Sau “doạ dẫm” đóng cửa, lọc dầu Dung Quất có thoả mãn khi được cứu?
Thay vì thu tiền điều tiết lên tới 20% như các sản phẩm nhập khẩu thì xăng từ Dung Quất tới đây sẽ được giảm mức thu xuống chỉ còn 10%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Quyết định 1725 (thay thế Quyết định 952/2012) về cơ chế tài chính cho Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) cho phép doanh nghiệp được tự chủ về tài chính từ 1/1/2017.
Vướng mắc lớn nhất của Dung Quất đã được Thủ tướng xoá bỏ, Nhà nước sẽ chỉ thu tiền điều tiết với mặt hàng xăng là 10%, các mặt hàng khác về 0%. Thời gian áp dụng thu điều tiết đối với sản phẩm xăng của Công ty Bình Sơn, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất thực hiện từ ngày 3/9/2016 đến hết ngày 31/12/2016.
Trước đó, xăng dầu của Dung Quất được áp dụng theo Quyết định 925 của Thủ tướng, các sản phẩm xăng dầu của Dung Quất sẽ được thu điều tiết bằng cách áp dụng đúng với mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu.
Tuy nhiên, nhằm tạo lợi thế cho sản xuất xăng dầu trong nước, Chính phủ cho phép Bình Sơn được giữ lại 3-7% tiền tương đương thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu xăng áp dụng hiện nay là 20%, thì Dung Quất sẽ chỉ phải nộp 13% cho Nhà nước.
Như vậy, với việc thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN hiện là 20%, Hàn Quốc là 10% thì việc áp dụng với Dung Quất 10% đã tạo ra lợi thế đáng kể với sản phẩm từ nhà máy này. Theo thống kêm xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu từ khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, quyết định này giúp các sản phẩm xăng dầu của Dung Quất cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay ASEAN.
Theo đó, ông Giang cho rằng các sản phẩm xăng từ ASEAN đã có mức thuế suất là 20%, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ 0% nên đã có sự chênh lệch lớn, nhiều đầu mối xăng dầu trong nước đổ xô nhập khẩu từ đây để hưởng lợi thuế quan. Do đó, các sản phẩm của Dung Quất trước đó đã bị gặp khó, nhiều đầu mối từ chối nhập khẩu.
Trước đó, Bình Sơn, Tập đoàn Dầu khí quốc giá Việt Nam PVN đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc sản phẩm tồn kho lớn do không cạnh tranh được với các sản phẩm xăng dầu từ ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Một trong những nguyên nhân được phía Bình Sơn và PVN đưa ra là từ đầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức đối với Dung Quất vẫn là 20% và 5%.
Vì vậy, sản phẩm xăng dầu của Dung Quất làm ra có giá thành cao hơn nên các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Petimex… đều giảm mua.
Theo PVN, ở thời điểm này mặc dù Công ty Bình Sơn đã đàm phán, thuyết phục khách hàng và cũng đã giảm giá bán để bù đắp một phần chênh lệch thuế nhập khẩu, song mức giá bán đối với dầu diesel và Jet-A1 của Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp đầu mối lớn chỉ ký hợp đồng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng mua để “chờ đợi” phương án giảm thuế của Chính phủ, Bộ Tài chính.
PVN cho rằng, đây là những rủi ro tiềm ẩn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch mua dầu thô, xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cũng như mục tiêu đảm bảo an toàn vận hành. Thậm chí, nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động.
Theo Bizlive