Tin tức

Trang chủ » » Top 3 ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và triển vọng phục hồi sau đại dịch

Top 3 ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và triển vọng phục hồi sau đại dịch

14/08/2022

Chuyên mục: Tin tức In trang

Trong báo cáo về Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021 do Vietnam Report công bố, suốt 5 năm qua, ngành Bất động sản - Xây dựng, ngành Tài chính và ngành Thực phẩm - Đồ uống vẫn luôn giữ vững vị trí là top 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Bảng xếp hạng PROFIT500.

PROFIT500: Top 3 ngành kinh doanh siêu lợi nhuận

Xuyên suốt giai đoạn 2017-2021, ngành Bất động sản - Xây dựng, ngành Tài chính và ngành Thực phẩm - Đồ uống luôn giữ vững vị trí là top 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Bảng xếp hạng PROFIT500 (Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam). Trong khi nhóm ngành Tài chính và ngành Thực phẩm - Đồ uống gần như ổn định và dao động quanh mức 10-11%, ngành Bất động sản - Xây dựng đã có bước nhảy vọt trong năm 2019 khi tăng mạnh từ 14,8% (năm 2018) lên mức 23,9% - chiếm gần 1/4 tổng số doanh nghiệp trong bảng, và con số này là 23,1% vào năm 2021.

Hình 1: Top 3 ngành chiếm tỷ trọng số lượng doanh nghiệp nhiều nhất trong Bảng xếp hạng PROFIT500

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 2017-2021 (Vietnam Report)

Đáng chú ý, giai đoạn 2020-2021, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 như một “cú sốc” làm đảo lộn các kịch bản kinh tế, gây gián đoạn cho mọi hoạt động và làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề, sụt giảm doanh số kinh doanh, mà còn dần tạo ra những thay đổi trong nhu cầu, phương thức và xu hướng tiêu dùng của con người. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự nỗ lực thích ứng, chuyển mình của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó sản xuất, xuất khẩu là điểm sáng nổi bật. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II/2022 là 7,72% – mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, góp phần thúc đẩy GDP 6 tháng tăng 6,42%. Tăng trưởng hai quý đầu năm nay cao hơn tốc độ tăng trưởng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và 5,74% của nửa đầu năm 2021.

Trong một báo cáo khác mới công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, mở ra nhiều triển vọng tươi sáng về khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Triển vọng phục hồi ngành sau đại dịch

Các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng ngành Bất động sản - Xây dựng có sự phát triển cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh.

Theo Reportlinker, thị trường Bất động sản toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng từ 3386,11 tỷ USD vào năm 2021 lên 3741,06 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,5%. Một nghiên cứu của Vietnam Report trước đó cho thấy xu hướng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc, trong đó phân khúc bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất; bên cạnh đó là sự phục hồi của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại.

Hình 2: Triển vọng tăng trưởng bất động sản theo phân khúc năm 2022

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp ngành Bất động sản (Vietnam Report, 2-3/2022)

Trong khi đó, thị trường Xây dựng - Vật liệu xây dựng Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027. Sự hỗ trợ từ các gói kích thích kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và việc tháo gỡ nhiều nút thắt trong các chính sách mang đến những tín hiệu tích cực, trở thành trợ lực giúp các doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng tăng tốc, chinh phục mốc son mới trong những năm tiếp theo.

Hình 3: Đánh giá môi trường kinh doanh một số phân khúc thị trường ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng (Vietnam Report, 2-3/2022)

Đối với lĩnh vực Tài chính, trải qua hơn hai năm đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã linh hoạt trong đổi mới hình thức kinh doanh và cách thức giao dịch nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng thời đại công nghệ số.

Triển vọng của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 được đánh giá khá tích cực, với 63,6% số chuyên gia và ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report dự báo tăng trưởng của ngành cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng nhẹ so với mức năm ngoái là 58,8%).

Hình 4: Triển vọng toàn ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước

Nguồn: Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và ngân hàng (Vietnam Report, 6/2020 - 6/2021 - 6/2022)

Nhận định về triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp Bảo hiểm lại thận trọng hơn. Theo nghiên cứu mới đây của Vietnam Report, phần lớn doanh nghiệp Bảo hiểm dự kiến tăng trưởng doanh thu ngành năm 2022 chỉ từ 10-14%, thấp hơn khá nhiều nếu so với mức tăng trưởng thực tế 24,98% trong năm 2021. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ tỏ ra khá thận trọng với các kế hoạch lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cho rằng tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn rất lớn.

Hình 5: Triển vọng tăng trưởng ngành Bảo hiểm trong năm 2022

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp Bảo hiểm tại Việt Nam (Vietnam Report, 6/2022)

Sau những tác động tiêu cực từ đại dịch kéo dài suốt hai năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Thực phẩm - Đồ uống đang dần hồi phục, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ, sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa và các kênh thương mại hiện đại đang chiếm 10-15% doanh thu F&B duy trì đà tăng trưởng mạnh. Tổ chức nghiên cứu Mordor Intelligence Inc dự báo ngành Thực phẩm - Đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.

Hình 6: Xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm thực phẩm - đồ uống sang kênh mua hàng trực tuyến

Nguồn: Tổng hợp người tiêu dùng thực phẩm - đồ uống (Vietnam Report, 8/2021)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, sẽ còn những thay đổi rất lớn về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do đó, không thể không nhắc tới sự đóng góp của những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã góp phần không nhỏ vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới và bình thường tiếp theo. Trải qua 5 năm nghiên cứu và công bố, PROFIT500 đã trở thành thương hiệu gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, là hành trình tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả với khả năng tạo lợi nhuận tốt và bền vững, là trụ cột của nền kinh tế nước nhà.

Năm 2022, những doanh nghiệp nào sẽ được vinh danh trong danh sách 500 doanh nghiệp tiêu biểu? Có thay đổi nào trong tốp dẫn đầu? Đón chờ Bảng xếp hạng PROFIT500 – Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam sẽ được Vietnam Report công bố vào tháng 9/2022.

 

  




Văn bản gốc