợp