Tin tức doanh nghiệp

Trang chủ » » Thị trường nội địa giúp Thuận Đức (TDP) tăng 40% về doanh thu

Thị trường nội địa giúp Thuận Đức (TDP) tăng 40% về doanh thu

26/03/2021

Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 của Công ty cổ phần Thuận Đức (TDP) cho biết công ty đã đạt 1.375,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,95% so với thực hiện 2019. Biên lợi nhuận gộp cải thiện thêm 1,3 điểm phần trăm, đạt 17,26% giúp lợi nhuận gộp thu về đạt 237,5 tỷ đồng, tăng trưởng 24,3% so với 2019.

Tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh đại dịch

Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước đã trở thành điểm sáng khi đạt mức tăng trưởng 40% về doanh thu và tăng đến 186% về lợi nhuận gộp, bù đắp đáng kể sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu.

Mặc dù các chi phí tài chính, quản lý cũng có xu hướng tăng nhưng mức tăng tốt của lợi nhuận gộp cùng chi phí bán hàng được tiết giảm hơn 20,2% vẫn giúp Công ty thu về 95,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22,8% so với thực hiện 2019, phần lợi nhuận sau thuế đạt 72,7 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%. Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của công ty.

Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, báo cáo tài chính của TDP cũng cho thấy dòng tiền kinh doanh của công ty đã được cải thiện đáng kể trong năm qua với việc thặng dư hơn 55 tỷ đồng, đảo chiều từ mức âm 105,6 tỷ đồng của 2018.

Tính đến cuối năm 2020, hàng tồn kho đang là khoản mục có giá trị lớn nhất trong cơ cấu tài sản của TDP với giá trị 896,6 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm, qua đó chiếm đến gần 50% tổng tài sản. Giá trị tồn kho của TDP tăng mạnh chủ yếu do công ty đẩy mạnh tích trữ nguyên vật liệu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất, trong khi đó, giá trị tồn kho thành phẩm đã giảm đáng kể so với đầu năm.

Kết quả sản xuất kinh doanh của Thuận Đức tăng trưởng qua các năm

Triển vọng tươi sáng trong năm 2021

Giữa bối cảnh nhiều nước đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine ngừa dịch Covid-19, giá dầu và giá hạt nhựa thế giới có dấu hiệu tăng mạnh từ cuối năm 2020 khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhựa ảnh hưởng theo.

Tính đến tháng 1/2021 giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng lên mức 51,29 USD/thùng, tăng phiên thứ ba liên tiếp. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng lên 48,23 USD/thùng. Giá hạt nhựa cũng tăng từ 700 usd lên gần 1.300 USD/tấn tương ứng mức tăng gần 50%. Giá nguyên liệu tại Mỹ ở mức 1.200 USD/tấn cho HDPE và 1.230 - 1.240 USD/tấn cho LLDPE film cả hai đều trên cơ sở CIF Đông Nam Á đã được ghi nhận trong tháng 1.

Hiện nay, ngành nhựa Việt Nam có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động, và phần lớn là phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ bên ngoài. Năm 2020, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Với nhu cầu hạt nhựa ngày càng tăng cao, cộng với giá cả tăng nhanh khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhựa ảnh hưởng tiêu cực.

Trong khi đó, doanh nghiệp Thuận Đức đã làm chủ được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào nhờ công nghệ tái sinh nhựa PP. Đây là một ưu thế rất lớn giúp ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành bao bì nhựa cùng sự chủ động, linh hoạt trong công tác ứng phó dự phòng dự báo Thuận Đức sẽ có một triển vọng tươi sáng trong năm 2021.

  




;

Văn bản gốc


;