Thị trường bán lẻ Việt Nam: Liệu có còn tiềm năng ?
Năm 2008, Việt Nam từng được đánh giá là một trong những quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh. Nhưng sự hấp dẫn đã tụt lùi dần theo thời gian.
Đã từng đứng trên đỉnh cao
Việt Nam từng được A.T Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhất thế giới, trên cả Hong Kong, Trung Quốc, Singapore hay Malaysia. Nhưng vị trí này đang mất dần. Thị trường bán lẻ Việt Nam được cho là một trong những thị trường tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và sôi động trong những năm gần đây. Thống kê từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.242,9 ngàn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước.
Hiện môi trường bán lẻ của Việt Nam không còn tốc độ phát triển nhanh như năm 2012. Các nhà bán lẻ đã vất vả để duy trì tăng trưởng với mức tăng 2-3% trong năm qua. Và lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đạt con số không mấy lạc quan trong tháng Hai, và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm hơn 20% trong quý đầu tiên từ năm ngoái.
Từ vị trí số 1 năm 2008, Việt Nam đã rớt xuống thứ 5 năm 2009, thứ 14 năm 2010, thứ 23 năm 2011 và thứ 28 năm 2014. Hiện nay Việt Nam lọt khỏi top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 41.
Nguyên nhân của tình trạng suy giảm về cả lượng và chất là do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế tế giới, khó khăn của kinh tế trong nước với những vấn đề từ môi trường vĩ mô và hoạt động vĩ mô. Vấn đề tiết kiệm chi tiêu tỏng điều kiện khủng hoảng, khả năng chi trả thấp do suy giảm thu nhập đã kéo theo yêu cầu tiêu dùng suy giảm. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều doanh nghiệp phải chủ động thu hẹp sản xuất và hoạt động cầm chừng.
Tiềm năng đến bao giờ?
Việt Nam 90 triệu dân với dân số trẻ là nguyên nhân chính để Việt Nam được xếp được thứ hạng rất cao của thế giới. Hà Nội lọt top 3 khu vực châu Á có tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ, và Việt Nam có 3 thành phố trong top thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đã nói quá nhiều đến "tiềm năng" và tư duy "tiềm năng". Trong đó có tiềm năng du lịch, tiềm năng thị trường bán lẻ, đến tiềm năng thị trường lao động, tiềm năng đầu tư nước ngoài...Tiềm năng nhiều nhưng Việt Nam đã tận dụng và khai thác những tiềm năng đó ra sao? Thị trường lao động Việt Nam là một ví dụ.
Chỉ số năng lực sáng tạo của Việt Nam so với các nước trong khu vực xếp sau cả Malaysia, Indonesia và Lào. Trên thực tế, những đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới vẫn chưa thực sự tham gia thị trường tại Việt Nam, có chăng chỉ mở một vài văn phòng làm đầu mối. Đã đến lúc phải có tầm nhìn dài hơi cùng với quy hoạch và kế hoạch thực hiện nhất quán, bài bản. Bởi, tiềm năng chỉ mang lại giá trị nếu được khai thác và phát huy có hiệu quả.
Quốc Trung
Tổng hợp