Tin tức doanh nghiệp

Trang chủ » » Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024

Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024

09/10/2024

Ngày 09/10/2024, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024.

Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 9/2024.

Danh sách 1: Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024 – Nhóm Bao bì Giấy

Nguồn: Vietnam Report, tháng 10/2024

Danh sách 2: Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024 – Nhóm Bao bì Nhựa

Nguồn: Vietnam Report, tháng 10/2024

Danh sách 3: Top 5 Công ty Bao bì uy tín năm 2024 – Nhóm Bao bì Kim loại

Nguồn: Vietnam Report, tháng 10/2024

Thị trường bao bì Việt Nam: Tiến bước trên chặng đường mới

Thị trường bao bì Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, với số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng gia tăng. Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, trong đó 65% tập trung vào sản xuất bao bì nhựa. Sự tăng trưởng của ngành bao bì được thúc đẩy bởi nền kinh tế trong nước phát triển ổn định, khi GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, mở ra triển vọng hoàn thành mục tiêu cả năm với mức tăng trưởng từ 6,5% đến 7%. Không chỉ dừng lại ở đó, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận sự phục hồi và mở rộng của các ngành sản xuất chủ chốt. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục gia tăng, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 4.703.401 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Điều này tạo động lực lớn cho ngành bao bì, đặc biệt là bao bì phục vụ cho ngành thực phẩm và đồ uống, vốn đang là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Theo dự báo từ Mordor Intelligence, quy mô thị trường bao bì giấy tại Việt Nam sẽ đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và có khả năng tăng lên 4,14 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 9,73% trong giai đoạn 2024-2029. Trong ngành nhựa, phân khúc bao bì được dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường với sản lượng dự kiến 15,09 triệu tấn vào năm 2028, CAGR 8,44% (2023-2028). Điều này cho thấy tiềm năng của ngành bao bì tại Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt khi xuất khẩu bao bì đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới.

Hình 1: Top 5 động lực cho sự tăng trưởng của thị trường bao bì những tháng cuối năm 2024

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Bao bì, tháng 9/2024

Theo Khảo sát doanh nghiệp bao bì của Vietnam Report, ngành bao bì cuối năm 2024 tăng trưởng nhờ vào tiêu dùng trong nước phục hồi, đặc biệt là trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và thương mại điện tử. Nền kinh tế phục hồi, các chỉ số vĩ mô ổn định đã kích thích tiêu dùng tăng cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bao bì đưa dây chuyền sản xuất tới mức sản lượng tiềm năng, tăng cường nguồn lực cho mở rộng sản xuất và cải tiến công nghệ. Hai động lực đi cùng với mức phục hồi ấn tượng của tiêu dùng là chính sách giảm thuế và sản xuất công nghiệp phục hồi. Trong đó, Chính phủ đã tiếp tục giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/7/2024 đến 31/12/2024 theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP, việc tiếp tục duy trì giảm thuế là cần thiết do chính sách trên đã mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian trước. Như vậy, Chính phủ đã duy trì giảm thuế VAT nhằm kích thích tiêu dùng trong thời gian 3 năm liên tục hậu COVID-19.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã và đang thay đổi cách thức tiêu dùng, đồng thời tạo ra nhu cầu lớn về các loại bao bì phù hợp với vận chuyển, bảo quản và phân phối hàng hóa qua các kênh trực tuyến. Thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Gần đây, thương mại điện tử đang xuất hiện xu hướng bán hàng qua phát sóng trực tiếp (livestream) và tiếp thị liên kết (Affiliate), cùng các kênh thương mại điện tử ngày một mở rộng, điển hình như TikTok Shop, Shopee, Lazada… sẽ là cú hích tiếp theo cho thị trường bán lẻ và các doanh nghiệp bao bì cũng được hưởng lợi từ đây.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là sự phát triển của công nghệ, đóng vai trò then chốt cho việc cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm trong ngành bao bì. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, các doanh nghiệp bao bì có thể nhanh chóng thích ứng với những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, tạo ra các sản phẩm bao bì thông minh, tiện lợi hơn và thân thiện với môi trường. Với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, các sản phẩm sử dụng bao bì phức hợp ngày càng nhiều. Đây là loại bao bì có kết cấu phức tạp, được cấu thành từ nhiều lớp vật liệu khác nhau để kết hợp các đặc tính mỗi loại vật liệu, tạo nên sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn từ vệ sinh an toàn, kết cấu chắc chắn, thân thiện với môi trường… Tận dụng được lợi thế công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn mở rộng khả năng thâm nhập vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngoài ra, công nghệ số cũng giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí, và tăng cường tính bền vững của bao bì. Việc sử dụng các loại vật liệu tái chế và các quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng. Các hệ thống tự động hóa trong dây chuyền sản xuất bao bì cũng giúp tăng cường độ chính xác, đồng thời giảm thiểu sai sót và chi phí lao động, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngành bao bì trên hành trình xanh hóa

Xanh hóa ngành bao bì đang trở thành xu hướng tất yếu khi các áp lực từ việc bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao trên toàn cầu. Tại Việt Nam, việc xanh hóa ngành bao bì không chỉ là yêu cầu từ phía pháp luật, người tiêu dùng mà còn xuất phát từ ý thức từ cộng đồng doanh nghiệp trong việc hướng tới sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Một trong những ưu tiên hàng đầu là giảm thiểu phát sinh chất thải và lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và phân phối. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp bao bì đang nỗ lực tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng, vốn ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh.

Hình 2: Top 5 ưu tiên trong phát triển bền vững của doanh nghiệp bao bì

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Bao bì, tháng 9/2024

Bên cạnh đó, việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu tái chế, cũng là một ưu tiên quan trọng. Sử dụng nguyên liệu tái chế không chỉ giảm nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên mà còn giúp giảm lượng chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường. Các doanh nghiệp bao bì đang đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng ít năng lượng và giảm lượng khí thải.

Ngoài ra, tạo môi trường làm việc công bằng, an toàn và đẩy mạnh các chương trình đào tạo, phát triển nhân viên cũng là một phần của chiến lược phát triển bền vững. Việc này giúp nâng cao năng lực của nhân viên, đảm bảo sản xuất hiệu quả và an toàn, đồng thời góp phần vào sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Cuối cùng, cải tiến thiết kế bao bì để có thể tái sử dụng hoặc đa chức năng giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm, giảm nhu cầu sản xuất mới và tiết kiệm tài nguyên. Đây là những bước đi cụ thể mà ngành bao bì Việt Nam đang thực hiện để hướng tới một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường.

Hình 3: Tình hình cam kết ESG tại các doanh nghiệp bao bì

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Bao bì, tháng 9/2024

Với những ưu tiên trên hành trình xanh hóa ngành bao bì, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng hướng tới thực hiện cam kết Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG). Cùng mẫu nghiên cứu mà Vietnam Report đã khảo sát trong năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp Đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG đã tăng nhẹ lên 37,5%, tỷ lệ doanh nghiệp Đang ở giai đoạn lập kế hoạch giảm còn 40,1%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp Không đặt ra cam kết ESG/chưa có kế hoạch cụ thể giữ nguyên mức 22,4% so với năm trước đó. Các doanh nghiệp chưa đặt ra cam kết ESG hầu hết phải đối mặt với vấn đề tài chính trong giai đoạn khó khăn trước đó, việc phân bổ nguồn tài chính cho kế hoạch ESG chưa thể triển khai. Mặt khác, tỷ lệ 3,7% doanh nghiệp đã chuyển từ lập kế hoạch sang triển khai thực hiện cam kết ESG cũng là một điểm sáng trên thị trường bao bì.

Hình 4: Top 5 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bao bì, tháng 8/2023-7/2024

Hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng cao trong lựa chọn của người tiêu dùng. Khi thương hiệu của một doanh nghiệp được định vị vững chắc và có sự liên kết mạnh mẽ với giá trị bền vững, trách nhiệm xã hội, và chất lượng sản phẩm, khách hàng có xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đó. Bằng chứng được ghi nhận quan phân tích truyền thông bằng phương pháp Media Coding của Vietnam Report, nhóm chủ đề Khách hàng/Quan hệ khách hàng/Bán hàng lọt vào top 5 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với tỷ lệ 11,1%. Các chủ đề khác lần lượt là Hình ảnh/PR/Scandals; Sản phẩm; Cổ phiếu; Tài chính/Kết quả kinh doanh. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát người tiêu dùng F&B của Vietnam Report, có tới 92,1% người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến mức độ thân thiện với môi trường của bao bì sản phẩm, tăng 12,5% so với năm 2023. Đây là vừa là áp lực, vừa là động lực để các doanh nghiệp bao bì ngày một hoàn thiện, giảm chi phí giá thành để các sản phẩm bao bì xanh tới tay người tiêu dùng nhiều hơn nữa.

Quy định về tái chế bao bì trên hành trình xanh hóa

Hành trình xanh hóa ngành bao bì tại Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ hơn thông qua các chính sách cụ thể về trách nhiệm tái chế. Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, Việt Nam đã đưa ra các quy định quan trọng về việc tái chế bao bì nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và được áp dụng theo lộ trình bắt buộc từ ngày 01/01/2024. Quy định này yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu bao bì chịu trách nhiệm tổ chức hoặc đóng góp tài chính vào hoạt động thu gom và tái chế sản phẩm của họ sau khi sử dụng. Điều này áp dụng cho các loại bao bì nhựa, giấy, kim loại và các vật liệu khác. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đăng ký và thực hiện kế hoạch tái chế theo tỷ lệ quy định đối với từng loại bao bì, hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ Môi trường để hỗ trợ công tác tái chế. Nghị định này đi vào hoạt động đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính (sản xuất, sử dụng, vứt bỏ) sang mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi bao bì được thu gom và tái sử dụng.

So với một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang từng bước học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến về tái chế bao bì. Một trong những mô hình nổi bật là Chỉ thị về Bao bì và Chất thải Bao bì của Liên minh châu Âu (EU). Chỉ thị này yêu cầu các quốc gia thành viên đảm bảo rằng ít nhất 65% trọng lượng của tất cả bao bì được thu gom để tái chế. EU còn khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện với môi trường và các doanh nghiệp phải trả phí dựa trên mức độ tác động môi trường của bao bì họ sử dụng, một hệ thống được gọi là "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (EPR). Mô hình EPR đã thành công trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc quản lý chất thải bao bì một cách bền vững. Ngoài EU, Nhật Bản cũng có một hệ thống quản lý tái chế bao bì rất nghiêm ngặt. Theo Luật Tái chế Bao bì ban hành từ năm 1995, Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp phải phân loại và thu gom bao bì nhựa, thủy tinh, kim loại, và giấy sau khi sử dụng. Chính phủ nước này hỗ trợ việc phát triển các công nghệ tái chế tiên tiến, đồng thời thực hiện các chiến dịch giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức về tái chế. Điều này đã giúp Nhật Bản đạt tỷ lệ tái chế cao, đồng thời giảm thiểu lượng rác thải bao bì được chôn lấp. Hàn Quốc cũng nổi bật với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc tái chế bao bì thông qua hệ thống EPR và yêu cầu phân loại rác tại nguồn. Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng các chính sách phạt nặng đối với những doanh nghiệp không tuân thủ quy định về tái chế, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người tiêu dùng thông qua các chiến dịch môi trường và hệ thống hoàn trả bao bì.

Việc Việt Nam học hỏi và áp dụng những mô hình này sẽ giúp nâng cao hiệu quả tái chế, giảm thiểu tác động của bao bì tới môi trường và tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với Việt Nam là hệ thống thu gom và phân loại rác tại nguồn chưa hoàn thiện, đòi hỏi cần có sự hợp tác mạnh mẽ từ các bên liên quan, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân. Thông qua Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Việt Nam đang dần hoàn thiện khung pháp lý và hướng tới một mô hình tái chế bao bì hiệu quả hơn trong tương lai.

Bộ tiêu chuẩn trên bao bì như FSC nên được phổ cập

FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lý Rừng) là một tiêu chuẩn tự nguyện, được phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu. Chứng chỉ này đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế. Mặc dù không bắt buộc theo pháp luật hiện hành, nhưng việc đảm bảo đạt chứng nhận FSC trên các sản phẩm bao bì có thể giúp doanh nghiệp giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và những quy định về phát triển bền vững ngày càng thắt chặt, các doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Việt Nam được khuyến khích tự nguyện áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu thị trường, đặt biệt là trong các lĩnh vực xuất khẩu.

Phổ cập FSC như một giải pháp bảo vệ rừng và giảm thiểu tác động của thời tiết cực đoan. Rừng có khả năng hấp thụ và giữ nước mưa, làm giảm lượng nước chảy tràn, đồng thời làm chậm dòng chảy của nước vào các con sông, hồ, ngăn chặn nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, việc khai thác rừng bừa bãi, chuyển đổi rừng tự nhiên thành đất nông nghiệp hoặc khu công nghiệp đã làm suy giảm diện tích rừng và tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại nhiều vùng đồi núi, đặc biệt khi biến đổi khí đổi, các ảnh hưởng của thiên tai ngày một nghiêm trọng. Chứng chỉ FSC, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý rừng bền vững, yêu cầu hạn chế khai thác quá mức và bảo vệ hệ thống cây cối có khả năng giữ nước và đất. Điều này giúp ổn định địa hình, ngăn chặn hiện tượng sạt lở và làm giảm cường độ của lũ lụt. Những khu rừng ngày càng được phủ xanh không chỉ duy trì hệ sinh thái, mà còn đóng vai trò là "lá chắn", giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Như vậy, chủ đề xanh hóa và phát triển bền vững luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong ngành bao bì, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu trách nhiệm xã hội ngày càng cao. Các doanh nghiệp bao bì hướng tới trở thành một phần của chuỗi giá trị xanh, và sẽ luôn là chiến lược trong dài hạn để các doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh, và tận dụng hơn nữa những cơ hội từ nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, hướng tới sự thịnh vượng trong tương lai.

 

Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024 là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ…

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được hai giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty bao bì tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành Bao bì được đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng trong thời gian từ tháng 08/2023 đến tháng 07/2024, đánh giá theo cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Lễ công bố chính thức bảng xếp hạng và tôn vinh Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024 được tổ chức vào tháng 10 năm 2024 tại Thành phố Hà Nội.

 

Vietnam Report

  




Văn bản gốc