Thương mại Việt Nam - EU: EVFTA có hiệu lực
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1 tháng 8, mở đường cho việc gia tăng thương mại giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam.
EVFTA là một hiệp định đầy tham vọng, xoá bỏ gần 99% thuế hải quan giữa EU và Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) dự tính, đến năm 2025, EVFTA sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng 42,7%. Ủy ban Châu Âu dự báo GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 USD tỷ vào năm 2035.
Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào ngày 8 tháng 6, sau gần 10 năm đàm phán.
Các chuyên gia hy vọng hiệp định thương mại sẽ tạo ra một động lực rất cần thiết cho các ngành công nghiệp của Việt Nam, chẳng hạn như sản xuất, khi ngành đang có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19.
65% thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, phần còn lại sẽ được dần xóa bỏ trong thời gian 10 năm. 71% thuế quan sẽ được xóa bỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU, phần còn lại sẽ được xóa bỏ trong thời hạn 7 năm.
EVFTA được coi là một hiệp định song phương thế hệ mới - gồm có các điều khoản quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững. Đồng thời bao gồm cả cam kết thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu.
Việt Nam và EU là những đối tác thương mại lâu đời. Đến cuối năm 2018, các nhà đầu tư EU đã đầu tư hơn 23,9 tỷ USD vào 2.133 dự án tại Việt Nam. Trong năm 2018, các nhà đầu tư châu Âu đã thêm gần 1,1 tỷ USD vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư EU đang hoạt động trong 18 lĩnh vực kinh tế tại 52/63 tỉnh thành của Việt Nam. Đầu tư nổi bật nhất vào lĩnh vực sản xuất chế tạo, điện và bất động sản.
Phần lớn đầu tư của EU tập trung vào các khu vực có cơ sở hạ tầng tốt như Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. 24 quốc gia thành viên EU đang đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hà Lan, tiếp theo là Pháp và Anh.
Biểu đồ: Vietnam Briefing. Dịch: Vietnam Report
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam hiện là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của EU trong số tất cả các thành viên ASEAN - vượt qua các đối thủ khu vực là Indonesia và Thái Lan trong những năm gần đây. Thương mại phát triển giữa EU và Việt Nam cũng giúp củng cố vị trí của ASEAN với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.
Các ngành sẵn sàng tiếp tục mở rộng
Về cốt lõi, EVFTA nhằm tự do hóa cả hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu chính của cả hai bên trong thời gian 10 năm.
Đối với Việt Nam, việc xóa bỏ thuế quan sẽ mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực, bao gồm sản xuất điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử, dệt may và da giày, và các sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như cà phê. Những ngành này cũng rất thâm dụng lao động. Khi tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, hiệp định này sẽ tạo điều kiện mở rộng các ngành công nghiệp, cả về vốn và tăng việc làm.
Dệt may
Cả Việt Nam và EU đều nêu rõ khung thời gian cam kết tự do hóa tất cả các loại thuế quan. Điểm mấu chốt trong số các cam kết này là mốc thời gian 7 năm cho các sản phẩm dệt may và da giày của Việt Nam. Xuất khẩu của ngành đạt khoảng 9 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018. Do tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang EU là hàng tiêu dùng như quần áo, dệt may và da giày, hiệp định có thể làm tăng đáng kể khối lượng thương mại cho Việt Nam.
Thiết bị điện tử
Trên đà phát triển, Việt Nam sẽ hướng lĩnh vực sản xuất chế tạo sang các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn, như điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. EVFTA sẽ tăng thêm doanh thu xuất khẩu từ các sản phẩm quần áo và da giày, nhưng có thể sẽ không ảnh hưởng đến sự mở rộng của các ngành này.
Mặc dù Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp sản xuất điện tử phát triển sâu rộng hiện nay, nhưng hiệp định EVFTA mang lại cho Việt Nam cơ hội chưa từng có để dẫn đầu về các sản phẩm điện tử, và do đó việc mở rộng ngành công nghiệp mới chớm nở này có thể là một bước đi thông minh cho các doanh nghiệp trong nước.
Dược phẩm
Thị trường dược phẩm của Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư EU. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực, khoảng một nửa lượng dược phẩm nhập khẩu của EU sẽ được miễn thuế ngay lập tức, phần còn lại được miễn thuế sau 7 năm. Các công ty dược phẩm nước ngoài sẽ được phép thành lập công ty để nhập khẩu dược phẩm đã được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam. Các đơn vị này có thể bán dược phẩm do mình nhập khẩu cho các nhà phân phối hoặc bán buôn tại Việt Nam. Các đơn vị cũng có thể xây dựng nhà kho của riêng họ.
Trong khi thị trường dược phẩm của Việt Nam đã phát triển đáng kể, xong vẫn chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu thị trường. Hiệp định thương mại tự do mới sẽ mang lại khả năng tiếp cận thị trường công bằng và bình đẳng, cho phép các nhà đầu tư EU mở rộng kinh doanh và qua đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dược phẩm.
Những điểm nổi bật chính của EVFTA
Hàng tái sản xuất
Trước đây, hàng tái sản xuất được Việt Nam coi là hàng ‘đã qua sử dụng’ và thường không được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, văn bản thỏa thuận cho phép nhập khẩu hàng hóa tái sản xuất và mở ra giao dịch cho các sản phẩm có giá trị cao như thiết bị y tế và phụ tùng xe hơi để phục vụ thị trường sau-bán-hàng. Việt Nam vẫn có thể tiếp tục hạn chế hàng hóa đã qua sử dụng cụ thể theo điều kiện tối huệ quốc (MFN).
Hàng sửa chữa
Việc tạm nhập và xuất hàng đã qua sửa chữa sẽ được miễn thuế. Điều này sẽ đảm bảo các điều kiện cạnh tranh và bình đẳng đặc biệt đối với các dịch vụ bảo dưỡng chuyên dụng như máy bay.
Made in EU
Việt Nam sẽ lần đầu tiên chấp nhận các mặt hàng phi nông nghiệp ‘Made in EU’, phản ánh sự hội nhập của thị trường EU. Ngoại trừ dược phẩm phải được quốc gia phê duyệt, điều này sẽ cho phép các nhà sản xuất sử dụng thị trường nội bộ rộng lớn của EU.
Lệ phí và thủ tục
Theo EVFTA, các giao dịch lãnh sự không còn cần thiết, và không cần chứng thực lãnh sự sau ba năm EVFTA có hiệu lực.
Những thách thức sắp tới
Với những thay đổi gần đây ở EU, đặc biệt là Brexit, có thể ảnh hưởng đến kết quả và tầm quan trọng của EVFTA. Hiện tại, hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Vương quốc Anh cho đến cuối năm và có thể được gia hạn thêm 24 tháng theo thỏa thuận của Vương quốc Anh với EU.
Tuy nhiên, xét đến việc Vương quốc Anh là một trong những thị trường lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, thương mại và đầu tư từ Vương quốc Anh có thể vẫn còn trong tình trạng lấp lửng chừng nào các thị trường còn đang xử lý hậu quả Brexit. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thấy được cơ hội nếu Brexit có hiệu lực.
Tác động của Brexit đối với thương mại và đầu tư của EU lại là một câu chuyện khác. Trong khi sự hỗn loạn của Brexit khuếch đại cuộc khủng hoảng đã âm ỉ tồn tại lâu nay ở châu Âu, Việt Nam có lý do để tin rằng đất nước có thể tiếp tục gặt hái những lợi ích từ thương mại châu Âu trong những năm tới.
Phần lớn các lý do đều quy về các tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng ngày càng nghiêm ngặt của EU đối với hàng hoá nhập khẩu vào EU. Khác với các nước láng giềng trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã thành công trong việc ký kết hiệp định thương mại với EU.
Trong hiệp định này có nhiều điều khoản giúp hội tụ các tiêu chuẩn của Việt Nam với các tiêu chuẩn của EU. Tầm quan trọng của thị trường Việt Nam sẽ chỉ tăng lên khi các yếu tố của EVFTA được thực thi và các hàng rào phi thuế quan tương ứng được dỡ bỏ.
Linh Mai
Lược dịch và biên tập theo Vietnam Briefing