Tăng trưởng ngắn hạn đã bước vào chu kỳ giảm
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cho biết như vậy trong báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm vừa được công bố mới đây cho dù theo cơ quan này, Xu thế tăng trưởng dài hạn tiếp tục được cải thiện.
Tăng trưởng ngắn hạn giảm
Đi sâu phân tích, Ủy ban cho biết, tăng trưởng GDP quý 1/2016 chỉ đạt 5,46%; thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm trước do các ngành có tốc độ tăng không đồng đều. Nguyên nhân do tổng cung của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong khi tổng cầu tăng chậm hơn cùng kỳ. Về phía cung, Ủy ban cho biết, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài,... tác động tiêu cực đến khu vực nông nghiệp (tăng trưởng -2,69%). Trong khi giá dầu thô thấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai khoáng (tăng trưởng -1,2%). Ngoài ra sản lượng điện thoại di động giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ 2015 tăng 105%) khiến tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (Q1/2016: 7,9%; Q1/2015: 9,51%).
Tăng trưởng GDP theo quý được loại bỏ yếu tố mùa vụ, xu thế dài hạn và chuyển theo tháng bằng phương pháp nội suy tuyến tính. (Nguồn: UBGSTCQG)
Về phía cầu, tổng cầu cũng tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều đó biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý 1/2016 (loại trừ yếu tố giá) giảm 1,3 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2015. Nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 4 tháng đầu năm 2016 cũng giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng hóa giảm trong khi xuất khẩu tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: kim ngạch nhập khẩu quý 1/2016 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015 (4 tháng đầu năm 2016 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi kim ngạch xuất khẩu quý 1/2016 chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ, hơn nhiều mức tăng 16,3% của quý 1/2015 (4 tháng đầu năm 2016 tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; mức tăng này của 4 tháng đầu năm 2015 là 8,2%).
Song nguyên nhân sâu xa, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là do thành phần tăng trưởng ngắn hạn giảm, trong khi thành phần tăng trưởng dài hạn có sự cải thiện. Tăng trưởng trong ngắn hạn giảm ngoài nguyên nhân từ tổng cung nêu trên còn do tính chu kỳ của thành phần tăng trưởng ngắn hạn.
Tính toán của Ủy ban cho thấy, giai đoạn phục hồi của tăng trưởng ngắn hạn (chu kỳ kinh tế) đã đạt đỉnh vào quý 2/2015 và chuyển sang giai đoạn suy giảm từ quý 3/2015.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, mặc dù tăng trưởng trong ngắn hạn đang chịu tác động của yếu tố chu kỳ kinh tế (gồm: tổng cầu của nền kinh tế và các yếu tố như thiên tai, kinh tế thế giới...), song những chính sách hướng đến nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn (như cải cách thủ tục hành chính, cải cách luật đầu tư, luật doanh nghiệp, ký kết các hiệp định thương mại FTAs,TPP,...) đang tiếp tục phát huy tác dụng khiến xu thế tăng trưởng (tiềm năng tăng trưởng) của nền kinh tế duy trì được xu hướng đi lên tích cực.
"Song, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 sẽ đòi hỏi những nỗ lực, quyết tâm lớn", Ủy ban khuyến nghị.
Lạm phát tiếp tục duy trì mức thấp
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2015 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2015, mức cao nhất kể từ năm 2012.
Lạm phát tổng thể, lạm phát cơ bản (% so với cùng kỳ). Nguồn: UBGSTCQG
Nguyên nhân lạm phát tháng 4 tăng chủ yếu là do sự tăng giá của nhóm lương thực (tăng 1,11%). Trong khi lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định ở mức 1,76% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2015 tăng 2,2%).
Phân rã lạm phát cho thấy, thành phần lạm phát có tính chu kỳ sau 12 tháng giảm liên tiếp kể từ tháng 11/2014 đã liên tục tăng kể từ tháng 12/2015 đến nay, báo hiệu một chu kỳ tăng giá đang diễn ra.
"Do đó, lạm phát năm 2016 sẽ tăng so với năm 2015, nhưng mức tăng không lớn và chỉ ở mức 3% - 4%, nhờ điều kiện thuận lợi về giá hàng hóa thế giới và tổng cầu tăng chậm", Ủy ban dự báo.
Về cân đối thu chi ngân sách nhà nước (NSNN), cơ quan này cho biết, thu NSNN đạt thấp do giá dầu giảm và tăng trưởng kinh tế khó khăn. Theo đó, Lũy kế đến 15/4, thu NSNN giảm 3% so cùng kỳ 2015 (cùng kỳ 2015 tăng 11%).
Nguyên nhân do giá dầu thanh toán bình quân giảm 24 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán ảnh hưởng đến thu từ dầu thô (giảm 45,3% so cùng kỳ 2015), Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng đạt thấp tác động đến thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (giảm 23,7% so cùng kỳ 2015). Thu từ khu vực DNNN cũng giảm mạnh khiến thu nội địa tăng thấp (6,3% so với 20,5% của cùng kỳ 2015).
Trong khi đó, tốc độ tăng chi đầu tư phát triển chậm hơn cùng kỳ 2015 (tốc độ tăng chi đầu tư Q1/2016 chỉ đạt 6,8% trong khi Q1/2015 là 31,5%).
Trên cơ sở đó, Ủy ban khuyến nghị, trên cơ sở xác định lạm phát mục tiêu cho cả năm 2016, xây dựng kế hoạch điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cho thích hợp cũng như khuôn khổ phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đầu tư tư nhân đang gặp những khó khăn, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư NSNN và trái phiếu Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2016 để đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP.
Theo Thời báo Ngân hàng