Tái cơ cấu nền kinh tế: Những thách thức phải đối mặt
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Kinh tế QH mới đây cho ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Và, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 diễn ra ngày 12/10 vừa qua, một lần nữa vấn đề này được các chuyên đề cập.
Tái cơ cấu kinh tế tiến triển chậm
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính chung 9 tháng năm 2016, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng sáu tháng đầu năm (5,52%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2016 tăng 3,14% so với tháng 12/2015 chủ yếu do tăng giá dịch vụ công. Dự báo lạm phát cả năm dưới mức 5% do Quốc hội đề ra.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đã được điều hành chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện ba đột phá lớn, nhất là nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển bền vững nền kinh tế. Các nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu cácngân hàng thương mại thu được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là chất lượng tăng trưởng thấp, vẫn mang nặng mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều rộng với hai yếu tố vốn và lao động; tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng GDP từ 36,2% năm 2015 giảm xuống 34,4% năm 2016. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra. Nợ công và nợ Chính phủ nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu nợ, đến cuối năm 2016 cũng có thể cao hơn mức đã dự kiến. Việc thực hiện các đột phá lớn và tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm… Đây là những yếu tố có tác động không nhỏ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, 5 năm vừa qua là thời gian chúng ta vật lộn với tái cơ cấu, cũng là 5 năm khó khăn nhất của 30 năm đổi mới. Nhưng quá trình tái cơ cấu diễn ra dường như thiếu có động lực thúc đẩy, niềm tin và sự lạc quan, hào hứng như thời kỳ đổi mới. Kết quả là tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng. Cơ chế đầu tư công thực chất vẫn chưa thay đổi, vẫn lấy “xin - cho” làm trụ, trong khi khó khăn ngân sách trở nên trầm trọng hơn và nợ công tăng nhanh. Hệ thống ngân hàng đã “trụ” được qua cơn sóng gió, song “cục máu đông” - nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên. Hệ thống ngân hàng đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, hư hỏng nhưng rất yếu, đang vận hành trên một nền tảng thiếu vững chắc.
Hệ thống doanh nghiệp nhìn chung là yếu, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp nội địa, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân - thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh. Cho đến nay, Chính phủ đã cổ phần hóa được không ít DNNN, song thực chất tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa - phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng - chỉ đạt được không đáng kể - có thể chỉ 10-15% tổng số vốn của các DNNN được cổ phần hóa.
Bối cảnh phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam rất khác, hội nhập đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất. Chỉ trong năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và đi vào thực thi hàng loạt Hiệp định Hội nhập thế hệ mới, có trình độ rất cao. Nhiều đối tác trong các Hiệp định là những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, 27 nền kinh tế EU, Nga và Hàn Quốc. Các điều khoản cam kết của các Hiệp định đều đòi hỏi về trình độ và tiêu chuẩn rất cao, điều kiện thực thi rất nghiêm ngặt.
Cần phải đối phó với cú “hạ cánh” của nền kinh tế Trung Quốc
Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải thay đổi căn bản thực lực của mình mới “bám” vào được các cấu trúc hội nhập này, qua đó, hưởng lợi ích hội nhập để vượt lên. Nghĩa là chúng ta phải ráo riết tái cơ cấu, nhưng là tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy nền kinh tế mới tránh khỏi lặp lại tình thế “hậu WTO”, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên. Bản thân hội nhập cũng cung cấp các điều kiện và định hướng cho quá trình tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng. Tái cơ cấu, trong sự khôn ngoan cần có của nước đi sau, phải biết “mượn sức” hội nhập để “nhập” vào quỹ đạo hội nhập, thay đổi cơ cấu kinh tế của mình, nhanh chóng thoát khỏi đẳng cấp thấp để tiến vượt lên.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, yếu tố đặc biệt quan trọng, có tác động rất mạnh đến tư duy và định hướng tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới là triển vọng nền kinh tế Trung Quốc, một triển vọng chỉ mới sẽ tiếp tục giảm tốc trong bất ổn và để đạt được trạng thái “tăng trưởng bình thường mới” thì “hạ cánh” là điều không tránh khỏi. Đó là việc, Trung Quốc đang phải từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu. Hệ lụy là thừa công suất, thừa sản phẩm. Trung Quốc phải di chuyển số công suất thừa và cơ cấu cũ lạc hậu ra ngoài, phải tranh thủ mọi cách để tiêu thụ hàng hóa dư thừa. Việt Nam chắc chắn là một địa chỉ tốt để Trung Quốc giải quyết hai việc trên. Đây chính là thách thức ngắn hạn, thường trực cho công cuộc phát triển và tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc đang nỗ lực tối đa để nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Quá trình này - dựa trên nền tảng thay đổi mạnh mẽ cấu trúc và các quan hệ quốc tế của nền kinh tế khổng lồ này chắc chắn sẽ gây ra những chấn động cơ cấu lớn cho cả thế giới. Việt Nam ở ngay gần kề Trung Quốc, đang bị lệ thuộc khá nặng nề vào nền kinh tế này, lại đang trong giai đoạn khó khăn. Tái cơ cấu không có gì khác hơn là nền kinh tế đang “lột xác”, tạo “đột biến cấu trúc” để trưởng thành nhưng cũng là thời đoạn mong manh, nhạy cảm, dễ gặp rủi ro bậc nhất. Nó sẽ chịu tác động rất mạnh từ cú “hạ cánh” của Trung Quốc, ông Trần Đình Thiên nhận định.
Vì vậy, ông Thiên cho rằng, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là làm sao để giảm thiểu tác động gây sốc từ cú “hạ cánh” của nền kinh tế Trung Quốc và phải nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc cơ cấu vào nền kinh tế này. Đó là những vấn đề lớn, đều khó giải quyết bậc nhất đặt ra cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Một vấn đề nữa mà ông Thiên cho rằng không thể không đề cập đến là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào vận hành đã và đang tác động rất mạnh đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của AEC là hình thành “một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất”. Nhưng công cuộc thực hiện vẫn chủ yếu dựa trên nguyên lý sức mạnh cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên, của các tập đoàn doanh nghiệp. Trong cuộc đua tranh sắp xếp chiến lược này, Việt Nam đang bị kém thế trên nhiều phương diện. Thêm vào đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cuộc tranh chấp nước sông Mekong, điều kiện sản xuất và sinh sống cơ bản của Việt Nam đang thay đổi rất mạnh mẽ và sâu sắc, nhất là ở vùng ven biển, vùng Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây cũng là yếu tố quy định chiến lược phát triển quốc gia trong giai đoạn tới. Vậy nên việc giải quyết vấn đề này như thế nào ở tầm chiến lược cần được đặt ra cho Việt Nam hiện nay.
Mai Anh
Tổng hợp