Tin tức

Trang chủ » » Thị trường M&A chờ những thương vụ lớn

Thị trường M&A chờ những thương vụ lớn

23/07/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Để tiếp tục duy trì sự sôi động cho thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A), đặc biệt là giúp thị trường tiến lên nấc thang mới về giá trị và chất lượng của các thương vụ, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cần sự nỗ lực cao của cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp trong thúc đẩy kích hoạt các thương vụ lớn.

Thị trường M&A năm 2019 sẽ ở quy mô 6,7 - 6,8 tỷ USD

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán - sáp nhập (CMAC) và Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research), các nhà đầu tư và nghiên cứu đưa ra các dự báo khác nhau về giá trị thị trường M&A tại Việt Nam năm 2019. Theo đó, 52% dự đoán giá trị thị trường ở mức 7 - 7,5 tỷ USD, 16% lạc quan hơn khi dự đoán ở mức 7,5 - 8,5 tỷ USD. Trong khi đó, 23% thận trọng hơn với dự đoán giá trị M&A chỉ ở mức 5 - 7 tỷ USD.

Riêng CMAC và MAF Research dự báo, giá trị thị trường M&A năm 2019 sẽ ở quy mô 6,7 - 6,8 tỷ USD, tương đương 90% năm 2018, nhưng vẫn cao hơn so với mức bình quân giai đoạn 2014 - 2017 với quy mô 5 tỷ USD/năm.

Ðể thị trường đạt tầm cao mới, cần những thương vụ lớn cũng như những hành động mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp trong bối cảnh dư địa cho kích hoạt các thương vụ M&A hiện còn lớn.

Do đặc thù hoạt động của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp tại Việt Nam, sự sôi động của thị trường M&A phụ thuộc lớn vào các động thái thoái vốn nhà nước thông qua chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như thoái vốn ở các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng hình thành từ doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm nay chậm, nên danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn còn lớn.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, lũy kế đến hết tháng 6/2019, cả nước mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước trong danh mục quy định tại Công văn 991/TTg-ÐMDN; thoái vốn ở 88/405 doanh nghiệp như danh mục tại Quyết định 1233/QÐ-TTg… Ðây là tiềm năng lớn cho các thương vụ M&A diễn ra sôi động trong thời gian tới.

Triển vọng đầu tư và M&A trong các ngành.

Nghiên cứu của CMAC cũng chỉ ra, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư, bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường gần 100 triệu dân với dân số trẻ. Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam với tăng trưởng rất mạnh và có triển vọng lớn, bên cạnh các hoạt động mở rộng và kết hợp để gia tăng chuỗi giá trị trong ngành của các doanh nghiệp nội địa thông qua M&A, những doanh nghiệp đầu ngành như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ Mỹ, châu Âu, Thái Lan.

Với ngành viễn thông - công nghệ, việc thúc đẩy cổ phần hóa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Công ty mẹ, Tổng công ty Viễn thông MobiFone… đang hứa hẹn kích hoạt các thương vụ M&A lớn.

Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái cũng bắt đầu có những bước đột phá, nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư trong nước lẫn khu vực. Tuy nhiên, giới khởi nghiệp và công nghệ tại Việt Nam sẽ cần có những nỗ lực lớn để có những thương vụ đột phá như các start-up trong khu vực, chẳng hạn Grab, Shopee (Singapore), Go Jek (Indonesia)…

Ngân hàng và dịch vụ tài chính cũng còn tiềm năng lớn cho các thương vụ M&A, vì các nhà đầu tư quan tâm tới tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng… vốn còn nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Còn nhiều cái tên trong tầm ngắm cho các thương vụ M&A lớn, vì cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam năm nay phải cổ phần hóa, nhiều ngân hàng còn room ngoại lớn Nhà nước có định hướng thoái vốn như BIDV...

Triển vọng đầu tư và M&A trong các ngành.
Trong những năm qua, một số thương vụ M&A trong ngành dược phẩm, chăm sóc sức khỏe đã được thực hiện, tuy nhiên cơ hội vẫn còn nhiều cho những mục tiêu M&A. Những doanh nghiệp dược quy mô lớn như Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty cổ phần Traphaco… đang trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại.

Ðáng chú ý, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Ðầu tư thế giới di động, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT, Công ty cổ phần Thế giới số… là những công ty chuyên về phân phối điện máy đã có tín hiệu chuyển hướng sang phân phối dược phẩm thông qua mua lại các chuỗi cửa hàng dược phẩm.

Các bệnh viện tư nhân cũng sẽ là mục tiêu đầu tư tích cực trong dòng chảy M&A, bởi nhu cầu khám chữa bệnh của gần 100 triệu dân đã và đang trở nên quá tải.

Về đối tác, kết quả nghiên cứu của CMAC và MAF Research dự báo, các nhà đầu tư từ châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong các thương vụ M&A sắp tới. Thị trường cũng đang được chứng kiến xu hướng đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc tại một số ngành, lĩnh vực. Các nhà đầu tư khối nội tuy không tham gia vào các thương vụ có giá trị lớn nhất nhưng đang từng bước chuyển mình để làm chủ các thương vụ M&A lớn nhờ lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường; nâng cao khả năng cạnh tranh và làm tiền đề để thu hút vốn từ khối ngoại.

Nhiều rào cản cần dỡ bỏ

Ðể thị trường M&A sắp tới diễn ra sôi động, nhất là kích hoạt cho nhiều thương vụ lớn diễn ra, vẫn còn nhiều rào cản cần phải dỡ bỏ. Theo kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu MAF và Trung tâm CMAC, các yếu tố đang gây trở ngại lớn nhất là: tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp sau IPO, bán vốn vẫn còn rất lớn (85%), báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch (80%), định giá quá cao (76%) và thời gian thực hiện thương vụ quá dài (75%). Các yếu tố khác lần lượt là: yếu tố văn hóa và sự thay đổi, không có nhiều cơ hội chất lượng, khó tiếp cận doanh nghiệp, rào cản ngôn ngữ.

Các yếu tố trở ngại cho hoạt động M&A tại Việt Nam.

Ðiểm đáng chú ý là 8/8 yếu tố liên quan đến nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, 6/8 yếu tố liên quan đến khu vực doanh nghiệp tư nhân. Ðiều này đòi hỏi các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ và tìm giải pháp để tháo gỡ các rào cản, khơi thông cho dòng chảy vốn vào thị trường M&A.

Ngoài các công ty nhà nước cổ phần hóa, nơi cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ và thoái từng phần hoặc do Nhà nước chưa thực hiện kế hoạch thoái vốn, một lực cản với M&A là nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ðiều này làm giảm sức hút của các thương vụ cổ phần hóa, bán vốn.

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn duy trì hai hệ thống sổ sách kế toán. Thông tin tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa chưa được công bố minh bạch, hoặc công bố trên website của doanh nghiệp với thông tin không được cập nhật. Ðiều này làm cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khăn với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư phải mất tương đối nhiều thời gian để thực hiện thương vụ. Trong đó, thời gian chính là tìm hiểu thông tin, rà soát đặc biệt và trao đổi thông tin với đối tác.

Giải pháp thúc đẩy M&A tại Việt Nam.
Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam định giá quá cao khi bán, điều này đang ảnh hưởng lớn đến sự thành công của các thương vụ M&A do hai bên khó thống nhất được giá.

Ðể “làm nóng” thị trường M&A thời gian tới, MAF và CMAC đưa ra khuyến nghị, cần thoái vốn quyết liệt và mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp cần minh bạch và công bố thông tin tốt hơn, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy niêm yết các công ty nhà nước cổ phần hóa, thay đổi và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách...

Hữu Hòe

Theo Đầu tư chứng khoán

  




Văn bản gốc