Tin tức

Trang chủ » » Sếp Ernst & Young Việt Nam: thực tế chuyển giá không có gì là xấu cả...

Sếp Ernst & Young Việt Nam: thực tế chuyển giá không có gì là xấu cả...

12/10/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

“Cứ nói đến chuyển giá cứ như là cái gì ghê gớm, tội lỗi nhưng thực tế chuyển giá không có gì là xấu cả. Vấn đề là Việt Nam có chấp nhận chuyển giá đó không và chấp nhận ở mức độ nào?"

Vấn đề chuyển giá, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật gây thất thu cho ngân sách, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước đã xảy ra, tuy nhiên tại tọa đàm "Ngày doanh nhân bàn về xóa bỏ rào cản kinh doanh", bà Hương Vũ, Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, việc trốn thuế không đơn giản, bởi các công ty đa quốc gia bỏ ra nhiều triệu USD để mua một hệ thống khai thuế.

Bà Hương Vũ quan điểm: Có thể do luật thuế của Việt Nam không rõ và cách diễn giải của các công ty khác đi, nên có tranh luận giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.

“Cứ nói đến chuyển giá cứ như là cái gì ghê gớm, tội lỗi nhưng thực ra chuyển giá chỉ là một công cụ tài chính để tối ưu hóa lợi nhuận thôi. Như vậy, có vấn đề chuyển giá hay không thì là có. Nhưng, chuyển giá có được phép hay không thì chúng ta không nhìn đến. Chuyển giá không có gì là xấu cả. Vấn đề là Việt Nam có chấp nhận chuyển giá đó không và chấp nhận ở mức độ nào?

Chấp nhận hay không thì hiện Việt Nam cũng có những thông tư về việc chuyển giá quy định rõ ràng. Tức là loại hình hoạt động kinh doanh nhất định sẽ có một tỷ suất lợi nhuận trong một khoảng có trần và sàn. Lợi nhuận của tôi vẫn đảm bảo thì chuyển giá vẫn còn ở mức cho phép”, bà Hương Vũ nói.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Võ Trí Thành cho rằng: Chúng ta phải hiểu thuế và chuyển giá có những trường hợp vi phạm pháp luật. Ví dụ trốn thuế là vi phạm nhưng tránh thuế thì không vi phạm pháp luật.

Tương tự với chuyển giá, có những hành vi là vi phạm, có hành vi thì không vi phạm. Chuyển giá là công cụ để tối ưu hoạt động giữa tập đoàn lớn và các công ty con. Đây là vấn đề không dễ để giải quyết, chỉ mới đây Hội nghị thượng đỉnh G20 mới có cuộc họp về vấn đề này. Nhưng bản thân G20 vẫn chưa có những cam kết chung về chuyển giá.

“Tuy nhiên, họ đúc rút ra các cách, một là tự điều chỉnh những quy phạm pháp luật để hạn chế những chênh lệch về thuế giữa nước mình và các nước khác. Hai là chia sẻ thông tin và phối hợp. Cách kế toán hợp nhất và không hợp nhất. Một cách khác là phối hợp thông tin giữa các nước không phải chỉ liên quan đến thuế, chuyển giá còn liên quan đến thương hiệu hay quyền sở hữu trí tuệ… thì rất khó phát hiện ra. Ở đây một mặt chúng ta phải nhìn nhận đây là hoạt động tất yếu của thị trường, nhưng mặt khác, ta phải hoàn thiện pháp luật để tìm cách hạn chế các hoạt động bị xem là “lách””, ông Thành cho hay.

Liên quan đến vấn đề thuế, bà Hương Vũ cho hay đã tham gia từ dự thảo luật cho đến nghị định, thông tư và đồng hành cùng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm thế nào để thực hiện nghĩa vụ thuế khi đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta nói rất nhiều về chính sách, đặc biệt là nghị quyết 35 để biến Việt Nam thành đất nước ủng hộ các DNVVN và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Đọc nghị quyết 35 mới thấy Thủ tướng rất quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng làm sao để cụ thể hóa nghị quyết 35 vào thực tế thì rất khó, bởi dưới nghị quyết đó là một loạt các nghị định, thông tư của những văn bản hướng dẫn. Mấy chục năm nay, cán bộ thu thuế, cán bộ xuống kiểm tra đều mang trong đầu tính áp đặt, đối kháng với nhà đầu tư, với người trả thuế. Vì thế, hiện thực hóa ý tưởng của chính phủ là vấn đề lớn và khó khăn ở khâu hành thu”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương Vũ, chính sách luôn hướng tới là đơn giản, dễ hiểu, nhất quán, mang tính ổn định nhưng nhiều khi chính sách không phù hợp thực tiễn.

“Việt Nam nói hội nhập quốc tế, bao nhiêu doanh nghiệp đa quốc gia đã vào Việt Nam, nhưng Luật Kế toán quy định tất cả sổ sách kế toán vẫn phải in ra, trong khi có công ty thực hiện 20.000- 30.000 nghiệp vụ mỗi ngày thì một năm lấy đâu ra chỗ để chứa những sổ sách đó?

Doanh nghiệp yêu cầu gửi bản mềm thì cơ quan thu thuế không nghe, sau đó doanh nghiệp không nộp được đủ thì không hoàn thuế, làm họ phải chạy khắp nơi để có thể đủ giấy tờ bản cứng để hoàn được thuế. Đây là quyền được thụ hưởng của doanh nghiệp mà họ phải đi xin, cậy cục khắp nơi”, bà Hương Vũ nói thêm.

Mặt khác, vị Phó Tổng giám đốc này còn chỉ ra sự bất cập ở khâu hành thu. Hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp đa quốc gia vào, họ bỏ ra nhiều tiền để mua hệ thống khai thuế. Họ không có thói quen của các cán bộ thuế, đó là sau khi hoàn thành một khoản nào đó, cán bộ thuế đòi hỏi thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay thực hiện việc khai thuế qua mạng nên những đòi hỏi của các cán bộ thuế là vô lý. 

Nguyễn Lê

Theo Infonet.vn

  




Văn bản gốc