Toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2016
Đi hết 2/3 chặng đường của năm 2016, kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu vui nhưng tăng trưởng vẫn thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 mà Quốc hội đề ra còn ở rất xa đòi hỏi các ngành phải tăng tốc hơn.
GDP tiếp tục xu hướng tăng qua các quý, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ 2015
GDP 9 tháng năm 2016 tiếp tục xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể GDP 9 tháng tăng 5,93% cùng kỳ năm trước trong đó Quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,40%.
Tổng cục Thống kê cho biết, GDP của tháng 9/2016 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 6,53%). Nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 như Quốc hội đề ra là 6,7% các chuyên gia kinh tế nhận định, toàn bộ nền kinh tế phải nâng cao sức mạnh nội lực, tăng tốc mạnh mẽ, GDP Quý IV ước đạt 7,01%.
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy GDP tháng 9 năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015 tuy nhiên vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2013, 2014.
Chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất của Nikkei đưa ra nhận định tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện vào cuối quý 3 năm 2016 với tất cả số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng và hoạt động mua hàng đều tăng nhanh hơn so với tháng 8. Tốc độ tạo việc làm cao nhất trong thời gian 1,5 năm.
CPI: Mức tăng CPI tháng 9 là 0.54% sau khi đứng ở mức thấp trong tháng 7 và tháng 8, đưa tới mức tăng chung từ đầu năm đạt 3.14% và tăng 1,81% so với năm trước. CPI tăng do điều chỉnh tăng giá học phí và giá xăng.
Công nghiệp và xây dựng
Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng đạt 7,19%, mức tăng trưởng cao thứ hai trong vòng 6 năm qua.
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 11,22%, đóng góp 1,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành khai khoáng 9 tháng năm nay giảm tới 3,60%, làm giảm 0,28 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm so với cùng kỳ năm trước; khai thác than gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do giá giảm. Ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 9,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngành Dịch vụ
Nhìn vào biểu đồ có thể nhận thấy ngành dịch vụ trong 9 tháng năm 2016 đang có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Với tốc độ tăng trưởng đều, dịch vụ đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của kinh tế.
Bán lẻ tăng trưởng mạnh
Ngành bán buôn bán lẻ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt 8,15% trong 9 tháng qua và đóng góp 0,74 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Hoạt động tài chính- ngân hàng- bảo hiểm cũng có tăng trưởng cao trong 9 tháng qua đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,66% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%), đóng góp 0,2 điểm phần trăm.
Báo cáo của BSC nhận định sức mua vẫn giữ được xu hướng đi lên từ đầu năm, tính chung 9 tháng tổng mức bán lẻ tăng 9,5%, đóng góp chủ yếu là doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lữ hành, nhà ở, vật liệu xây dựng.
Nông- Lâm- Thủy sản tăng trưởng thấp nhất trong 6 năm
Nông nghiệp đã thoát khỏi tăng trưởng âm, đạt 0,05% trong 9 tháng qua nhưng tổng thể tăng trưởng của khu vực nông- lâm- thủy sản đang thấp nhất trong 6 năm qua, đạt 6,19%.
Nhìn biểu đồ có thể thấy khu vực này đang lao dốc mạnh kể từ khi đạt mức tăng trưởng đỉnh điểm 3% vào tháng 9 năm 2014.
Giám đốc World Bank tại Việt Nam, ông Ousmane Dione đưa ra khuyến nghị nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách làm để vượt qua những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường bởi khu vực này tăng trưởng đang giảm sâu.
Cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2016
Cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2016 cho thấy khối dịch vụ đang chiếm tỷ lệ đóng góp nhiều nhất với 41,8%, chiếm gần một nửa nền kinh tế.
Tiếp theo là ngành công nghiệp và xây dựng với tỷ lệ 32,48%.
Việt Nam được coi là nước có thế mạnh về ngành nông nghiệp, đất nước nông nghiệp nhưng tỷ lệ đóng góp của ngành này chỉ 15.54%
Tín hiệu vui từ doanh nghiệp
9 tháng đầu năm cũng ghi nhận những tín hiệu vui từ khu vực doanh nghiệp, với 81.451 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 20.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này lý giải sự thay đổi về môi trường đầu tư, cởi mở hơn đã thu hút nhiều doanh nhân mới tham gia vào thị trường.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng và giảm số doanh nghiệp phá sản.
Kim ngạch xuất nhập khẩu
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính nhập siêu 100 triệu USD, tính chung 9 tháng năm 2016 xuất siêu 2,76 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,14 tỷ USD.
Tăng trưởng tín dụng
Theo báo cáo của BSC, tỷ giá trung tâm duy trì xu hướng tăng hình thành từ đầu quý, tăng mạnh vào cuối tháng 9 trước cuộc họp FED tuy nhiên nhanh chóng hạ nhiệt khi FED quyết định giữ nguyên mức lãi suất.
Tăng trưởng tín dụng tháng 9 ở mức 10.46%, bằng 55% kế hoạch đặt ra cho cả năm của Ngân hàng Nhà nước, thấp hơn 0.3% so với mức tăng trưởng cùng kỳ 2015.
Bội chi ngân sách
Về cân đối ngân sách, 9 tháng đầu năm, chi ngân sách 819,4 nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn thu ngân sách không gia tăng, chỉ đạt 665,2 nghìn tỷ đồng, nguồn chi ngày càng lớn khiến số bội chi ngân sách rất tăng hơn chục nghìn tỷ so với cùng kỳ các năm trước. Bội chi ngân sách tính đến 15/9 ước đạt 154,2 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù cả World Bank và ADB đều hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2016 chỉ đạt 6%, giảm 0,7% so với mục tiêu của Quốc hội đề ra nhưng Việt Nam vẫn giữ vững mục tiêu tăng trưởng và đang chạy nước rút để đạt được mục tiêu 6,7%.
Sản lượng sản xuất cao hơn, số lao động có việc làm gia tăng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh... đó là những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế. Chính phủ đang đặt quyết tâm cao với mục tiêu nêu trên.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp để đạt mục tiêu 6,3-6,5%.
Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh. Không chỉ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường, không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021.
Hải Minh
Theo Người Đồng hành