Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2024
21/06/2024
Chuyên mục: Tin tức doanh nghiệp In trang
Ngày 21/6/2024, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2024.
Uy tín của các công ty Công nghệ được đánh giá khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan cập nhật đến tháng 5/2024.
Danh sách 1: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông uy tín năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2024, tháng 6/2024
Danh sách 2: Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số uy tín năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2024, tháng 6/2024
Cục diện và triển vọng ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông
Trên phương diện quốc gia, năm 2023, kinh tế số ước tính đã đóng góp khoảng 16,5% GDP của Việt Nam (tỉ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,9% và 14,3%), với tốc độ phát triển kinh tế số khoảng 20%/năm, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP và tiếp tục đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Vị thế của Việt Nam tiếp tục ghi nhận dấu ấn cải thiện trên bản đồ công nghệ thế giới khi được Liên hợp quốc đánh giá tăng 10 bậc về dữ liệu mở. Trong khi đó, chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index - GII) của Việt Nam năm qua đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu, tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Về phía ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) nói chung và các doanh nghiệp trong ngành - lực lượng nòng cốt đóng vai trò cách mạng hóa mọi hoạt động kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh, đà tăng trưởng trong năm 2023 đã bị chững lại phần nào trước những cơn gió ngược trong kinh tế vĩ mô toàn cầu và căng thẳng địa chính trị trong năm qua. Trong đó, các đơn hàng công nghệ xuất khẩu bị ảnh hưởng trực diện với kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 127 tỷ USD, giảm 4,9% so năm 2022 và là lần đầu ghi nhận sự sụt giảm trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, trên mặt bằng chung kém thuận lợi của các ngành, câu chuyện của ngành công nghệ trong năm qua nhìn chung vẫn ổn định với doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT tăng trưởng 1,4% so với năm 2022, ước đạt 3.397.492 tỷ đồng (tương đương 142 tỷ USD) và tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Sự tăng trưởng này đã khẳng định tính năng động của các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời, củng cố vị thế trụ cột vững vàng dẫn dắt triển vọng phục hồi của thị trường, cũng như tạo lực bứt phá cho giai đoạn tiếp theo.
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, tín hiệu khởi sắc của ngành đã được ghi nhận. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy trong quý I/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; trong khi xuất khẩu sản phẩm CNTT cũng khởi sắc khi tăng 17%, đạt mức 31 tỷ USD.
Theo khảo sát doanh nghiệp ngành công nghệ được Vietnam Report, gam màu lạc quan bao phủ thị trường với 100% số doanh nghiệp đồng thuận rằng tăng trưởng vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành trong nửa cuối năm, song hành cùng sự ổn định và phục hồi của nền kinh tế vĩ mô. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng vào sự bứt phá mạnh mẽ của ngành trong nửa cuối năm đã xuất hiện trở lại (11,1%) và 88,9% số doanh nghiệp dự báo ngành CNTT sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng tới (+17,5% so với kết quả khảo sát cách đây một năm). Tuy nhiên, dù kết quả khảo sát năm nay không ghi nhận dự báo suy giảm đà tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng mức tăng trưởng mạnh mẽ vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2021-2022, cho thấy các doanh nghiệp vẫn thận trọng trước những biến động thị trường. Bối cảnh thị trường công nghệ nói chung đang mở ra nhiều thời cơ song cũng không ít thách thức đi kèm, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cách tiếp cận chủ động, nhanh nhạy và toàn diện để tăng tốc.
Hình 1: Triển vọng ngành CNTT trong 6 tháng cuối năm so với đầu năm
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp công nghệ, tháng tháng 5/2021-2024
Năm 2024: Chương mới - vận hội mới cho các doanh nghiệp công nghệ Việt
Năm 2024 hứa hẹn mở ra một chương mới đầy triển vọng cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Đây là thời điểm đất nước bước vào giai đoạn phổ cập hạ tầng số toàn diện, đồng thời đánh dấu nhiều bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông, với sự ra đời của nhiều bộ luật mới về điện tử, viễn thông, thương mại hóa 5G, cùng xu hướng phát triển và tích hợp mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán lượng tử… hay cơ hội nắm bắt và hiện thực hóa giấc mơ bán dẫn của Việt Nam.
Hình 2: Năm 2024: Chương mới - vận hội mới cho các doanh nghiệp công nghệ Việt
Nguồn: Vietnam Report
Năm phổ cập hạ tầng số với những bước hoàn thiện về thể chế
Kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã trải qua 4 năm triển khai và bước sang năm thứ 5 với nhiều thành tựu được tạo dựng. Trong năm qua, Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) đã được xây dựng và chính thức triển khai trên toàn quốc, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia. Năm 2024, Chính phủ đưa ra định hướng Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, Số hoá các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đây cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ.
Tháng 7/2024 sẽ chứng kiến hai dự án luật quan trọng được thông qua từ năm ngoái là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Luật Giao dịch điện tử với 8 nội dung mới, đã bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin…, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số tất cả ngành và lĩnh vực. Trong khi đó, Luật Viễn thông sửa đổi đưa ra những thay đổi quan trọng trong việc điều chỉnh và quản lý các dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, quy định cụ thể hơn về tài nguyên viễn thông, thông tin thuê bao di động và xử lý sim rác, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.
Vào ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo không gian phát triển mới, cho phép tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, kiến tạo giá trị mới cho đất nước trong kỷ nguyên công nghệ số. Ngoài ra, Luật Công nghiệp công nghệ số, Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn và Chiến lược Công nghiệp công nghệ số cũng đã được đề xuất xây dựng.
Về cơ bản, dù vẫn còn một số vấn đề cần hoàn thiện như định chế tài chính, đấu thầu, định giá, thống nhất đo lường chưa đồng bộ… nhưng hành lang pháp lý xoay quanh chuyển đổi số và ngành CNTT-VT đang dần hoàn thiện, đưa ra các quy định rõ ràng, giúp tạo môi trường pháp lý minh bạch. Các quy định mới này không chỉ hỗ trợ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành, thiết lập nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mở rộng và phát triển.
Thương mại hóa 5G - bước tiến vượt bậc trong viễn thông
Năm 2024 cũng là năm thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Sau 15 năm có quy định về việc đấu giá tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với hai khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) và C2 (3700-3800 MHz) vào tháng 3/2024, đánh dấu ý nghĩa quan trọng khi mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G – nền móng để đẩy nhanh hơn nữa việc phát triển hạ tầng số, tạo “cú huých” cho chuyển đổi số quốc gia.
Công nghệ 5G với những ưu thế như vùng phủ rộng, chống nhiễu tốt, dung lượng và mật độ kết nối lớn, độ trễ thấp và tính bảo mật được cải thiện mở ra vô số cơ hội mới cho các ngành công nghiệp. Mạng di động 5G khi đi vào hoạt động sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, mang đến sự đổi mới sáng tạo, tăng năng suất trong tất cả các lĩnh vực từ áp dụng 5G trong sản xuất công nghiệp, ứng dụng trong cảng thông minh, khai thác mỏ, logistics, kho vận thông minh… Việc triển khai 5G cũng tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới như AI, IoT và học máy (ML), giúp nâng cao hiệu suất và sáng tạo trong mọi lĩnh vực.
Sự hội tụ và phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới
Năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự tích hợp chặt chẽ và phát triển mạnh của nhiều công nghệ tiên tiến như AI, IoT, ML, thực tế ảo, điện toán đám mây và điện toán lượng tử… Các công nghệ này không chỉ đem lại những giải pháp đột phá cho các doanh nghiệp mà còn thay đổi cách thức vận hành và quản lý. AI và ML giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý dữ liệu hiệu quả hơn, trong khi IoT kết nối và quản lý các thiết bị thông minh, điện toán lượng tử mở ra những khả năng tính toán vượt trội, giải quyết các bài toán phức tạp một cách nhanh chóng. Sự phát triển này tạo ra một hệ sinh thái công nghệ đa dạng và mạnh mẽ, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.
Không nằm ngoài làn sóng đổi mới, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã và đang tiếp cận với các công nghệ tiên tiến. Chẳng hạn như AI, đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết có tích hợp AI vào các sản phẩm,dịch vụ của mình, đầu tư, nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như học máy và học sâu (Deep Learning) để dự đoán và phân tích dữ liệu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) hay thị giác máy tính và nhận dạng hình ảnh. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng ghi nhận 22,2% số doanh nghiệp thừa nhận đã tích hợp AI nhưng chưa thấy hiệu quả lớn. Mặc dù lợi ích dự kiến mang lại đầy hứa hẹn nhưng cần phải thừa nhận rằng việc triển khai AI sẽ không mang lại kết quả ngay lập tức. Giá trị AI mang lại cho doanh nghiệp phát triển theo hiệu ứng đường cong J và AI chỉ mang lại giá trị tăng trưởng bền vững khi được áp dụng đủ sâu rộng. Hiệu ứng này như đã thấy trong nhiều ví dụ lịch sử khác nhau, cho thấy rằng ban đầu sẽ có giai đoạn điều chỉnh đóng vai trò quan trọng để đào tạo lại lực lượng lao động, hình dung lại vai trò công việc và điều chỉnh các chiến lược kinh doanh cho phù hợp với mô hình mới được hỗ trợ bởi AI.
Về phía các thách thức, câu chuyện thiếu vốn, chi phí đầu tư cao vẫn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành trong quá trình ứng dụng các công nghệ mới, bên cạnh các vấn đề thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn hay khó khăn trong việc tích hợp, đảm bảo sự tương thích với hệ thống hiện có. Ngoài ra, các vấn đề về bảo mật dữ liệu hay khó khăn trong việc thu thập và chuẩn bị dữ liệu cũng đặt ra những thách thức đáng kể trên hành trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới của cộng đồng doanh nghiệp.
Cơ hội phát triển ngành bán dẫn
Chip - những mảnh silicon nhỏ với hàng tỷ bóng bán dẫn được khắc trên đó, cung cấp sức mạnh tính toán bên trong hầu hết mọi thiết bị điện tử đang là trung tâm trong cuộc đua công nghệ trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, khi thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng thiếu chip nghiêm trọng diễn ra ở thời điểm phong tỏa do đại dịch COVID-19 hay Mỹ siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc và xu hướng “friend-shoring” - chuyển sản xuất về các nước thân thiện của nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra, chất bán dẫn đã trở thành câu chuyện “nóng”, chiếm ưu thế trên truyền thông và thực sự thu hút được sự chú ý của công chúng.
Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đứng trước cơ hội để chuyển mình, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ với tiềm năng to lớn từ lĩnh vực bán dẫn. Với sự hỗ trợ từ chính phủ và các chính sách ưu đãi, cùng với nguồn nhân lực chất lượng đã và đang được nỗ lực xây dựng, chi phí cạnh tranh, các doanh nghiệp tại Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển và mở rộng quy mô, tham gia vào thị trường bán dẫn. Hiện tại, mô hình được doanh nghiệp Việt lựa chọn là “fabless” - thiết kế sản phẩm và bán hàng, không xây nhà máy. Việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ giúp Việt Nam từng bước phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao này, tiếp cận các giải pháp tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Một đặc điểm của lĩnh vực bán dẫn là cơ hội sẽ đến nhanh và cũng qua đi nhanh nếu như không nắm bắt kịp thời. Nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kỳ ngắn và nhanh. Do đó, để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp công nghệ Việt nói riêng cần gấp rút triển khai và hoàn thiện các chiến lược liên quan, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn đồng bộ với phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Hơn nữa, cần phát huy mối quan hệ ba nhà: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ trong khi nỗ lực nâng cao và cải thiện hạ tầng – một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển trong lĩnh vực này.
Sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ, các giải pháp bảo mật mới và tiên tiến
Sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ là một yếu tố quan trọng khác góp phần vào triển vọng sáng của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong năm 2024. Với sự phát triển của hạ tầng số và sự phổ cập của công nghệ 5G, nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ hiện đại ngày càng tăng. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ cung cấp các giải pháp và dịch vụ mới, từ phần mềm quản lý, ứng dụng di động đến các dịch vụ đám mây và nền tảng IoT.
Theo kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp của Vietnam Report, gần 2/3 số lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng ngân sách cho chuyển đổi số trong năm nay. Cùng với đó, tầm quan trọng của an ninh mạng ngày càng được thể hiện khi sự phụ thuộc vào các hệ thống kỹ thuật số của doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng. Sự gia tăng các mối đe dọa an ninh mạng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư vào các giải pháp bảo mật tiên tiến. Không những thế, nhu cầu từ thị trường quốc tế vẫn rộng mở khi chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2024 với chi tiêu cho công nghệ điện toán đám mây và AI là hai động lực chính cho tăng trưởng. Triển vọng xuất khẩu phần mềm sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và APAC vẫn duy trì khả quan khi công tác chuyển đổi số được đẩy nhanh, trở thành xu thế tất yếu của thế giới.
Hình 3: Ngân sách dự kiến dành cho chuyển đổi số của doanh nghiệp trong năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, tháng 4/2024
Sự nóng lên của mặt trận an ninh mạng: Góc nhìn từ các doanh nghiệp công nghệ
Kỷ nguyên số được đánh dấu bằng những tiến bộ và phát triển khoa học công nghệ đã biến các hệ thống thông tin đã trở thành những mạch gắn kết không thể thiếu đối với mọi hoạt động kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Năm 2024, trong bối cảnh số hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, công nghệ mở ra cả những cơ hội đột phá lẫn những thách thức an ninh mạng.
Các cuộc tấn công mạng càn quét
Trong năm qua, Việt Nam ghi nhận 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống, tăng 9,5% so với năm 2022. Chỉ tính trong quý I/2024, có tới 29.000 báo cáo lừa đảo liên quan tội phạm mạng. Các cuộc tấn công diễn ra dưới nhiều hình thức, từ đánh cắp danh tính, tấn công lừa đảo, mã hóa dữ liệu bằng mã độc, xâm phạm email, tấn công từ chối dịch vụ (DDoS)… với các mã độc tấn công được nâng cấp ngày càng tinh vi hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Công nghệ mới định hình cuộc chiến an ninh mạng
Mặt trận an ninh mạng hiện nay được định hình bởi hàng loạt công nghệ tiên tiến. Nói cách khác, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới không chỉ mang lại những lợi ích rõ ràng mà còn tạo ra những nguy cơ mới cho an ninh mạng.
Chẳng hạn, sự bùng nổ của AI hay điện toán lượng tử đang tạo ra một cuộc “chạy đua” giữa doanh nghiệp và tội phạm mạng. AI mang đến khả năng phát hiện và phân tích hiệu quả, giúp cải thiện phản ứng phòng thủ trước thông tin sai lệch, lừa đảo, phần mềm độc hại và hành vi bất thường, hỗ trợ cho hoạt động bảo mật tự động. Generative AI (AI tạo sinh) giúp tự động hóa các tác vụ, phân tích dữ liệu và nghiên cứu lỗ hổng. Tuy nhiên, công nghệ này cũng cung cấp các công cụ tấn công mới cho tội phạm mạng. AI có thể được kẻ tấn công khai thác khi sử dụng Deepfake hay các mô hình ngôn ngữ lớn để hiểu ngôn ngữ viết và tạo ra các nội dung lừa đảo với mức độ ngày càng phức tạp. Ngoài ra, AI cũng có thể bị kẻ tấn công sử dụng để đẩy nhanh quá trình lọc tài liệu, tìm kiếm tài liệu có giá trị.
Những hạn chế phổ biến nhất dẫn đến các mối đe dọa an ninh mạng của doanh nghiệp Việt
Trước sự nóng lên của mặt trận an ninh mạng, góc nhìn của các doanh nghiệp công nghệ với kiến thức và kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp bảo mật tiên tiến đã được ghi nhận thông qua khảo sát của Vietnam Report. Theo đánh giá của doanh nghiệp trong ngành, sự lỏng lẻo trong quản lý quyền truy cập và chính sách về an ninh mạng vẫn tiếp tục là hạn chế khá phổ biến tại Việt Nam, dẫn đến các mối đe dọa an ninh thông tin, an toàn hệ thống ở cấp độ doanh nghiệp. Thực tế, kẻ tấn công có thể dễ dàng xâm nhập trái phép vào hệ thống nếu doanh nghiệp không quản lý chặt chẽ quyền truy cập hệ thống và dữ liệu nội bộ, phân cấp quyền và mức độ truy cập dựa trên từng loại dữ liệu và đối tượng có thể sử dụng những dữ liệu này trong doanh nghiệp. Song song với đó, tình trạng thiếu áp dụng chính sách bảo mật rõ ràng - quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ dữ liệu, an toàn thông tin mạng vẫn xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dẫn đến việc khó kiểm soát và phản ứng nhanh chóng khi có sự cố an ninh mạng xảy ra.
Hình 4: Top 4 hạn chế phổ biến nhất dẫn đến các mối đe dọa an ninh mạng của doanh nghiệp Việt
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp công nghệ, tháng 6/2023 và tháng 5/2024
Không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn tồn đọng những hạn chế như không thường xuyên tra soát, thiếu quy trình, kế hoạch kiểm tra và đánh giá định kỳ để sớm phát hiện các rủi ro tấn công mạng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng số, hệ thống giám sát an ninh mạng của nhiều doanh nghiệp đã lỗi thời. Doanh nghiệp đầu tư không đủ vào nâng cấp công nghệ, chậm cập nhật các phần mềm, hệ điều hành và các giải pháp bảo mật, vì vậy, dễ bị khai thác các lỗ hổng và gặp khó khăn trong việc chống lại các mối đe dọa mới.
Ngoài ra, yếu tố con người cũng được chỉ ra như một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các nguy cơ mất an ninh mạng. Nhân viên thiếu hiểu biết, không được đào tạo về an toàn thông tin, chưa chú trọng với tâm lý xem nhẹ hoặc không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đến vấn đề bảo mật, đã và đang tồn tại, tạo ra thách thức lớn để đảm bảo an ninh mạng của doanh nghiệp.
Top 5 giải pháp ưu tiên để đảm bảo an toàn thông tin mạng
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp công nghệ với Vietnam Report, trước thực tế trên, nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn của hệ thống thông tin của doanh nghiệp, 6 yếu tố bao gồm: (1) Tính bảo mật (đảm bảo dữ liệu không bị lộ, không được phép xem khi không được quyền xem), (2) Tính toàn vẹn (bảo đảm thông tin không bị thay đổi hoặc chỉ được chỉnh sửa bởi người có thẩm quyền), (3) Tính kiểm toán (lưu trữ dữ liệu để đối soát khi có sự cố), (4) Tính xác thực (chống lại mạo danh và chống bắt chước), (5) Tính sẵn sàng (đảm bảo thông tin luôn sẵn sàng khi cần thiết), (6) Tính chống chối bỏ (một bên giao dịch không thể phủ nhận việc họ đã thực hiện giao dịch với các bên khác) cần được đặc biệt ưu tiên trong việc xây dựng và quản lý hệ thống.
Bên cạnh đó, để khắc phục hạn chế đang tồn tại, kiến tạo lớp phòng thủ vững chắc cho các doanh nghiệp trước làn sóng tấn công mạng, top 5 giải pháp trọng tâm đã được chỉ ra. Lời giải cho bài toán này sẽ phụ thuộc vào cách các doanh nghiệp tạo văn hóa an ninh mạng - tăng cường nhận thức và kỹ năng về an ninh mạng cho nhân viên, kiểm soát các hoạt động truy cập dữ liệu, sử dụng các biện pháp bảo mật như mã hóa dữ liệu, kiểm soát truy cập và VPN, kết hợp với đầu tư nâng cấp hệ thống mạng, phần mềm và thiết bị bảo mật, áp dụng các giải pháp công nghệ mới như AI để phát hiện và ngăn chặn tấn công. Không những thế, doanh nghiệp cũng cần đặt trọng tâm chú ý cho công tác xây dựng hệ thống giám sát mạng liên tục, thực hiện kiểm tra và đánh giá rủi ro định kỳ, các cuộc kiểm tra xâm nhập (penetration testing) và đánh giá lỗ hổng (vulnerability assessments). Mục tiêu cốt lõi của tất cả hành động này sẽ hướng đến cải thiện khả năng đánh giá và cập nhật các rủi ro an ninh mạng thường xuyên để phát hiện sớm các lỗ hổng bảo mật, tăng cường năng lực bảo vệ và ứng phó với sự cố.
Hình 5: Top 5 giải pháp ưu tiên để đảm bảo an toàn thông tin mạng theo đánh giá từ các doanh nghiệp công nghệ
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp công nghệ, tháng 5/2024
Chiến lược vươn tầm của các doanh nghiệp công nghệ
Kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report cho thấy top 4 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông trong giai đoạn từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024 bao gồm: (1) Hình ảnh/ PR/ Sự cố, (2) Sản phẩm, (3) Chiến lược kinh doanh/ M&A và (4) Tài chính/ Kết quả kinh doanh. Đáng chú ý, kể từ tháng 5/2021, nhóm chủ đề Chiến lược kinh doanh/ M&A có sự tăng trưởng đều đặn về tần suất xuất hiện và trong giai đoạn một năm trở lại đây đã vượt qua nhóm chủ đề về Tài chính/ Kết quả kinh doanh để vươn lên đứng vị trí thứ ba.
Việc thu hút truyền thông vào các chủ đề này phản ánh sự quan tâm của công chúng và các nhà đầu tư xoay quanh các hoạt động chiến lược quan trọng, những chiến lược kinh doanh, giải pháp thích ứng khác nhau - yếu tố quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp công nghệ trong bối cảnh thị trường đầy biến động hiện nay. Đồng thời, sự gia tăng này cũng thể hiện bước trưởng thành, phát triển và mở rộng của ngành công nghệ. Không chỉ chiến lược phát triển tại thị trường nội địa, doanh nghiệp công nghệ Việt cũng gia tăng hiện diện trên thị trường quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động mua bán và sáp nhập ở phạm vi toàn cầu.
Hình 6: Top 4 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding các doanh nghiệp CNTT-VT, từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2024
Thời gian qua, ngành công nghệ đã chứng kiến nhiều “ông lớn” - các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu từ điện tử, bán dẫn… đã và đang hướng tầm nhìn về Việt Nam. Chúng ta đang bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ khi các dự án đầu tư nước ngoài được khuyến khích vào lĩnh vực sản xuất chip và công nghệ cao, tạo ra một môi trường phát triển đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp trong ngành. Sự đổ bộ của những “gã khổng lồ” tạo ra tín hiệu tích cực cho tiềm năng bứt phá của các doanh nghiệp Việt, hướng tới hợp tác, liên kết và xuất khẩu công nghệ. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, việc tăng cường hợp tác, liên kết và mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ cũng góp mặt trong top 6 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp công nghệ trong năm nay và chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn. Doanh nghiệp công nghệ đang dần lớn mạnh, trưởng thành, với những nỗ lực nâng tầm vị thế để tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường hoạt động, bước ra thế giới.
Hình 7: Top 6 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp công nghệ
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp công nghệ, tháng 6/2023 và tháng 5/2024
Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy chiến lược phát triển của các doanh nghiệp công nghệ hiện nay tiếp tục dựa trên nền tảng “kiềng ba chân” vững chắc tương ứng với ba chiến lược hàng đầu là: Tăng cường hoạt động R&D, Nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông và Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. R&D giúp doanh nghiệp luôn đổi mới, sáng tạo, và giữ vững vị thế dẫn đầu trên thị trường. Uy tín và hình ảnh trên truyền thông tạo nên niềm tin và sự trung thành từ khách hàng, giúp doanh nghiệp thu hút và mở rộng thị phần. Trong khi đó, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo đội ngũ nhân viên luôn có đủ kỹ năng và kiến thức để triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, trước những mối đe dọa gia tăng và điển hình là bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, việc nâng cao hệ thông quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro cũng được chú trọng với hơn một nửa số doanh nghiệp công nghệ đặt đây là chiến lược ưu tiên trong năm 2024.
Trong thời đại số, ngành công nghệ không chỉ là một lĩnh vực riêng biệt mà là trục chính của sự tiến bộ kinh tế và xã hội. Làn sóng công nghệ bùng nổ trên toàn cầu, quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh và sự nóng lên của mặt trận an ninh mạng khiến chi tiêu công nghệ thông tin được dự báo duy trì mức tăng trưởng cao, hỗ trợ cho những kỳ vọng lạc quan về triển vọng của ngành. Năm 2024, khi kinh tế vĩ mô từng bước trở lại quỹ đạo phục hồi và tăng trưởng, một chương mới đầy triển vọng cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam cũng được mở ra. Nắm bắt cơ hội trong thời điểm đất nước bước vào giai đoạn phổ cập hạ tầng số toàn diện, nhiều bộ luật mới về điện tử, viễn thông, hành lang pháp lý dần hoàn thiện, mạng 5G được thương mại hóa, cùng các công nghệ tiên tiến và cơ hội bước vào lĩnh vực bán dẫn sẽ là nhiệm vụ cốt lõi của các doanh nghiệp công nghệ trên đường đua để tăng tốc và vươn tầm, khẳng định vị thế trụ cột định hình cấu trúc kinh tế của Việt Nam.
Danh sách Top 10 Công ty uy tín trên truyền thông là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2012, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm, Bất động sản – Xây dựng, Dược, Công nghệ TT - Viễn thông, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics... Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp công nghệ được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 05/2023 đến tháng 04/2024. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực. Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó. Lễ công bố và tôn vinh chính thức Top 10 Công ty Công nghệ uy tín sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2024 tại Hà Nội. Website: www.toptenvietnam.vn |
Vietnam Report