Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vừa được Quốc hội thông qua.
Sáng 8/6, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tiếp tại hội trường, thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, với 94,62% tỷ lệ đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Còn EVIPA được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành 95,65%.
Các Nghị định này sẽ được ký ban hành ngày 30/6. Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo, dự kiến 30 ngày kể từ ngày thông báo, hiệp định này sẽ có hiệu lực.
Theo Nghị quyết EVFTA, Quốc hội đồng ý áp dụng toàn bộ nội dung hiệp định. Tuy nhiên, các quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ sẽ được áp dụng khi Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành.
Riêng với Anh, hiệp định sẽ áp dụng từ thời điểm có hiệu lực đến hết năm 2020 và có thể gia hạn 24 tháng theo thoả thuận giữa Anh và liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời EU.
Quốc hội giao Thủ tướng tổ chức thực hiện hiệp định này, chuẩn bị nguồn lực phát huy những cơ hội và có giải pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh khi thực hiện. Định kỳ hàng năm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc thực hiện hiệp định này.
Trước đó, ngày 30/3, Hội đồng châu Âu (EC) quyết định thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Chiều nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với Cao uỷ thương mại EU. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai bên sau khi EVFTA được phê chuẩn, thông qua.
Quốc hội đồng ý áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Tuy nhiên quy định về công nhận, cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư sẽ được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng.
EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch xuất khẩu) sẽ được xóa bỏ thuế. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu 0%.
EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch hai chiều gần 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 41,5 tỷ và nhập khẩu từ EU là 15 tỷ USD.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 32.000 dự án đã vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD. Trong đó, khu vực châu Âu với 2.500 dự án, vốn đăng ký 27,5 tỷ USD. Việc phê chuẩn EVIPA được kỳ vọng giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ mới, sạch từ EU.