Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cá nhân ngày càng nhiều
Theo thống kê, các doanh nghiệp đã phát hành 89.000 tỉ đồng trái phiếu trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khác với các năm trước, điểm bất thường trong hai quí vừa qua là số lượng nhà đầu tư cá nhân đổ vốn vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngày càng nhiều.
Cạnh tranh với kênh tiết kiệm
Kể từ đầu năm 2019 đến nay, TPDN đang dần trở nên hấp dẫn hơn so với tiền gửi thông thường bởi lãi suất cao và linh hoạt trong suốt quá trình đầu tư với cơ chế chuyển nhượng thuận tiện. Trước đây, các kênh đầu tư dành cho nhà đầu tư cá nhân thường là cổ phiếu, bất động sản, vàng..., trong khi kênh đầu tư TPDN thì hầu như chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức. Nguyên nhân là khi đầu tư TPDN thì các tổ chức có đủ nguồn lực để tìm hiểu sâu, chi tiết về trái phiếu và giá trị mỗi đợt phát hành là khá lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã kết hợp với doanh nghiệp triển khai các sản phẩm đầu tư trái phiếu hoặc trở thành nhà phân phối trái phiếu chính thức cho doanh nghiệp với mức độ ngày càng phù hợp đối với khách hàng cá nhân.
Tìm hiểu thực tế tại một số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy các khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn trên sáu tháng sẽ được không ít chuyên viên giới thiệu, tư vấn về việc đầu tư các sản phẩm tài chính khác như đầu tư TPDN hoặc chứng chỉ tiền gửi nhằm có lợi hơn cho khách hàng.
Đơn cử như với cùng một khoản tiền là 500 triệu đồng, đầu tư vào trái phiếu không chỉ hấp dẫn hơn nhiều về lãi suất mà khi có việc cần dùng tiền trước thời hạn thì khoản trái phiếu bán đi sẽ vẫn có lãi khoảng 2-3% tùy từng ngân hàng, thay vì chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp khi gửi tiền tiết kiệm mà rút trước hạn.
Đề cập đến độ tin cậy, tính an toàn của sản phẩm TPDN, không ít chuyên viên tư vấn thường trấn an khách hàng về uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành. Ngoài ra, các sản phẩm đầu tư trái phiếu hiện hành cũng rất đa dạng và linh hoạt. Khách hàng hoàn toàn có thể chuyển nhượng tự do hoặc nhượng lại cho ngân hàng một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, đầu tư trái phiếu cũng phù hợp ngay cả với những người ít tiền. Cụ thể, ở nhiều ngân hàng hiện nay, chỉ cần có từ 1 triệu đồng, mỗi cá nhân đều có thể mua TPDN để nhận lãi suất cao hơn lãi suất của các sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng.
Nhà đầu tư cá nhân cần nhận biết rủi ro
Theo thống kê, sáu tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã phát hành 89.000 tỉ đồng trái phiếu, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, 30% là các doanh nghiệp bất động sản. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường trái phiếu đang phát huy vai trò dẫn vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt khi tín dụng ngân hàng đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, khác với các năm trước, điểm bất thường trong hai quí đầu năm là số lượng nhà đầu tư cá nhân đổ vốn vào TPDN ngày càng nhiều. Chỉ riêng nửa đầu năm nay, đã có 7% là nhà đầu tư cá nhân, cao hơn nhiều so với 5,6% của cả năm 2018.
Phần lớn các đợt chào bán gần đây đều rất “đắt hàng” bởi các đối tượng tham gia đều cảm thấy có lợi trong việc tham gia vào thị trường. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể huy động được vốn với thủ tục đơn giản và trong đa số trường hợp là không cần tài sản bảo đảm.
Đối với tổ chức tư vấn/phân phối (công ty chứng khoán), hoạt động phân phối mang lại lợi nhuận không nhỏ, có thể bao gồm từ việc mua lô lớn với lãi suất cao và bán lại với lãi suất thấp hơn (chênh khoảng 2-2,5%) hoặc thu thêm phí khoảng 1,5% cho việc phát hành. Đối với nhà đầu tư cá nhân, lãi suất tiết kiệm chỉ 7-8%/năm nên việc đầu tư vào các loại trái phiếu có lãi suất 11-12%/năm là khá hấp dẫn.
Tuy nhiên, sự đắt khách của các đợt phát hành TPDN cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Đầu tiên, tính minh bạch thông tin còn kém. Trong khi đó, công cụ quan trọng nhất có thể bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư là đánh giá tín nhiệm của tổ chức phát hành thì hiện vẫn chưa có. Việt Nam hiện không có một tổ chức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp nào.
Do không có xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin kém, đi kèm với việc tài liệu công bố thông tin thường rất dài, nên nhà đầu tư cá nhân sẽ ít khi tham khảo một cách chi tiết các đợt phát hành TPDN. Thông thường, nhà đầu tư sẽ chỉ tìm hiểu thông qua tài liệu giới thiệu tóm tắt của tổ chức tư vấn/phân phối và thường thì do xung đột lợi ích (do nhà phân phối cũng hưởng lợi từ việc phát hành thành công), nên phần rủi ro được đề cập khá hạn chế, và trong nhiều trường hợp, không được mô tả trong tài liệu giới thiệu trái phiếu.
Việc phát hành TPDN thường do nhà tạo lập thị trường (market maker) đứng ra thực hiện, bằng cách “chẻ” nhỏ TPDN thành các sản phẩm giống gửi tiết kiệm nhằm thu hút nguồn tiền gửi tiết kiệm của cá nhân. Các nhà tạo lập thị trường này chỉ là bên trung gian phân phối, chứ không phải bảo lãnh hay bảo đảm, tức là không chịu rủi ro. Với một số doanh nghiệp nhỏ khó phát hành trái phiếu hơn, các tổ chức phân phối có thể hỗ trợ bằng các điều khoản cam kết mua lại trái phiếu: có thể doanh nghiệp mua định kỳ hoặc chính nhà phân phối đó mua lại trái phiếu và sau đó bán lại cho nhà đầu tư khác.
Nhìn một cách tích cực, việc đẩy mạnh phát triển thị trường TPDN là một hướng đi đúng để phát triển thị trường vốn, giảm áp lực cho thị trường tiền tệ. Tổng giá trị TPDN/GDP chỉ ở mức 9% vào cuối năm 2018, trong khi tổng dư nợ tín dụng/GDP ở mức 130%. Tuy nhiên, để thị trường TPDN phát triển bền vững, quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần được đảm bảo, trong đó quan trọng nhất là cần đánh giá tín nhiệm tổ chức phát hành và yêu cầu chặt chẽ hơn trong việc phân phối.
Linh Trang
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn