Tin tức

Trang chủ » » Tăng trưởng cao làm gì khi tụt hậu ngày càng xa?

Tăng trưởng cao làm gì khi tụt hậu ngày càng xa?

16/12/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Câu chuyện được quan tâm nhất trong nền kinh tế Việt Nam những ngày cuối cùng của năm 2016 không gì khác ngoài câu chuyện tăng trưởng.

Chưa có năm nào trong vài năm đổ lại đây mà tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam lại biến ảo và khó lường như năm nay: từ mức mục tiêu đặt ra đầu năm là 6,7% sau đó giảm xuống còn 6,3-6,5% vào quý 3, và giờ đây được nhận định nhiều khả năng sẽ chỉ đạt khoảng 6% mà thôi.

Vẫn biết rằng tốc độ tăng trưởng là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá một nền kinh tế, và tăng trưởng có giảm thì mức trở thành sức ép để tiến hành cải cách (ít nhất là trong trường hợp Việt Nam hiện nay). Nhưng sẽ không hợp lý chút nào khi chúng ta đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải cách nền kinh tế hiện nay mà lại không thay đổi cách nhìn nhận về chính tốc độ tăng trưởng.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, trong những năm qua Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng khoảng cách phát triển giữa chúng ta và phần còn lại của thế giới thì ngày càng xa. Đã đến lúc Việt Nam cần trả lời dứt khoát câu hỏi: chọn tăng trưởng hay chọn thu hẹp khoảng cách phát triển?

Những thông tin và quan điểm được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước chia sẻ tại hội nghị bàn tròn Thủ tướng Chính phủ với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam mới đây, hẳn sẽ khiến rất nhiều người phải suy nghĩ về tương lai của đất nước và nền kinh tế. Có một điều đều được hầu hết các chuyên gia kinh tế tại hội nghị thừa nhận, như GS. Ricardo Hausmann (Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard) và GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo), đó là Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm vừa qua, có thể sánh ngang với Trung Quốc hay trước đây là Hàn Quốc (theo CafeF).

Thậm chí, không chỉ trong thời gian vừa qua, mà ngay cả trong khoảng 10-15 năm sắp tới Việt Nam cũng sẽ vẫn duy trì được vị thế này. GS. Trần Văn Thọ trích dẫn dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), theo đó từ nay đến năm 2030 Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 7,2%/năm – một mức rất cao và chắc chắn sẽ nằm trong tốp những nước cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn ẩn sau thành tựu ấn tượng được các chuyên gia kinh tế hàng đầu này chỉ ra sẽ khiến chúng ta phải nhức nhối: dù đạt tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với phần còn lại thì ngày càng bị kéo dài ra. Theo báo cáo của ADB, đến năm 2030 GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 416 tỉ USD, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 17% của Indonesia, thậm chí vẫn thấp hơn so với Malaysia và Philippines (theo CafeF).

Chỉ cần so sánh với một nước đang có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam hiện nay là Indonesia, cũng có thể nhận thấy ngay vấn đề: năm 2014 GDP của Việt Nam đạt 184 tỉ USD và bằng 21% so với Indonesia (đạt 851 tỉ USD), nhưng đến năm 2030 thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 17% mà thôi. Trong khi đó, các kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh của Indonesia trong những năm 2015-2016 đều thấp hơn Việt Nam khá nhiều, nhưng tốc độ cải thiện của đất nước vạn đảo qua từng năm thì lại lớn hơn chúng ta rất nhiều.

Lý giải cho tình trạng này, hầu hết các chuyên gia đều đi tới chung một nhận định: chất lượng tăng trưởng của Việt Nam quá thấp, và quá nhiều nguồn lực bị lãng phí. GS. Ricardo Hausmann đưa ra một thống kê đáng chú ý: quá trình đô thị hóa của Hàn Quốc sau 30 năm phát triển kinh tế từ mức nghèo đói, dân số nông thôn giảm 50%, tại Trung Quốc sau 30 năm, dân số nông thôn giảm 30%, trong khi tại Việt Nam sau 30 năm dân số nông thôn chỉ giảm 10%.

GS Hausmann phát biểu: “Tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tôi đang đặt câu hỏi phải chăng các điểm nghẽn của nền kinh tế đang ngáng đường, khiến chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm chạp, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển chậm hơn so với khu vực” (theo CafeF). Còn GS. Trần Văn Thọ thì cho rằng, hiện Việt Nam đang được các tổ chức trên thế giới đánh giá là tăng trưởng với tốc độ cao, nằm trong top cao nhất nhưng vì trình độ phát triển hiện nay thấp nên vị trí chưa thay đổi được bao nhiêu.

Nói cách khác, dù đạt mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới trong những năm vừa qua, nhưng sự thực thì Việt Nam tăng trưởng với chất lượng kém, chỉ chú trọng vào con số, chưa kể tăng trưởng dưới tiềm năng thực sự. Nó dẫn đến việc dù tăng trưởng cao hơn so với các nước trong khu vực, nhưng khoảng cách phát triển không những không được thu hẹp mà ngày càng bị nới rộng ra.

Vì chúng ta tự đóng khung mình vào con số tăng trưởng, tự hài lòng với những gì đạt được mà tự tay che mắt không nhận ra rằng Việt Nam đang ngày càng tụt hậu và bị thế giới bỏ lại xa hơn. Kết quả là giờ đây, trước mắt chúng ta là một tương lai khá mờ mịt: theo Báo cáo Việt Nam 2035 phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện, thì đến năm 2035 GDP đầu người của Việt Nam mới tương đương của Malaysia năm 2010, hay tương đương với Hàn Quốc vào năm 2.000 (theo The Saigon Times).

Tăng trưởng cao chỉ có ý nghĩa khi nó giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Còn khi không làm được điều đó, nó chỉ là một mức tăng trưởng thấp và đồng nghĩa với việc Việt Nam phải tìm cách thúc đẩy nó cao hơn nữa, thay vì so sánh theo kiểu giá trị tuyệt đối của con số rồi tự hào một cách vô nghĩa.

Chỉ khi so sánh trình độ phát triển thực với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam mới có thể nhận rõ mình đang đứng ở đâu. Còn nếu như vẫn giữ nguyên cách làm tự đóng khung bản thân vào con số tăng trưởng hão huyền, thì kết quả chỉ là một sự tụt hậu ngày càng xa. Đã đến lúc Việt Nam phải trả lời câu hỏi: chọn tăng trưởng hay chọn thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới?

Nhàn Đàm

Theo Một Thế Giới

  




Văn bản gốc