Tin tức

Trang chủ » » Sớm gạt bỏ những "rào cản" của xuất khẩu gỗ sang EU

Sớm gạt bỏ những "rào cản" của xuất khẩu gỗ sang EU

14/04/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Mặc dù tiềm năng xuất khẩu sản phẩm gỗ sang EU còn khá lớn, các điều kiện thúc đẩy xuất khẩu cũng ngày một thuận lợi, song xuất khẩu sản phẩm gỗ sang EU hiện vẫn vấp phải trở ngại trong vấn đề chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nguyên liệu.

Hợp pháp hóa nguồn gốc gỗ xuất khẩu

Với 500 triệu dân và kinh tế phát triển, EU chiếm khoảng ¼ thị trường tiêu thụ đồ gỗ thế giới. Về các mặt hàng gỗ, hiện EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc). Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng các mặt hàng đồ gỗ (HS 94), EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (FLEGT-VPA), sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo được sự tin tưởng hơn với người tiêu dùng châu Âu, qua đó, thúc đẩy thương mại gỗ giữa hai nước. Qua đó, cả EU và Việt Nam đều cam kết đấu tranh đẩy lùi buôn bán sản phẩm gỗ trái phép, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.  

Hiện nay mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 700-800 triệu USD, trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm. Như vậy, dư địa thị trường còn rất lớn. Dự kiến, thời gian tới xuất khẩu gỗ sang EU sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ USD/năm. Một điểm khó khăn nhất trong quá trình đàm phán lần này chính là việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong một chuỗi cung ứng dài khi sản phẩm gỗ được làm từ nhiều công đoạn, ở nhiều quốc gia và doanh nghiệp khác nhau. Do đó, trong trường hợp không có được thông tin về nguồn gốc gỗ là hợp pháp, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình để thể hiện là họ đã nỗ lực trong việc xác định nguồn gốc gỗ hợp pháp. Nhiều người quan ngại về việc đã nhiều nước ký hiệp định song phương về xác định gỗ hợp pháp FLEGT này nhưng tới nay vẫn rất ít quốc gia được cấp chứng chỉ FLEGT. Phía Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề này trong các phiên đàm phán FLEGT-VPA với EU. Dự kiến phải đến năm 2018 thì lô hàng đầu tiên tại Việt Nam  mới được cấp chứng chỉ FLEGT.

Nâng cao chất lượng, uy tín của gỗ Việt Nam

Đồ gỗ đang là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 5,6 tỷ USD, chiếm khoảng 80% tổng giá trị sản xuất của cả ngành, đem lại thu nhập cho gần 300 nghìn lao động ngành chế biến gỗ và hàng nghìn hộ gia đình tại các làng nghề, khu vực trồng rừng. Thực tế, sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước tiên tiến như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phải đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, có thể truy xuất nguồn gốc, song khi sản phẩm có chứng chỉ FLEGT sản phẩm đó sẽ có uy tín hơn rất nhiều với người dân châu Âu. EU là một trong 5 thị trường lớn nhập khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản của Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 7 tỉ đô la Mỹ sản phẩm liên quan tới rừng thì sang EU đạt trên 700 triệu đô la Mỹ, tương đương 10%.

Phần lớn DN hiện nay gặp khó khăn về việc yêu cầu các giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp khi thu mua gỗ trong dân, một phần do nhận thức, một phần do người dân chưa có thói quen lưu trữ hồ sơ và sự thiếu thống nhất về các yêu cầu giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ. Do vậy, việc nâng cao tuyên truyền để người dân, DN nắm vững thông tin nhằm đáp ứng những sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu đang là những đòi hỏi bức thiết. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang xuất vào EU chủ yếu theo hình thức FOB, tức khách hàng đến mua và giao hàng tại cảng Việt Nam nên.

Phương Hà

 

  




Văn bản gốc