Smartphone tầm trung: Cuộc chiến không cân sức
Hiện nay, người dùng có xu hướng sử dụng tài nguyên trên điện thoại nhiều hơn họ tưởng, nhất là khi dung lượng của các ứng dụng ngày một lớn hơn nhằm bổ sung thêm tính năng và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Năm 2016, doanh thu smartphone dự kiến đạt 65-70% tổng số điện thoại bán ra trên toàn thị trường. Ở thị trường Việt Nam, nếu điện thoại thông minh (smartphone) có thương hiệu đã xác định vị trí dẫn đầu của Samsung và Apple, thì ở phân khúc giá thấp hơn, đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hơn chục hãng điện thoại, phần lớn đến từ Trung Quốc, Ấn Độ. Hồi giữa tháng 7 vừa qua, hãng điện thoại Elephone (Trung Quốc) đã ghi danh trong bảng xếp hạng smartphone phân khúc từ giá rẻ đến tầm trung ở Việt Nam, vốn đã dày đặc hơn chục thương hiệu như ZTE, Xiaomi, Gionee, Coolpad, Wiko, Obi, Intex, Alcatel và Vivo...
Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường GfK, trong năm 2016, doanh thu smartphone dự kiến sẽ chiếm khoảng 65-70% tổng số điện thoại bán ra toàn thị trường. Vì vậy, không khó hiểu vì sao Việt Nam luôn có sức hút mạnh mẽ đối với các thương hiệu điện thoại mới. Do kém hơn về độ nhận diện thương hiệu nên các hãng điện thoại mới thường dùng chiến lược giá rẻ để cạnh tranh. Theo đó, giá của smartphone Trung Quốc thường thấp hơn ít nhất 40% so với các mẫu smartphone có thương hiệu, cùng cấu hình.
Nhìn chung, phần lớn thương hiệu smartphone Trung Quốc và Ấn Độ vẫn dùng chiến lược giá rẻ, bán độc quyền ở một chuỗi số cửa hàng và kết hợp với trang web thương mại điện tử Lazada Việt Nam, bỏ lại sau lưng những hoài nghi về việc bảo hành của người mua. Xu hướng này cho thấy các thương hiệu này dường như chỉ đang dò sức mua thị trường Việt Nam với chi phí thấp nhất, hơn là đầu tư lâu dài.
Nhưng thực tế, theo đuổi chiến lược này cũng chịu rủi ro. Đầu tiên là vị trí không bền vững, rất dễ bị lung lay khi các hãng smartphone có thương hiệu lớn ra sản phẩm mới, giảm giá mẫu cũ hoặc đưa ra sản phẩm cùng phân khúc. Thứ 2 là khi bán với giá rẻ, lấy doanh thu trừ đi chi phí hoa hồng cho chuỗi cửa hàng, nhà nhập khẩu, chi phí tiếp thị và bảo hành ở Việt Nam, rất khó có được lợi nhuận. Kể cả đại diện đến từ công xưởng thế giới là Trung Quốc.
Bộ nhớ 16 GB: đã là quá khứ
Hiện nay, người dùng có xu hướng sử dụng tài nguyên trên điện thoại nhiều hơn họ tưởng, nhất là khi dung lượng của các ứng dụng ngày một lớn hơn nhằm bổ sung thêm tính năng và nâng cao trải nghiệm người dùng. Mặt khác, việc tăng cường phần cứng khiến ảnh chụp hay các đoạn video quay bằng điện thoại có dung lượng ngày càng lớn.
Trước xu hướng phát triển của các dịch vụ lưu trữ đám mây, nhiều người cho rằng mức này vẫn đủ để sử dụng. Tuy nhiên, người dùng sẽ cần đến dữ liệu di động để có thể sử dụng các tài liệu của họ. Điều này gây phiên hà cho khách hàng, cực kỳ bất tiện và tốn thời gian.
Ngoài ra, người dùng khi đó còn phải chi trả thêm cho nhà mạng để giữ kết nối dữ liệu luôn ở mức ổn định do không phải lúc nào cũng ở nơi có Wi-Fi. Đặc biệt, tại một số thị trường như Việt Nam, tốc độ đường truyền thường không ổn định cũng là vấn đề lớn cần phải lưu ý nếu bạn là người muốn chọn lựa “combo” smartphone 16GB và dữ liệu đám mây “lơ lửng”.
Đến lúc này, giải pháp được đưa ra là “cuống cuồng” đi mua thẻ nhớ ngoài để mở rộng dung lượng lưu trữ. Những chiếc smartphone 16 GB không còn phù hợp với xu thế hiện đại. Tuy nhiên, nếu muốn sở hữu phiên bản có dung lượng cao hơn, bạn sẽ phải bỏ thêm số tiền không hề nhỏ. Đó là một vấn đề lớn bởi giá thành là yếu tố quan trọng khi người dùng chọn mua một chiếc điện thoại trung cấp.
Cuộc chơi màu sắc và sự trỗi dậy của sắc vàng hồng
Rất nhiều smartphone đã chứng kiến doanh số bán không như mong đợi vì màu sắc không đa dạng và theo nhu cầu của khách hàng. Các màu sắc đen trắng đã quá cũ và nhàm chán để người dùng chọn lựa.
Trong giai đoạn 2014-2015, màu vàng (gold) như một làn gió tươi mới thổi vào thiết kế của các smartphone và nhanh chóng trở thành màu của xu hướng, màu của sự sang trọng. Bên cạnh màu vàng, năm 2016, màu vàng hồng (Rose Gold) còn trở nên nóng hơn màu sắc đơn lẻ của chính mình 1 năm trước.
Một số nhà bán lẻ đã nhận định rằng với các smartphone có màu vàng hồng, thì lượng đơn đặt hàng màu vàng hồng chiếm đến 40% so với các màu khác.Do đó, không khó để biết nhận ra rằng, màu vàng hồng tâm điểm đã trở thành cuộc đối đầu giữa các hãng smartphone đặc biệt là phân khúc trung cấp với sự so găng của Galaxy A5 2016 và iPhone SE.
Rõ ràng, thị trường smartphone tầm trung giờ đây đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Các thương hiệu mới không thể trông mong vào mỗi chiến lược giá rẻ, đầu tư nhận diện thương hiệu một cách hời hợt. Họ phải làm hơn thế hoặc ra về tay trắng.
Huyền Thương
Tổng hợp