Thoát lên giữa đại dịch: Thông hàng qua cửa khẩu, xoay hướng với khẩu trang
Chỉ một ngày các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc ngừng giao dịch sẽ ồn ứ hàng ngàn xe container, hàng vạn tấn nông sản ách tắc và đằng sau là đời sống của ngàn gia đình nông dân điêu đứng.
Vì thế, trong bất cứ trường hợp nào, khơi thông và giữ ổn định dòng chảy xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Câu chuyện từ cửa khẩu
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, những ngày đầu dịch bệnh, có thời điểm 5 ngày liền không thông quan được xe nào qua biên giới. Chỉ tính riêng hai tỉnh đầu cầu quan trọng nhất về giao thương của Việt Nam là Lạng Sơn và Lào Cai, nếu dừng 1 tháng, thiệt hại cỡ 100-200 triệu USD; nếu kéo dài 2 tháng, con số này có thể lên đến 600-700 triệu USD.
Nhận thấy nguy cơ đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã lập đoàn công tác lên đường trực tiếp thị sát tình hình xuất nhập khẩu tại tỉnh Lạng Sơn. Thực tế hoạt động cửa khẩu đã cho thấy những dấu hiệu kéo dài, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị chức năng chủ động mở hướng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để từng bước khôi phục nhịp độ giao thương.
Khi đó, ông Trần Tuấn Anh đã yêu cầu, thời điểm cấp bách không thể chấp nhận các báo cáo chung chung mà phải nhận định “đúng”, “trúng” và hành động ngay. Theo đó, câu chuyện xuất nhập khẩu không chỉ là thông quan hàng hóa, tiểu ngạch hay chính ngạch mà xa hơn nữa là chuyện khơi thông thị trường. Không chỉ nhìn nhận trên góc độ tháo gỡ ách tắc vài nghìn xe hàng, bảo đảm đích đến cho những hàng hóa mà quan trọng hơn là hoàn thiện và đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành gỡ khó xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Ứng phó với diễn biến dịch phức tạp và kéo dài, ngày 9/4/2020, Bộ Công Thương có văn bản 2532/BCT-XNK về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, thông tin tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và UBND các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm chủ động triển khai kịp thời các vấn đề về xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Trong bất cứ trường hợp nào, khơi thông và giữ ổn định dòng chảy xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng nhất. |
Ngay sau đó, để gỡ khó đối với một số cửa giáp biên giới Trung Quốc, ngày 17/4, tại cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc, phía Trung Quốc thông báo sẽ chỉ đạo lực lượng hải quan và chính quyền địa phương có biện pháp giảm áp lực thông quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây).
Đến ngày 1/5, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây đã ra thông báo về việc khôi phục thời gian thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài. Đây là kết quả khả quan sau một loạt biện pháp hợp tác tích cực giữa hai bên nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước trước tác động của dịch Covid-19.
Từ kinh nghiệm này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh, diễn biến chính sách và các quy định của phía Trung Quốc có liên quan đến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, kịp thời đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo các địa phương, doanh nghiệp chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất xuất và tiêu thụ tạo thuận lợi hóa thông quan và duy trì chuỗi cung ứng.
Để đảm bảo sự ổn định dài hạn trên quy mô thị trường lớn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc), Bộ trưởng Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc; Bộ trưởng Công nghiệp - Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính Philippines, Cao ủy Thương mại EU, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản... để hướng đến giải pháo hợp tác cả trước mắt lẫn dài hạn, thiết lập những khuôn khổ đường hướng hợp tác theo chiều sâu và thông lệ quốc tế, phát triển các chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu trong khó khăn.
Linh hoạt để ổn định xuất khẩu
Ngay từ những ngày đầu bước vào cao điểm chống dịch, lường trước những tác động từ đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 26/2/2020 về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tiếp đó là Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp, phòng chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 và ngày sau đó là Quyết định số 481/QĐ-BCT ngày 13/2/2020 về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19... Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng chung.
Biến nguy thành cơ, khi các DN dệt may đang bế tắc vì các đơn hàng ngừng trệ, Bộ Công Thương đã cùng DN mở hướng mới chuyển sang tập trung sản xuất khẩu trang vải chống dịch, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, duy trì năng lực sản xuất và tiến tới xuất khẩu. Con số xuất khẩu hàng trăm triệu khẩu trang Việt Nam ra thị trường quốc tế mới đây đã cho thấy sự chuyển hướng hiệu quả này.
Để đáp ứng sản xuất khẩu trang khi chuỗi sản xuất bất ngờ bị đứt gãy, Bộ đã cùng các DN tìm doanh nghiệp đáp ứng nguồn cung vải; nghiên cứu nguồn nguyên liệu tại chỗ để chủ động cũng như phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng quy chuẩn khẩu trang. DN dệt may chủ động, nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu một mặt hàng quan trọng mà cách đây mấy tháng không ai nghĩ đến.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, trong khi DN trong nước có khả năng cung ứng đến 11 triệu khẩu trang/ngày thì lượng khẩu trang xuất khẩu thời gian gần đây đã đạt đến 37 triệu chiếc. Dịch bệnh còn kéo dài thì không chỉ khẩu trang mà việc sản xuất các vật phẩm, thiết bị y tế cũng được xem là một hướng đi khả thi.
Giờ đây, khi dịch Covid-19 dần được kiềm chế, cũng là lúc kế hoạch hành động với các giải pháp phát triển hậu Covid-19 của Bộ Công Thương đã được triển khai với yêu cầu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực; bảo đảm yêu cầu về tăng trưởng cho năm 2020 và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhiều lần nhấn mạnh, trong hoàn cảnh nào thì trước, trong và sau dịch vẫn đòi hỏi sự đổi mới điều hành, phản ứng chính sách phải ngày một nhanh,... để đồng hành thúc đẩy xuất khẩu không ảnh hưởng tới tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.
4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 26,45 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 56,49 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở các mặt hàng chủ lực như: Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 10%; giày dép các loại tăng 1,3%... |
Mai Sơn