Thu hút FDI hậu WTO: Tăng cao cả lượng và chất
Một thập kỷ vừa qua đã đánh dấu những chuyển biến quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, cả về lượng và chất.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2016, Việt Nam đã thu hút được 24,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả phần đóng góp thông qua góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài. Con số này có thể không quá lớn, nếu so với “đỉnh” 71,7 tỷ USD của năm 2008, nhưng đã thêm một lần nữa đánh dấu những thành công của Việt Nam trong thu hút FDI. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi ngày mai (7/1), Việt Nam kỷ niệm 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Một điều có thể khẳng định, trong khi vẫn còn những ý kiến trái chiều về việc được - mất khi gia nhập WTO, liên quan đến thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế, cải cách thể chế nói chung, song lại không có gì phải bàn cãi về những hiệu ứng tích cực đối với thu hút FDI.
Thậm chí, một ví dụ rất điển hình là, ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), vốn FDI vào Việt Nam đã tăng lên mạnh mẽ. Năm đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt kế hoạch thu hút 12 tỷ USD vốn FDI, nhưng kết quả thực tế, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã lên tới 21,3 tỷ USD, tăng 77,8% so với năm 2006. Cục Đầu tư nước ngoài đã gọi đó là “một bước tiến vượt bậc”.
Thậm chí, nếu chỉ nhìn vào các dự án lớn đang trong giai đoạn tìm hiểu, đàm phán thì con số còn tăng chóng mặt hơn nữa. Nếu 3 tháng đầu năm 2007, con số là 20 tỷ USD, thì đến giữa năm tăng lên 35 tỷ USD và sau 8 tháng là 51 tỷ USD. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để năm 2008, Việt Nam đã thu hút được 71,7 tỷ USD vốn FDI - một con số tới nay vẫn là đỉnh cao mà khó có kỷ lục nào “xô đổ”.
Dẫn các số liệu như vậy để thấy, những hiệu ứng tích cực do WTO mang lại đối với thu hút FDI của Việt Nam. Năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn FDI vào Việt Nam đã suy giảm đáng kể, chỉ còn 23,1 tỷ USD. Con số này tuy chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng cũng là một mức cam kết khá cao trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Trên thực tế những năm sau này, việc đạt được mức thu hút FDI 23 - 24 tỷ USD cũng đã là một thành công lớn ở Việt Nam.
Sẽ có câu hỏi đặt ra về sự chênh lệch giữa con số 71,7 tỷ USD của năm 2008 và 24,4 tỷ USD của năm 2016, rằng liệu có phải là dấu hiệu cho thấy sự kém hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam? Câu trả lời là không, bởi theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những con số FDI đăng ký vài năm gần đây đã trở nên thực tế hơn.
Một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù vẫn đánh giá cao con số “đỉnh của đỉnh” 71,7 tỷ USD của FDI năm 2008, song sau này đã phải thừa nhận rằng, đó là những con số ảo. Không thể không tính đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008 - 2009 và thậm chí kéo dài tới tận hiện nay, khiến khá nhiều dự án đăng ký có quy mô cả tỷ USD đã không thể triển khai do chủ đầu tư khó khăn về tài chính. Song cũng không thể không thừa nhận, không ít trong số đó là các dự án mà nhà đầu tư chỉ “xí đất” rồi để đó. Hàng loạt dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong giai đoạn 2007 - 2009 sau này đứt gánh giữa đường, như Bãi Biển Rồng (4 tỷ USD ở Quảng Nam), Thép Cà Ná (9,8 tỷ USD ở Ninh Thuận), Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (1,68 tỷ USD ở Phú Yên, Công viên Thế giới kỳ diệu (1,3 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu)...
“Điều đáng quan tâm là khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân đã thu hẹp đáng kể”, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư bình luận.
Quả thực, nếu như vốn FDI giải ngân năm 2007 chỉ đạt trên 8 tỷ USD, năm 2008 là 11,5 tỷ USD, thì năm 2015, con số là 14,5 tỷ USD và năm 2016 là 15,8 tỷ USD - con số cao nhất kể từ trước tới nay. Vốn giải ngân mới chính là con số thực, thể hiện mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.
Nhưng điều quan trọng hơn, chất lượng của dòng vốn FDI đã nâng lên một bậc, nhất là sau khi Việt Nam tổng kết 25 năm thu hút FDI vào năm 2013, với định hướng chiến lược mới là tập trung vào các dự án công nghệ cao, hiện đại và nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia.
Chỉ nhìn vào sự xuất hiện của Intel, Samsung, Microsoft, Bosch, LG... những năm gần đây, với các khu tổ hợp công nghệ cao xây dựng ở TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... đã đủ để chứng minh cho nhận định này. Việt Nam giờ đây thậm chí đã trở thành “bãi đáp” của các đại gia công nghệ và là công xưởng mới của thế giới.
Hẳn nhiên, vẫn còn nhiều điều còn phải nói về chất lượng của dòng vốn FDI, song rõ ràng, vốn FDI vào Việt Nam trong thập kỷ qua đã tăng cao cả về lượng và chất. Và hẳn nhiên, chất xúc tác hoàn toàn không chỉ từ việc Việt Nam gia nhập WTO, nhưng đây là cú hích quan trọng để Việt Nam đã và đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.