Tin tức

Trang chủ » » Thay đổi tư duy trong cải cách thuế: Con đường hai chiều

Thay đổi tư duy trong cải cách thuế: Con đường hai chiều

15/11/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Khi nhìn nhận và tiếp cận các vấn đề về ngành thuế và doanh nghiệp (DN), chúng ta thường nghiêng về góc nhìn cải cách một chiều. Đó là, áp đặt một cách khá nặng nề và cứng nhắc về cải cách thuế lên trách nhiệm riêng của chính phủ và các cơ quan thuế.

Điều đó dễ hiểu, bởi lẽ hầu hết những lo ngại hiện tại cũng như nguyện vọng của DN trong các vấn đề liên quan đến thuế đều xuất phát từ những điều còn tồn tại của ngành thuế và chính phủ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận ngược lại, đó là cần một sự chủ động đổi mới, chuyên nghiệp hơn từ phía các DN đến chức năng thuế (tax function). Nói cách khác, để giải quyết vấn đề này tốt nhất, cần hơn bao giờ hết đó là thay đổi trong tư duy cải cách, đổi mới của cả hai phía.

Thay đổi tư duy cải cách từ ngành thuế

Trước tiên, cần thay đổi quan điểm về DN của cơ quan thuế, “thực sự” coi DN là đối tượng phục vụ chứ không không phải đối tượng quản lý, hay nói cách khác, đặt DN là khách hàng mục tiêu của công tác quản lý thuế. Khi DN được coi là trung tâm, thì lúc đó mọi cơ chế hoạt động và các dịch vụ đi kèm sẽ được chuyên nghiệp hóa tối ưu, nhằm đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của DN một cách tốt nhất. Trong kinh tế thị trường, đó là cơ chế tất yếu của bất kỳ một chủ thể kinh doanh nào lấy định hướng khách hàng là mục tiêu. Khi doanh nghiệp “bị” coi là đối tượng quản lý, lúc đó rất dễ dẫn đến những thiếu sót, hạn chế và đôi khi thậm chí là tiêu cực trong công tác quản lý thuế. Công tác quản lý thuế được xây dựng trên 3 trụ cột cơ bản cơ bản: Thể chế chính sách, quy trình thủ tục, nguồn nhân lực và các ứng dụng công nghệ thông tin. Chạy dọc theo 3 nền tảng này, một số những vấn đề vẫn đang còn tồn tại như: Chính sách thuế thay đổi liên tục khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoạch định kinh doanh. Từ năm 2014 đến nay, nhằm đem lại thuận lợi nhất cho người nộp thuế, rất nhiều luật đã được sửa đổi, thậm chí một luật được sửa đổi nhiều lần. Hai nhóm thủ tục trong thủ tục hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phiền hà lớn nhất, đó là đăng ký thuế hay thay đổi thông tin đăng ký thuế và khai thuế. Đa số các doanh nghiệp cho biết phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi. Những phiền hà khác bao gồm cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hoặc thời gian giải quyết quá dài. Hoạt động thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, gây tốn kém và khó khăn cho DN. Bên cạnh những nỗ lực của nhiều cán bộ thuế trong việc tận tình phục vụ, vẫn còn đó một bộ phận không nhỏ các cán bộ thuế, thanh tra thuế gây ra nhiều bức xúc, áp đặt cơ chế “xin cho” đến DN. Theo khảo sát của bảng xếp hạng V1000 năm 2016 của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report-VNR) thì có đến 91% DN mong muốn thủ tục hành chính đơn giản hóa hơn, 62% mong muốn ứng dụng CNTT và 48% mong muốn sự chuyển biến trong nghiệp vụ và ý thức của cán bộ thuế. Đồng thời theo bảng xếp hạng V1000 và cuộc khảo sát top 50 DN thành tựu năm 2016 thì hầu hết đều thấy rằng những vấn đề phát sinh từ quy định văn bản chính phủ về thuế và hải quan vẫn là một trong những thách thức lớn đối với DN.

Có thể thấy, khi tư duy coi DN là trung tâm, lúc đó 3 nền tảng của ngành thuế (thể chế chính sách, quy trình thủ tục, nguồn nhân lực và các ứng dụng công nghệ thông tin) của chính phủ sẽ tập trung vào DN, nhằm cung cấp dịch vụ cho DN một cách tốt nhất. Lúc đó, chính phủ thông qua việc lắng nghe, khảo sát, sửa đổi và tìm hiểu nguyện vọng của DN nhiều hơn sẽ đem lại một hệ thống dịch vụ “tương thích” và hiệu quả nhất cho DN.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chính việc đặt lợi ích và nguyện vọng của DN là hàng đầu, đã giúp cho rất nhiều quốc gia cải cách thành công quản lý thuế của mình. Các quốc gia như Úc, Đan Mạch, Canada và New Zealand…đặc biệt coi trọng việc đơn giản hóa những thông tin cần thiết trên các mẫu đơn thuế và số liệu có sẵn từ sổ sách, hồ sơ của người nộp thuế. Tuy mô hình kinh nghiệm của mỗi quốc gia là khác nhau, việc tiếp nhận và ứng dụng có tương thích hay không là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhưng những mô hình quản lý thuế thành công của các nước đều chung một tư duy xuyên suốt đó là: minh bạch hóa, chuyên nghiệp và nhiều tiện ích nhằm đem đến dịch vụ và sự hài lòng cao nhất, tương thích nhất cho DN.

Doanh nghiệp nên đổi mới tư duy về cách vận hành thuế (tax transformation)

Thay vì coi chức năng thuế là công việc “thụ động”, việc chủ động hơn trong việc quản lý thuế sẽ giúp cho doanh nghiệp hiệu quả lên đáng kể. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì việc thay đổi tư duy về chức năng thuế là một xu hướng đổi mới quan trọng. Câu chuyện và xu hướng về việc chuyên nghiệp hóa, mở rộng chức năng thuế của doanh nghiệp hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới, đặc biệt là nhóm các hãng kiểm toán lớn trên thế giới Big4 (Deloitte, PricewaterhouseCoopers (PWC), KPMG, Ernst and Young (E&Y)). Trong các báo cáo gần đây nhất, Deloitte và PWC đều nhận định rằng việc chuyển đổi chức năng thuế sẽ là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp lớn do sức ép của 5 yếu tố chủ đạo: toàn cầu hóa, sự gia tăng luật lệ và độ phức tạp trong kinh doanh, sự ra tăng cải tiến của các ứng dụng thuế thương mại, gia tăng trong cường độ cạnh tranh và nhu cầu các phát kiến về quản lý thuế. Rất nhiều công ty lớn trên thế giới và Việt Nam chưa thực sự quản lý chiến lược chức năng thuế với các bộ phận khác và chiến lược tổng thể của công ty. Một thực trạng đáng quan tâm ở Việt Nam đó là công tác kê khai báo cáo thuế, quyết toán thuế cuối năm tại các DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thường bị coi nhẹ hoặc được hiểu không hoàn toàn đúng của người quản lý. Trên thế giới, theo khảo sát của Deloitte đối với các giám đốc tài chính (CFOs) toàn cầu thì hầu hết đều cho rằng việc chuyển đổi vận hành thuế hiện tại là vô cùng cần thiết nhưng có đến 48% (trong số 1800 người tham gia) cho rằng sự liên kết giữa chức năng thuế và tài chính trong công ty chỉ ở mức trung bình hoặc rất thấp.

Quy trình đổi mới chức năng thuế này, về cơ bản đó là việc sự chuyển đổi về thuế sẽ mở rộng, nâng cấp trách nhiệm từ chức năng thuế truyền thống (các hoạt động liên quan đến hồ sơ và kế hoạch thuế của công ty, các báo cáo và quản lý rủi ro) sang các khu vực chức năng khác rộng hơn như: nhóm chức năng vận hành (quy trình, công nghệ, dữ liệu), nhóm chức năng bền vững và hiệu quả và nhóm chức năng xây dựng và cập nhật các mô hình vận hành thuế. Trong đó nhóm chức năng vận hành (quy trình, công nghệ và dữ liệu) đóng vai trò chủ đạo.

Cánh cửa hội nhập đang rộng mở, cơ hội và thách thức là hai vấn đề luôn song hành. Ở sân chơi lớn hơn này, khi những người chơi quốc tế đến và mang trong mình sự chuyên nghiệp hóa tối ưu và chiến lược vận hành thuế của mình, hơn bao giờ hết, cần một sự đổi mới mạnh mẽ hơn trong quản lý thuế và vận hành thuế từ cả 2 phía nhà nước và DN. Những thành công trong cải cách thuế những năm vừa qua là đáng ghi nhận, nhưng đáng hoan nghênh hơn nữa nếu chúng ta hoàn thiện “con đường” đổi mới hai chiều này nhanh và kịp thời để sẵn sàng đón những luồng gió hội nhập mới.

 

Khắc Linh 

  




Văn bản gốc