Tin tức

Trang chủ » » Thiên đường thuế gây thiệt hại lớn lên nền kinh tế toàn cầu

Thiên đường thuế gây thiệt hại lớn lên nền kinh tế toàn cầu

10/05/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

300 nhà kinh tế hàng đầu từ 30 quốc gia đã gửi thư tới lãnh đạo các quốc gia trên toàn cầu với lời cảnh báo rằng sự tồn tại của các thiên đường thuế không đem lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào, và thúc giục họ chấm dứt các hoạt động tài chính bí mật ở nước ngoài.

Thông điệp được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về Tham nhũng sẽ được chính phủ Anh đăng đàn tổ chức tại London vào ngày 12/5 với sự tham gia của các chính trị gia từ hơn 40 quốc gia cũng như các đại diện từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
 
Sụt giảm nguồn thu ngân sách
 
Các giáo sư từ những trường đại học hàng đầu thế giới như Havard, Oxford hay Sorbonne, từ các quốc gia khác nhau như Phần Lan hay Cameroon đã đồng nhất cảnh báo về việc thiên đường thuế đang làm giảm khả năng thu hồi thuế của nhà nước, đặc biệt các quốc gia nghèo là quốc gia phải chịu thiệt hại lớn nhất.
 
Dù có những quan điểm khác nhau về mức thuế cần thu, họ đều đi đến một kết luận chung rằng: “Việc các quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép tài sản được che dấu dưới vỏ bọc của các công ty hoặc khuyến khích các công ty ghi lợi nhuận tại những quốc gia mà họ hoàn toàn không có hoạt động kinh doanh nào tại nơi đó, đang làm rối loạn nền kinh tế toàn cầu”.
 
Để phản đối việc này, các nhà kinh tế đang kêu gọi các chính phủ đồng ý với nguyên tắc mới về việc yêu cầu các công ty phải báo cáo công khai các hoạt động chịu thuế ở tất cả các quốc gia họ đang sản xuất và kinh doanh, cũng như đảm bảo tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ cần công khai thông tin về người chủ thực sự của các công ty và quỹ đầu tư.
 
Jeff Sachs nói: “Thiên đường thuế không tự nhiên xuất hiện. Quần đảo Virgin thuộc Anh không bỗng dưng trở thành thiên đường thuế. Những thiên đường thuế như vậy là sự lựa chọn có chủ ý của chính phủ các nước lớn, đặc biệt là Anh và Mỹ, trong mối hợp tác với các tổ chức tài chính, kế toán và thể chế pháp luật với mục đích di chuyển dòng tiền”.
 
“Sự lạm dụng này không chỉ gây sốc, mà còn được cho rằng khá hiển nhiên và lộ liễu. Chúng ta không cần đến Hồ sơ Panama để biết rằng nạn tham nhũng thuế toàn cầu thông qua thiên đường thuế đang lan rộng. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng hệ thống toàn cầu dối trá này cần phải sớm chấm dứt. Đây chính là ý nghĩa của quản trị nhà nước tốt nhằm thực hiện cam kết toàn cầu về phát triển bền vững”, ông cho biết.
 
Lỗi hệ thống
 
Bức thư của các nhà kinh tế cho rằng Vương quốc Anh đang có vị thế đặc biệt để tiên phong trong việc chấm dứt bảo mật thông tin ở nước ngoài, do có chủ quyền ở gần một phần ba các thiên đường thuế trên thế giới, thông qua Lãnh thổ Hải ngoại và các Vùng phụ thuộc Vương quốc Anh. Có hơn một nửa các công ty được thành lập bởi Mossack Fonseca, công ty luật trong vụ tiết lộ Tài liệu Panama, đăng ký pháp nhân ở các Lãnh thổ Hải ngoại của Vương quốc Anh, như Quần đảo Virgins thuộc Anh.
 
Hệ thống hiện tại cho phép giới nhà giàu và có quyền lực giấu tiền ở nước ngoài, chiếm đoạt của các quốc gia khoản thuế cần thiết cho các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
 
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam Quốc tế, nói: “Hàng triệu người nghèo nhất trên thế giới sẽ tiếp tục là nạn nhân của nạn trốn thuế cho tới khi chính phủ các quốc gia cùng hành động để xóa bỏ thiên đường thuế, bằng cách thành lập hệ thống đăng ký công khai đối với người sở hữu thực sự của các công ty và quỹ, cũng như xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin tự động về thuế giữa các quốc gia.”
 
“Chính phủ các quốc gia, Liên Hiệp Quốc, IMF và WB cần xây dựng nền tảng cho giai đoạn thứ hai của cải cách thuế toàn cầu, nhằm xóa bỏ hành vi trốn thuế doanh nghiệp, thay vì những đề xuất cải cách rời rạc như hiện nay”, bà cho biết.
Theo Thời báo kinh doanh
  




Văn bản gốc