Samsung giúp nông dân Việt kiếm nhiều tiền hơn môi giới chứng khoán
Một vài năm trước, ở một trong những tỉnh nghèo nhất nước, cô Nguyễn Thị Dung kiếm sống bằng nghề chăn nuôi gà và trồng lúa. Đến năm nay, cô đang mong chờ mức thu nhập còn cao hơn cả số tiền mà một nhân viên môi giới chứng khoán bình thường có thể kiếm được. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này? Câu trả lời chính là Samsung.
Trong bài viết mới nhất của mình, trang Bloomberg chỉ ra rằng việc Samsung đến Việt Nam đã mang tới cơ hội cải thiện thu nhập tốt hơn hẳn cho những người nông dân, cao hơn cả những người làm việc ở "phố wall Việt Nam".
“Gã khổng lồ” điện tử đến từ Hàn Quốc đã mở nhà máy ở giữa những cánh đồng lúa của Bắc Ninh và bắt đầu sản xuất smartphone ở đây từ 7 năm trước. Chính hoạt động của nhà máy này đã biến ngôi làng từng ngủ quên của người phụ nữ này trở thành trung tâm xuất khẩu lớn thứ hai trong cả nước, chỉ sau đầu tàu kinh tế TP HCM.
“Cuộc đời của chúng tôi đã thay đổi rõ rệt từ khi Samsung đến đây”, người phụ nữ 57 tuổi nói. Hiện cô đang kinh doanh nhà trọ và bán hàng tạp hóa, phục vụ các công nhân của Samsung. Dự tính sẽ kiếm được tới 68.000 USD trong năm nay (hơn 1,5 tỷ đồng), cô chia sẻ đang muốn mua một chiếc ô tô để tiện đi lại.
Các nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh đang giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 nhân công và thu hút hàng trăm nhà sản xuất linh kiện nước ngoài. Chính lượng nhân sự đổ dồn về đây đã khiến thị trường nhà ở cho thuê tại Bắc Ninh phát triển bùng nổ.
Trong khoảng từ năm 2011-2015, có khoảng 2.000 nhà ở cho thuê, khách sạn, nhà hàng mọc lên, giúp GDP bình quân của người dân Bắc Ninh cao gấp 3 lần so với trung bình cả nước.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phương Bắc cho rằng dòng vốn đầu tư đã góp phần tạo nên sức tăng trưởng đột phá của cả nền kinh tế, chứ không chỉ cho riêng Bắc Ninh.
Samsung mở nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1992. Giờ đây hãng đang đặt cược lớn vào Việt Nam. Từ nhà máy pin của Samsung SDI, những chiếc xe buýt chở công nhân màu trắng có logo Samsung nối đuôi nhau chạy trên những con đường nhựa thẳng tắp mà ở hai bên là những con bò đang gặm cỏ. Còn những chiếc xe tải thì vận chuyển smartphone đến sân bay Nội Bài, nơi Samsung có cả bến bốc xếp hàng hóa của riêng mình.
Tính đến tháng 6 vừa qua, tổng cộng 856 công ty nước ngoài đã đầu tư 11,9 tỷ USD vào Bắc Ninh. Hơn một nửa trong số đó liên quan đến Samsung. Đầu tư nước ngoài hiện đóng góp tới 60% GDP của tỉnh, theo ông Nguyễn Đức Cao, phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp ở Bắc Ninh.
Khoản đầu tư 15 tỷ USD cũng giúp Samsung trở thành công ty xuất khẩu lớn nhất cả nước, với tổng giá trị các mặt hàng điện tử xuất khẩu trong năm ngoái lên tới 33 tỷ USD. Trước khi Samsung đến, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và các sản phẩm viễn thông khác chỉ ở mức khiêm tốn 593 triệu USD.
Ngoài 2 nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung còn mở nhà máy ở Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh, thuê 130.000 lao động trên cả nước. Trao đổi với Bloomberg, lãnh đạo công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ở Việt Nam, tùy vào các xu hướng tiêu dùng, xu hướng thị trường mà mở rộng.
Hiện ở Việt Nam, Samsung có hợp đồng với khoảng 200 nhà cung cấp trong nước. Tuy nhiên, theo ông Bắc, Việt Nam cần phát triển những nhà cung cấp nội địa để có thể sản xuất những linh kiện tinh vi hơn thay vì những sản phẩm đơn giản như bao bì, vỏ máy như hiện nay.
"Nếu không thể gia nhập chuỗi cung ứng với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc quá nhiều vào các công ty nước ngoài, còn lợi ích của các công ty Việt Nam bị hạn chế".
Hương Linh
Tổng hợp