Tin tức

Trang chủ » » Tăng trưởng kinh tế đối diện nhiều lực cản

Tăng trưởng kinh tế đối diện nhiều lực cản

01/08/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Bên cạnh những hạn chế đến từ nội tại nền kinh tế, theo các chuyên gia, trong những tháng cuối năm, ảnh hưởng lớn nhất từ biến động bên ngoài tới kinh tế Việt Nam vẫn là vấn đề chiến tranh thương mại.

Động lực tăng trưởng chạm ngưỡng

Mặc dù kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2019 tăng chậm lại so với cùng kỳ, song theo dự báo của nhiều tổ chức, kinh tế Việt Nam cả năm 2019 vẫn có khả năng hoàn thành và vượt kế hoạch đặt ra.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% là rất tích cực so với tăng trưởng chung của thế giới và khu vực, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này chưa đạt mục tiêu kịch bản cao đã đề ra, chưa thể hiện sự bứt phá trong tăng trưởng chung cũng như trong từng ngành, lĩnh vực, các động lực hỗ trợ tăng trưởng chưa thực sự rõ nét. Bộ KH&ĐT cũng lưu ý, nền kinh tế còn gặp khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm, nhất là cầu thế giới giảm tác động không nhỏ đến xuất khẩu và sản xuất, kinh doanh trong nước.

Nhận định về động lực tăng trưởng kinh tế 2019, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng từng nhấn mạnh, các động lực tăng trưởng đang chạm ngưỡng, có dấu hiệu suy giảm, cụ thể như sản xuất công nghiệp tăng chậm, đầu tư giải ngân thấp, xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm, nhất là xuất khẩu nông sản, tác động của tình trạng nắng nóng kéo dài tới ngành trồng trọt, Dịch tả lợn châu Phi tới ngành chăn nuôi, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng chậm lại...

Những hạn chế tác động đến tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm cũng đã được các tổ chức, các chuyên gia kinh tế chỉ ra. Trước hết, về sản xuất công nghiệp đang có tốc độ tăng chậm lại. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá với tốc độ tăng giá trị tăng thêm 9,13%, thấp hơn mức tăng của năm 2018 là 10,5%. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế. Báo cáo của Trung tâm Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia cũng cho biết, một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như: Điện thoại, điện tử… không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước, đi kèm với sự giảm tốc theo lộ trình của ngành khai khoáng. Động lực tăng trưởng từ phía doanh nghiệp Samsung còn là một ẩn số trước những lo ngại về mức giảm quy mô sản xuất của doanh nghiệp này so với cùng kỳ. Thách thức cạnh tranh mà Samsung gặp phải trên thị trường toàn cầu có thể khiến doanh nghiệp sụt giảm tăng trưởng tác động, làm cho ngành công nghiệp chế biến dù vẫn trong xu hướng tiếp tục cải thiện song mức độ tích cực sẽ chậm lại so với cùng kỳ. Theo NCIF, trên thực tế, đà suy giảm kinh doanh của Samsung bắt đầu từ cuối năm 2017 và xuyên suốt cả năm 2018. Báo cáo từ hai hãng nghiên cứu thị trường IDC và Strategy Analytics đều chỉ ra doanh số smartphone Samsung giảm khoảng 13% trong quý III/2018, sau khi giảm 10% quý II, 2% quý I và 4% quý IV/2017.

Bên cạnh sự tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp, một lực cản khác đến từ môi trường kinh doanh chưa thực sự được cải thiện một cách quyết liệt khiến lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản. Đơn cử, một báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT có đề cập đến cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành cho thấy, nhìn chung trong quý II/2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6/2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.

Lực cản trong và ngoài nước

Trong thời gian qua, một hạn chế lớn của phát triển kinh tế 2019 được nhắc tới chính là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ. Mặc dù ngay từ đầu năm Chính phủ đã đốc thúc công tác giải ngân đầu tư công song đến hết quý II/2019 thì giải ngân nguồn vốn này mới chỉ ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, con số này còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (33,85%). Cập nhật mới nhất từ Cổng Thông tin đầu tư Quốc gia cho thấy, đến thời điểm này có những đơn vị giải ngân dưới 1% kế hoạch vốn, thậm chí còn những đơn vị giải ngân dẫm chân tại chỗ với con số 0%. Vốn ODA nửa đầu năm phân bổ kế hoạch mới được khoảng 50% nguồn 60 nghìn tỷ đồng Quốc hội đã giao. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ làm cho việc đưa các công trình hạ tầng quan trọng vào hoạt động bị chậm trễ, không chỉ là điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm mà còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm cũng như thời gian tới.

Vấn đề lạm phát 2019 theo dự báo sẽ được kiểm soát dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tuy nhiên, theo các chuyên gia đến từ Trung tâm Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, thời gian tới, sức ép lạm phát cao do tác động của nhiều yếu tố: Như giá dầu thế giới có xu hướng tăng, tình hình thời tiết diễn biến xấu và dịch bệnh có thể làm tăng giá nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cũng nhấn mạnh, lạm phát trong 6 tháng đầu năm tăng 2,64%, thấp nhất trong ba năm trở lại đây, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng dần về cuối năm vì giá lương thực, thực phẩm tăng do bệnh dịch, giá hàng giáo dục tăng và giá năng lượng biến động. “Lạm phát trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân chính từ việc gia tăng đều giá nhóm hàng giáo dục; giá lương thực, thực phẩm tăng do Dịch tả lợn châu Phi cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.

Bên cạnh những hạn chế đến từ nội tại nền kinh tế, theo các chuyên gia, trong những tháng cuối năm, ảnh hưởng lớn nhất từ biến động bên ngoài tới kinh tế Việt Nam vẫn là vấn đề chiến tranh thương mại. Bên cạnh đó, những rủi ro từ giá dầu do bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông cũng như việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT cũng có thể làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đến cuối năm. Việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT sẽ có tác động hai chiều đến xuất, nhập khẩu. Hàng NK của Trung Quốc sẽ rẻ hơn và sẽ cạnh tranh với hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng, làm gia tăng thâm hụt thương mại, đồng thời có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu. Đặc biệt, việc giảm giá đồng NDT sẽ làm cho hàng hóa XK, đặc biệt là nông thủy sản của Việt Nam, sẽ trở nên kém cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Đây là một bất lợi lớn đối với hàng hóa của Việt Nam do đây là mặt hàng khó chuyển dịch thị trường nếu không XK vào thị trường Trung Quốc. Trong trường hợp Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chủ động hạ giá VNĐ có thể giúp hàng XK Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc và các nước mới nổi khác, song Việt Nam sẽ lại đối mặt với nguy cơ bị Mỹ “gắn nhãn” là “quốc gia thao túng tiền tệ” và khi đó Mỹ có thể áp thuế lên hàng hóa NK từ Việt Nam tương tự như với Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, để thúc đẩy tăng trưởng, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò động lực chính, chúng ta vẫn cần tập trung phát huy dư địa động lực đối với các dự án lớn đã và mới đi vào hoạt động như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Formosa Hà Tĩnh, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, nhà máy ô tô VinFast..., đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án FDI đăng ký mới trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng tới 73,4% tổng vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm.

Hoài Anh

Theo Báo Hải quan

  




Văn bản gốc