Tin tức

Trang chủ » » Tăng trưởng GDP của Việt Nam phải chăng chỉ là bề nổi?

Tăng trưởng GDP của Việt Nam phải chăng chỉ là bề nổi?

23/12/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Việt Nam vốn sẵn có một văn hóa nghi lễ thường lấy hình thức quyết định nội dung, đôi khi để che giấu nội dung, điều này xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực bao gồm cả việc phản ánh thực trạng của nền kinh tế.

Nền kinh tế manh mún

Tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2005-2014 khoảng 6%, đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nhưng nhìn sâu hơn vào cấu trúc sở hữu trong GDP cho thấy đóng góp vào GDP của Việt Nam cơ bản do khu vực cá thể, trong suốt 10 năm từ 2005 – 2014 tỷ lệ này luôn ổn định ở mức 32% trong GDP. Tỷ trọng kinh tế Nhà nước giảm khoảng 4% thay vào đó khu vực FDI tăng khoảng 4%.

Cấu trúc về sở hữu cho thấy nền kinh tế Việt Nam rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi cấu trúc nào đáng kể; các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, tỷ trọng của khu vực sở hữu này trong GDP rất thấp (8%) và không hề thay đổi trong suốt từ 2005 – 2014. Điều này cho thấy phải chăng tăng trưởng GDP chỉ là tăng trưởng về bề nổi?

Chênh lêch giữa thu nhập quốc gia (GNI) và GDP của Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng. Năm 2000 chênh lệch này chỉ khoảng 1,4% thì đến năm 2014 chênh lệch giữa GDP và GNI xấp xỉ khoảng 5%, nếu quy ra USD thì năm 2000 thu nhập sở hữu thuần ra nước ngoài chỉ khoảng 0,45 tỉ USD thì năm 2014 luồng tiền chảy ra nước ngoài ước tính khoảng 9 tỉ USD. Sở dĩ tỷ lệ để dành (saving) trong GDP không sụt giảm nhiều là do lượng kiều hối hàng năm trên dưới 10 tỉ USD. Lượng tiền mất đi này một phần là do từ khu vực FDI (chi trả sở hữu thuần).

Khu vực FDI lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước

Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy xuất khẩu tuy làm tăng sản xuất xấp xỉ 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (-13.3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%). Điều này khẳng định xuất khẩu ở thời điểm hiện nay cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công mà còn gây nên nhập siêu mạnh.

Xét trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao. Đỉnh điểm là năm 2008, tổng mức nhập siêu hàng hóa là trên 18 tỉ USD. Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vấn đề nhập siêu cũng không hẳn là không tốt nếu các hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI, một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, và sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và các loại linh kiện, hàng dệt may, giày dép... mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả cho nền kinh tế cũng không cao.

Điều này có thể thấy được qua nghiên cứu tình hình nhập siêu và tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2000-2014 trong hình dưới đây. Nhập siêu có cao hay thấp thì GDP vẫn tăng trưởng khá trong giai đoạn hầu hết các năm. Năm 2014, xuất siêu hàng hóa khoảng 3 tỉ USD, tăng trưởng GDP đạt được 5.98%, Năm 2015 nhập siêu hàng hóa khoảng 3,2 tỉ USD, GDP lại đạt tăng trưởng cao hơn rất nhiều (theo ước tính xấp xỉ 6,7%).

Năm 2012 xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 63% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa nhưng 9 tháng tỷ lệ này tăng lên xấp xỉ 67%, tuy tổng XNK là xuất siêu xấp xỉ 2,5 tỉ USD nhưng khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu 10,2 tỉ USD. Việc xuất siêu hoàn toàn do khu vực FDI mang lại. Nếu cả năm 2013 xuất siêu của khu vực này là 13 tỉ USD thì trong 9 tháng năm 2014 xuất siêu của khu vực này đã là 12,7 tỉ USD.

Nhìn lại chuỗi số liệu cho thấy suốt từ năm 2000 đến 2014 khu vực FDI luôn xuất siêu và khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu; từ năm 2012 đến nay khu vực FDI có xu hướng xuất siêu mạnh mẽ. Từ năm 2005 đến 2013 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng từ 57% năm 2005 tăng lên 67% trong năm 2013, nhưng thật ngạc nhiên tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại không tăng lên đáng kể (từ 15,2% năm 2005 và 17,9% năm 2014).

Điều này phần nào cho thấy khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng, mặt khác điều này cũng cho thấy sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn.

Cấu trúc kinh tế bộc lộ nhiều điểm yếu

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng, đặc biệt nhóm ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp khai thác. Nhìn vào số liệu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của hai nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp cho thấy tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất đều sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2000-2013; đặc biệt nhóm ngành công nghiệp tỷ lệ này giảm từ 34,7% năm 2000 xuống chỉ còn 21,7% năm 2013.

Điều này cho thấy phần giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp mà nền kinh tế nhận được ngày càng nhỏ đi khá nhiều so với giai đoạn trước. Nó cũng cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện. Tỷ lệ này đối với nhóm ngành nông nghiệp tuy không giảm mạnh như nhóm ngành công nghiệp, nhưng cũng có xu hướng giảm (từ 68% năm 2000 xuống 63% năm 2013).

Với cấu trúc ngành như vậy cho thấy hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém, sản xuất, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít. Như vậy với sự hứng thú với công nghiệp hóa như vẫn đang hiểu có thể không hiệu quả mà chỉ làm đất đai bị sử dụng không hiệu quả, tài nguyên mất đi và môi trường bị hủy hoại. Hơn nữa cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập càng sâu càng bộc lộ nhiều điểm yếu. Với cấu trúc công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp tỏ ra có nhiều vấn đề là tốn nhiều vốn hơn để có được 1 đơn vị giá trị gia tăng và tiêu tốn năng lượng, đồng thời thải CO2 ra môi trường.

Như vậy có thể thấy với cấu trúc kinh tế (cấu trúc nội tại - input structure, cấu trúc ngành) và hiệu quả đầu tư như hiện tại thực chất cho thấy tăng trưởng của Việt Nam không cao (như đã công bố) và môi trường bị hủy hoại. Các kết quả tính toán cho thấy chính những chủ trương và sự hiểu lầm về công nghiệp hóa dẫn đất nước đến tình trạng như hiện nay.

Nghiên cứu cho thấy bất ổn kinh tế và môi trường chính là đến từ khu vực công nghiệp khai thác và chế biến chế tạo. Nó cho thấy cho rằng hiện Việt Nam có một cơ cấu ngành lệch lạc và hiệu quả đầu tư trong việc phân bổ nguồn lực cho các ngành. Theo đó nếu chuyển 10% xuất khẩu của nhóm ngành công nghiệp sang nhóm ngành dịch vụ và nông nghiệp sẽ khiến GDP tăng hơn 5%, nhu cầu về vốn lại giảm khoảng 2% và chất thải CO2 thải ra môi trường giảm gần 4%.

Và nếu cấu trúc ngành thay đổi và hiệu quả kinh tế thông qua tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất tăng lên sẽ khiến GDP tăng trên 7% và chất thải giảm 10%. Như vậy việc tái cơ cấu nền kinh tế đâu cần tiền? Hơn nữa cũng qua số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy nguồn lực để đầu tư của nội bộ nền kinh tế thông qua chỉ tiêu saving trong những năm gần đây tương đương hoặc thậm chí cao hơn lương tích lũy hàng năm nhưng sao nguồn lực về vốn vẫn là vấn đề đối với nền kinh tế Việt Nam?

Vấn đề ở đây là niềm tin để đầu tư. Không cần mất tiền để tạo lập niềm tin, chỉ cần thực sự triệt phá tham nhũng vặt sẽ tạo được niềm tin. Những lập luận này cho thấy việc giả định 480 tỉ USD để tái cơ cấu nền kinh tế là một việc hơi thừa và khó hiểu?

Theo TS. Bùi Trinh

  




Văn bản gốc