Tin tức

Trang chủ » » Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2019

Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2019

16/12/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 16/12/2019, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2019 bên cạnh kết quả nghiên cứu về ngành Dược Việt Nam trong thời gian qua.

Top 10 Công ty Dược uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát dược sỹ làm việc tại các hiệu thuốc, các chuyên gia trong ngành và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 11/2019 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2020.

Lễ công bố chính thức Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2019 tổ chức vào ngày 09 tháng 01 năm 2020 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, TP. Hà Nội.

Danh sách Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2019

Nguồn: Vietnam Report

Danh sách Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2019

Nguồn: Vietnam Report

Thực trạng ngành Dược Việt Nam

Theo thống kê của BMI Research, năm 2018, quy mô thị trường ngành Dược Việt Nam đạt giá trị 5,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước, điều này đã giúp Việt Nam trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành Dược cao nhất. Tuy ngành Dược trong nước đã tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tình hình sản xuất dược phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải thông qua nhập khẩu. Năm 2018, chi nhập khẩu dược phẩm của nước ta đạt 2.791 tỷ USD; tính đến 15/09/2019, kim ngạch nhập khẩu thuốc của Việt Nam là 2.144 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm khoảng 200 triệu USD.

Số liệu thống kê của Cục Quản lý Dược tính đến ngày 16/05/2019, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng, và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền).

Về thị phần phân phối thuốc, hiện nay phân phối qua đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện (kênh ETC) đang chiếm khoảng 70% thị trường thuốc, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ (kênh OTC), trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc. Sự phát triển của kênh ETC là do: Thứ nhất, chính sách bảo hiểm y tế của Chính phủ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao dẫn đến việc chi tiêu thuốc cho khu vực này sẽ ngày càng chiếm chủ đạo trong tương lai; Thứ hai, khối bệnh viện tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ góp phần gia tăng thuốc trong khối điều trị; Thứ ba, nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao sẽ làm nhiều người đến bệnh viện hơn.

Hình 1: Khái quát ngành Dược Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report tổng hợp

Tiềm năng tăng trưởng và các xu hướng chính của ngành

Dù gặp nhiều khó khăn về sản xuất và công nghệ nhưng với cơ cấu dân số trẻ nhưng đang có tốc độ già hóa nhanh, thu nhập, tình trạng ô nhiễm môi trường và mức độ quan tâm của trên 97 triệu dân đến các vấn đề sức khỏe ngày càng cao, sẽ là động lực cho ngành Dược phẩm tiếp tục tăng trưởng. Trong vòng 5 năm tiếp theo, ngành Dược Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.

Dự báo từ hãng nghiên cứu thị trường IBM về độ lớn thị trường dược phẩm nước ta sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, và lên đến 16,1 tỷ USD năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam. Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 đôla/người/năm vào năm 2020.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược lớn như Dược Hậu Giang, Dược Bình Định, Imexpharm, Pymepharco… tiến hành đầu tư nâng cấp nhà máy, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020, hứa hẹn sẽ tạo những bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nhập khẩu.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 100% các chuyên gia nhận định ngành Dược Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó gần 80% chuyên gia cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định ở mức từ 10-15%.

5 xu thế kinh doanh chính của ngành Dược

Hình 2: 5 xu thế kinh doanh chính của ngành Dược

 Nguồn: Vietnam Report

Mở rộng kênh OTC – bán hàng trực tiếp qua các hiệu thuốc

Tuy hiện tại kênh phân phối qua bệnh viện chiếm ưu thế, nhưng các doanh nghiệp đang dần chuyển đổi từ kênh ETC sang OTC do quy định mới về việc lựa chọn thuốc trúng thầu trong các bệnh viện lại là ưu tiên những loại thuốc có giá thấp. Việc phát triển kênh OTC sẽ giúp cho các doanh nghiệp củng cố được vị trí, đảm bảo được khả năng cạnh tranh trên thị trường và không bị ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách, chủ trương của ngành y tế.

Phát triển các chuỗi bán lẻ dược phẩm

Ngành bán lẻ dược phẩm đang được nắm giữ bởi các nhà thuốc riêng lẻ, chưa có thương hiệu nhưng với tiềm năng tăng trưởng hai con số đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, hoạt động ngoài ngành như Thế giới di động, FPT Retail, Nguyễn Kim… tham gia vào ngành trong lĩnh vực phân phối. Việc xây dựng chuỗi bán nhà thuốc GPP sẽ là xu hướng của tương lai, bởi mức sống của người dân ngày càng tăng sẽ dẫn đến thay đổi trong thói quen tiêu dùng một số bộ phận khách hàng, họ sẽ tìm đến những địa chỉ nhà thuốc đáng tin cậy, đáp ứng tiêu chuẩn để nghe tư vấn và mua thuốc. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình chuỗi cửa hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do thị trường phân mảng, thói quen tiêu dùng cũ của đại đa số người dân và đặc biệt là tạo cuộc cạnh tranh về giá với các hiệu thuốc nhỏ lẻ, khi mà các cửa hàng này thường nhập từ nơi không chính thống như chợ thuốc, nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong mở rộng thị trường dược phẩm trực tuyến

Với sự phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt trước xu thế của cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ như hiện nay, thị trường dược của Việt Nam đã xuất hiện các chuỗi nhà thuốc trực tuyến và những ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa tại nhà. Thị trường kinh doanh dược phẩm online có nhiều tiềm năng phát triển và tạo cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm online phát triển mô hình tư vấn và bán hàng qua mạng. 

M&A trong ngành Dược sẽ tiếp tục sôi động

Ngành Dược với tiềm năng tăng trưởng cao, trong khi có nhiều doanh nghiệp đang nằm trong diện tái cấu trúc, thoái vốn nhà nước, cùng với chính sách ưu tiên, ủng hộ hàng sản xuất trong nước đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Theo các chuyên gia trong ngành dược phẩm, xu hướng M&A trong ngành dược hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động hơn trong thời gian tới. Việc thực hiện M&A góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp mà còn mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, phát triển mạng lưới phân phối…

Phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm

Cùng với xu hướng tăng trưởng thu nhập của đại bộ phận dân cư thành thị, nhận thức về ngoại hình, sức khỏe ngày càng gia tăng, các sản phẩm có nguồn tự nhiên, thực phẩm chức năng (TPCN) và dược phẩm được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển và sẽ sớm chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số tiêu thụ Dược phẩm của Việt Nam trong 5-10 năm tới, tương tự như các nước phát triển thì các sản phẩm này chiếm 50-60% tổng thị trường OTC.

Top 6 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Dược Việt Nam

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong ngành Dược của Vietnam Report đã chỉ ra 6 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp gồm yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Hình 3: Top 6 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Dược Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành Dược – tháng 11/2019

Chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp là nhân tố bên trong mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất, chiếm 90,91%. Các doanh nghiệp Dược phải đối mặt với nhiều thách thức trong quản trị từ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Thách thức bên trong bao gồm các hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, quản lý sản xuất, thiếu hụt tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, thách thức lớn nhất đến từ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt bắt buộc phải tuân thủ tuyệt đối trong ngành Dược: GMP, GSP, GLP, GDP, USFDA 21 CFR, GAMP 5… Thách thức bên ngoài đến từ các đối thủ cạnh tranh, nhà sản xuất thuốc, các tổ chức chăm sóc sức khỏe, tổ chức y tế.

Yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Dược bao gồm: (i) Biến động giá nguyên đầu vào (81,82%); Các quy định chính sách quản lý về chất lượng và giá trong ngành Dược phẩm (81,82%); Cạnh tranh nội – ngoại và tâm lý người tiêu dùng (63,64%); Sự gia nhập của DN ngoài ngành thông qua M&A (36,36%); Hoạt động Branding của Doanh nghiệp (36,36%).

Biến động giá nguyên liệu

Ngành Dược Việt Nam vẫn bị phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 60.000 tấn nguyên liệu dược phẩm các loại, trong đó 80-90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành Dược chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn hàng cung cấp; thêm vào đó là chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ.

Từ giữa năm 2018, giá nhiều nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15% đến 80%, điều này khiến cho lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp giảm sâu. Có một số ít công ty tăng trưởng lợi nhuận trên 2 con số như công ty Dược phẩm TW3, OPC, Imexpharm, đều là những công ty đầu tư đẩy mạnh sản xuất thuốc nội và phát triển nguồn nguyên liệu.

Các quy định chính sách quản lý về chất lượng và giá trong ngành Dược

Các quy định chính sách quản lý về chất lượng và giá trong ngành Dược là yếu tố tác động mạnh tới kết quả hoạt động của ngành Dược bởi tính đặc thù ngành. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý để quản lý ngành dược quản lý của Nhà nước về giá thuốc, điều kiện kinh doanh thuốc… Tuy nhiên các quy định pháp lý về ngành chưa thay đổi kịp theo biến động của thị trường, đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện còn nhiều kẻ hở trong quản lý chất lượng, giá thuốc thuốc và quy trình đấu thầu thuốc tại các bệnh viện (kênh ETC). Dự thảo sửa đổi Thông tư 11/2016/TT-BYT về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế ban hành chậm chễ dẫn đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp từ thị trường ETC chưa đạt như kỳ vọng.

Cạnh tranh trong ngành Dược và tâm lý người tiêu dùng

Sức ép cạnh tranh trên thị trường dược cũng ngày càng gay gắt khi nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường dược. Tuy chất lượng của một số thuốc nội tương đương với thuốc ngoại, giá thành lại rẻ hơn nhưng người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn thuốc ngoại do hạn chế về công nghệ và nhân sự chất lượng cao. Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng quen sử dụng các sản phẩm cũ theo hướng dẫn của bác sĩ, ngại thay đổi sang các sản phẩm mới.

Doanh nghiệp Dược chưa thực hiện hoạt động truyền thông hiệu quả

Theo dữ liệu phân tích truyền thông của Vietnam Report trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến hết tháng 11/2018, chỉ 12,6% số doanh nghiệp dược có tần suất xuất hiện tối thiểu 1 lần/tháng, chủ yếu là các doanh nghiệp Dược đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hình 4: Tỷ lệ thông tin được mã hóa trên truyền thông của các doanh nghiệp Dược tại Việt Nam từ tháng 10/2018 đến hết tháng 10/2019

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp Dược năm 2018–2019

Xét về độ bao phủ thông tin (phân theo 24 nhóm chủ đề), Tài chính/ Kết quả kinh doanh và Cổ phiếu là 2 nhóm chủ đề được đề cập đến nhiều nhất, chiếm hơn 48,6% số lượng thông tin được mã hóa. Về chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực, chỉ 23% số doanh nghiệp đạt được tỷ lệ an toàn 10%.

Số liệu trên đây cho thấy mặc dù đã ý thức được vai trò của truyền thông, nhưng hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp Dược thực tế còn rất hạn chế. Là một ngành nhạy cảm liên quan đến sức khỏe, y tế, để người dân có thể hiểu đúng về dược phẩm, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các doanh nghiệp nên đầu tư hơn về mặt truyền thông, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển như hiện nay.

Top 4 yếu tố ảnh hưởng đến uy tín công ty Dược theo đánh giá của doanh nghiệp và dược sĩ

Đặc thù của ngành Dược là sản xuất các sản phẩm có tác động trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vậy nên việc xây dựng uy tín cho doanh nghiệp là yếu tố then chốt, có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng thương hiệu. Đánh giá của các doanh nghiệp Dược trong khảo sát của Vietnam Report chỉ ra dược sĩ và chuyên gia trong ngành Dược là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của một công ty trong ngành, tiếp đó là các nhà phân phối thuốc (63,64%); báo chí, truyền thông (63,64%); người bệnh, đối tượng sử dụng thuốc, dược liệu (54,55%); lãnh đạo, nhân viên cao cấp của công ty (54,55%). 

Hình 5: Top 4 yếu tố ảnh hưởng nhất đến uy tín của công ty trong ngành Dược theo đánh giá của các công ty Dược và dược sỹ

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành Dược và Dược sỹ - tháng 11/2019

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy chất lượng sản phẩm là yếu tố ảnh hướng nhất uy tín của của doanh nghiệp dược với 4,91 điểm (tính theo thang điểm 5) theo đánh giá của công ty Dược và 4,58 theo đánh giá của các dược sỹ. Ngoài ra, công ty tiềm lực tài chính, kết quả kinh doanh tốt cùng với việc tập trung vào mảng nghiên cứu cho ra đời sản phẩm dược phẩm mới, có dịch vụ phân phối và chăm sóc khách hàng tốt, chính sách giá hợp lý là những yếu tố mà các dược sỹ xem xét khi đánh giá công ty dược uy tín. Đối với doanh nghiệp dược khi khi đánh giá uy tín các doanh nghiệp trong ngành còn dựa trên khía cạnh môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt, nhân lực có chuyên môn cao.

Chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp Dược trong năm 2020

Với vai trò của công tác nghiên cứu và phát triển và hoạt động bán hàng, có 63,64% doanh nghiệp lựa chọn việc nghiên cứu sản phẩm thuốc mới và phát triển, mở rộng kênh OTC là chiến lược trong năm 2020. Ngoài ra, cũng có tới 45,45% doanh nghiệp lựa chọn xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn, lợi nhuận cao và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thuốc và 36,36% doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên, dược liệu, máy móc và dây truyền sản xuát thuốc.

Hình 6: Top 4 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp Dược năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành Dược – tháng 11/2019

Kiến nghị giải pháp nhằm phát triển ngành Dược Việt Nam

Các chuyên gia trong ngành Dược đã đưa ra nhóm 4 giải pháp trọng tâm để phát triển ngành Dược trong thời gian tới, bao gồm:

  1. Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động sản xuất và lưu thông phân phối thuốc, minh bạch hóa thông tin, quy trình đấu thầu thuốc tại các bệnh viện (kênh ETC), tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.
  2. Khuyến khích hoạt động đầu tư: Thu hút vốn, chuyển giao công nghệ… từ nước ngoài.
  3. Hỗ trợ phát triển nguồn nguyên dược liệu.
  4. Quản lý chặt chẽ thị trường Dược, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Ngành Dược Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư mở rộng, tăng công suất, hoạt động nghiên cứu và phát triển, các chiến lược marketing còn hạn chế. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh gay gắt với thuốc nhập khẩu, nguồn nguyên liệu bị phụ thuộc, chính sách còn nhiều bất cập là thách thức đối với các doanh nghiệp nhựa. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành Dược cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường công tác quản trị rủi ro đặc biệt là công tác dự trữ nguyên liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng nguồn nhân lực nhằm đạt được mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển của ngành và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2019 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp dược tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp dược được đăng tải trên các đầu báo, kênh có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019. Tổng số có 173 bài báo, với tương ứng 518 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Vietnam Report

  




Văn bản gốc