Tin tức

Trang chủ » » Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022

Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022

15/09/2022

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 15/09/2022, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Trải qua 6 năm công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận cao và bền vững, Bảng xếp hạng PROFIT500 đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc ghi nhận một cách xứng đáng đóng góp của những doanh nghiệp hàng đầu – rường cột phát triển của đất nước. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường, doanh nghiệp đứng trước bài toán giá cả và chi phí khi áp lực lạm phát ngày một gia tăng, ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ hơn bao giờ hết. Từ đó, Bảng xếp hạng PROFIT500 góp phần giới thiệu và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022 (Bảng 1)

Nguồn: Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 09/2022

Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022 (Bảng 2)

Nguồn: Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 09/2022

Thông tin chi tiết về Bảng xếp hạng và phương pháp xếp hạng được đăng tải trên website: www.profit500.vn.

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp từ góc nhìn PROFIT500

Hình 1: Top 3 ngành chiếm tỷ trọng số lượng doanh nghiệp nhiều nhất trong Bảng xếp hạng PROFIT500

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report trong giai đoạn 2017-2022

Trong những năm qua, Ngành Bất động sản – Xây dựng luôn giữ thứ hạng cao nhất trong Top các ngành chiếm tỷ trọng lớn về số lượng doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng PROFIT500 với tỷ trọng là 22,2%. Theo sau là hai nhóm ngành quen thuộc: ngành Tài chính và ngành Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá với tỷ trọng lần lượt là 13,7% và 10,7%. Đặc biệt với tỷ trọng 13,7% ở nhóm ngành Tài chính, đây được coi là mức tỷ trọng cao nhất trong 6 năm trở lại đây mà nhóm ngành này đạt được.

Hình 2: ROA bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500 theo khu vực kinh tế

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report trong giai đoạn 2019-2022

Nhìn vào biểu đồ thể hiện tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) bình quân trong giai đoạn 2019-2022, có thể thấy ở những giai đoạn trước các doanh nghiệp có mức độ hiệu quả khai thác tài sản tốt hơn so với hiện nay. Doanh nghiệp tại khu vực FDI luôn đạt giá trị ROA bình quân cao nhất trong giai đoạn này, tuy nhiên đây cũng là khu vực có sự sụt giảm mạnh nhất khi giảm từ mức 17,0% vào năm 2019 xuống mức 11,0% vào năm 2022. Đối với các doanh nghiệp Tư nhân, khu vực cũng không tránh khỏi xu hướng giảm, tuy vậy so với mức ROA bình quân năm 2021 khu vực này không có sự thay đổi khi vẫn giữ được nhịp ở mức 9,4%. Trong khi đó khu vực Nhà nước vẫn là nơi có ROA thấp nhất ở mức 7,8% năm 2022 và có xu hướng giảm dần qua các năm.

Hình 3: ROE bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500 theo khu vực kinh tế

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report trong giai đoạn 2019-2022

Với chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân giai đoạn 2019-2022, các doanh nghiệp FDI cho thấy một kịch bản tích cực khi vẫn duy trì vị trí dẫn đầu ở mức 27,7%. Đây cũng là mức cao nhất mà khu vực FDI đạt được trong giai đoạn 2019-2022. Kế tiếp là khu vực Tư nhân với mức ROE bình quân đạt 21,9%. Mặc dù có cải thiện đôi chút so với hai năm trước đó, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực Tư nhân hiện vẫn chưa quay trở về mức đỉnh 24,2% trước đại dịch. Trong khi cả 2 khu vực trên có sự gia tăng về chỉ số ROE bình quân thì khu vực Nhà nước lại có mức sụt giảm đáng kể từ mức 23,6% xuống còn 16,5% ở năm 2022 - mức thấp nhất trong 4 năm vừa qua. Như vậy, cả hiệu quả sử dụng vốn lẫn tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước thấp nhất trong 3 khu vực.

Kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022: Nỗ lực bứt phá trên con đường phục hồi gập ghềnh

Trái ngược với những lo ngại về sự chậm lại của kinh tế thế giới, số liệu thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu đã vượt mức trước đại dịch. Sự phục hồi này đạt được chủ yếu nhờ tăng trưởng vững chắc của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sang các thị trường xuất khẩu truyền thống. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm đạt 497,64 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13,6%. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, đặc biệt là đối với dịch vụ, cũng đóng góp tích cực vào tăng trưởng. Quy mô bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra đại dịch). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Biên giới quốc gia mở cửa trở lại vào tháng 3/2022 đang mang đến sự hồi sinh cho ngành du lịch, đem đến 1.440 nghìn lượt khách du lịch quốc tế trong 8 tháng đầu năm, tăng gấp 12,7 lần so với cùng kỳ. Những kết quả tích cực trong 8 tháng đầu năm tạo cơ sở giúp tăng trưởng quý III có sự bứt phá, từ đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm có thể dễ dàng đạt được.

Khảo sát các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam do Vietnam Report thực hiện trong tháng 8 vừa qua cũng ghi nhận sự phục hồi rất tích cực. Trên 2/3 số doanh nghiệp cho biết doanh thu đã quay trở lại hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát. Đáng chú ý, hoạt động quản lý chi phí của doanh nghiệp tỏ ra khá hiệu quả khi trong nhóm doanh nghiệp vượt và đạt mức doanh thu chỉ có khoảng 6,2% số doanh nghiệp chưa đạt mức lợi nhuận trước đại dịch.

Hình 4: Đánh giá kết quả kinh doanh hiện tại so với trước đại dịch

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 08/2022

Có thể thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp PROFIT500 nói riêng đã và đang thể hiện bản lĩnh vững vàng trên con đường phục hồi kinh tế sau đại dịch. Điều đáng nói ở đây là con đường phục hồi này còn khá nhiều chông gai, thách thức. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra những thách thức hàng đầu mà doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay như sau.

Hình 5: Top 6 khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 08/2022

Hơn 2/3 doanh nghiệp cho biết Áp lực lạm phát đang có xu hướng gia tăng và Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới là những khó khăn lớn nhất mà họ đang phải đối mặt, tiếp theo là Gián đoạn do dịch bệnh gây ra (61,5%), Đứt gãy chuỗi cung ứng (53,9%), Sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp (48,1%) và khó khăn về Thiếu nhân lực sản xuất (40,4%).

Bài toán tăng trưởng lợi nhuận trước áp lực tăng giá đầu vào

Áp lực tăng giá của đầu vào sản xuất đang đặt ra các nguy cơ, thách thức mới cho các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế Việt Nam trong việc thúc đẩy sự gia tăng sản lượng ở cấp độ vi mô cũng như việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới góc độ vĩ mô. Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 96,1% doanh nghiệp hiện đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất, đặc biệt, cường độ áp lực tại 1/3 số doanh nghiệp này đang ở mức rất cao. Các khoản gia tăng chi phí sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tháng cuối năm bao gồm:

  • Lãi suất: Do áp lực của lạm phát nên nhìn chung mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Điều này không những làm giảm khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp mà còn làm gia tăng tình trạng thua lỗ, phá sản. Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi tháng có 13 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao trên thế giới (tính đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn vì với mặt bằng lãi suất gia tăng như hiện nay, nhiều khả năng các khoản vay sẽ trở thành nợ xấu trước làn sóng phá sản của doanh nghiệp. Số liệu thống kê này đã phần nào phản ánh sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho một số ngân hàng, khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực sản xuất, từ đó giảm được phần nào sức ép từ chi phí lãi vay của doanh nghiệp.
  • Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam (VND) với USD đang trong xu thế nhích lên đã tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh đồng USD vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thanh toán quốc tế. Tình trạng thua lỗ do tỷ giá hối đoái sẽ diễn ra tại nhiều doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài bằng đồng USD. Tỷ giá hối đoái gia tăng là rủi ro làm gia tăng chi phí của các nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.
  • Giá xăng dầu: Nhìn chung, giá xăng dầu càng tăng mạnh thì lợi nhuận của doanh nghiệp càng bị bào mòn và sản xuất kinh doanh sẽ giảm tốc trên toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhìn từ góc độ tổng cầu, giá xăng dầu gia tăng cũng làm cho tổng cầu sụt giảm khi mà người dân phải thắt chặt chi tiêu để đối phó với sự gia tăng của mặt bằng chi phí sinh hoạt, qua đó làm tình hình bán hàng của doanh nghiệp bị chậm lại. Do đó, giá xăng dầu tăng là nguy cơ cho chi phí sản xuất trong các tháng tiếp theo của nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá dầu tăng còn làm gia tăng nguy cơ giá điện, xi măng cũng sẽ tăng lên trong giai đoạn tới.
  • Chi phí logistics trên thị trường quốc tế: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng cao. Chi phí logistics, vận tải trên thị trường quốc tế cũng đang ngày càng gia tăng đang tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra thị trường thế giới. Thị trường lân cận chúng ta là Trung Quốc hiện vẫn đang chịu áp lực nặng nề từ đại dịch COVID-19, còn các thị trường xuất khẩu chủ lực như EU và Bắc Mỹ ở cách xa. Theo đó, chi phí logistics và vận tải trên thị trường quốc tế đã bào mòn dần lợi nhuận của cộng đồng doanh nghiệp trong cả kênh trực tiếp và gián tiếp.
  • Mặt bằng Thuế: Trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế trong bối cảnh đang diễn ra các tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn học thuật về nhiều điểm cần xem xét lại của mặt bằng thuế hiện hành tại Việt Nam. Nếu mặt bằng thuế không có sự điều chỉnh theo thực trạng nền kinh tế thì rất có thể kéo giảm động lực tăng trưởng vĩ mô cũng như bào mòn sức cầu ở khu vực sản xuất vi mô và như vậy kinh tế vĩ mô sẽ lâm vào tình trạng tăng trưởng trầm lắng kéo dài.

Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, áp lực tăng giá trên được dự báo sẽ kéo dài tới hết năm 2023 (với 45,5% số doanh nghiệp). Chi phí đầu vào tăng sẽ bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, để có thể hoàn thành các chỉ tiêu của năm tài chính 2022 và các kế hoạch ngắn – trung hạn đã được lập trước đó, các doanh nghiệp cần phải đưa ra những chiến lược đúng đắn, linh hoạt và kịp thời. Trong đó, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động (69,6%) là giải pháp ưu tiên để tăng trưởng lợi nhuận trong những tháng cuối năm, tiếp theo là Nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới (60,9%). Ngoài ra những chiến lược như Cắt giảm chi phí; Tăng cường các hoạt động PR, thực hiện trách nhiệm xã hội; Ứng dụng chuyển đổi số một cách toàn diện được 52,2% doanh nghiệp chú trọng thực hiện nhằm gia tăng lợi nhuận.

Hình 6: Top 5 chiến lược phát triển trong những tháng cuối năm

Nguồn: Tổng hợp Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 8/2020, 8/2021 và 08/2022

Khảo sát của Vietnam Report ghi nhận sự gia tăng trong mức độ ưu tiên cho chiến lược về nhân sự (HR) và nghiên cứu phát triển (R&D). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chiến lược cốt lõi xuyên suốt và có xu hướng tăng đều trong 3 năm gần đây. Điều này được lý giải bởi đây là yếu tố quyết định đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nếu nhìn lại Top 6 khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp đang đối mặt (Hình 5), chỉ có Thiếu hụt nhân sự chất lượng cao là yếu tố bên trong mà doanh nghiệp có thể chủ động cải thiện, còn 5 khó khăn còn lại đều là yếu tố bên ngoài, là điều kiện khách quan mà doanh nghiệp chỉ có thể ứng phó. Nhìn từ góc độ vĩ mô, theo World Bank, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất lao động ở mức 2-3% mỗi năm, và chìa khóa để nâng cao năng suất lao động cạnh tranh chính là đầu tư vào giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới có sự chững lại ở năm 2021 nhưng đến năm 2022 đã được quan tâm và quay trở lại. Việc tập trung chiến lược đầu tư vào R&D giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh nhất là trong thời đại hội nhập thế giới như hiện nay. Ba chiến lược còn lại tuy có xu hướng giảm so với năm 2021 nhưng nhìn chung vẫn giữ được đà tăng khi so sánh với năm 2020. Các doanh nghiệp có thể phát huy tối đa lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải và tích hợp các mô hình quản lý kho vận tiên tiến nhằm tiết giảm tối đa chi phí, song song với đó là gia tăng hiệu quả của hoạt động vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần chủ động “thắt lưng, buộc bụng” để giảm thiểu chi phí sản xuất thông qua tinh gọn bộ máy. Việc cắt giảm chi phí này cần tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới do giá xăng dầu là yếu tố thuộc môi trường vĩ mô (nằm ngoài khả năng chi phối của doanh nghiệp).

Triển vọng lợi nhuận năm 2022: lạc quan trong tầm tay

Bên cạnh những khó khăn, thách thức trên, bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định đến từ việc kiểm soát lạm phát tương đối ổn định, duy trì nền lãi suất ở mức thấp, các gói hỗ trợ chính sách, đặc biệt là việc nới room tín dụng gần đây đang tỏ ra hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế. Từ phía doanh nghiệp, những chiến lược thích ứng linh hoạt, kịp thời cũng đã phần nào giải tỏa áp lực tăng giá đầu vào, đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra. Gần 74% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho biết họ đã hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận của năm tài chính 2022, trong số đó, 2/5 số doanh nghiệp đã đạt trên 80% kế hoạch lợi nhuận. Với kết quả tích cực trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở lạc quan về triển vọng kinh tế và khả năng sinh lời cả năm 2022.

Ở góc độ vĩ mô, với những thành tựu bứt phá trong tháng 8 vừa qua, triển vọng tăng trưởng Quý III và cả năm của Việt Nam đang trở lên lạc quan hơn nhiều so với những dự báo đầu năm. Trong báo cáo mới nhất, World Bank dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt 7,5% trong cả năm 2022, cải thiện đáng kể so với mức 5,5% công bố vào tháng 1/2022. Theo khảo sát của Vietnam Report, 78,3% doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng từ 5%-6,5%, đây là mức dự báo an toàn bởi mức tăng trưởng cả năm còn phụ thuộc vào 2 quý còn lại của năm 2022, với những áp lực đến từ tăng giá đầu vào cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng và bất ổn chính trị trên thế giới. Khảo sát cũng cho thấy 73,9% số doanh nghiệp tỏ ra lạc quan ở mức vừa phải về triển vọng khả năng sinh lời trong năm nay.

Hình 7: Triển vọng kinh tế năm 2022 từ góc nhìn doanh nghiệp PROFIT500

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 08/2022

Trong bối cảnh kinh tế mới tiếp theo, các doanh nghiệp dự báo các ngành sẽ tăng trưởng trong 1-2 năm nữa bao gồm: Vận tải/Logistics, Du lịch/Giải trí, Tài chính/Ngân hàng, Bán lẻ, Dược phẩm/Y tế, Công nghệ thông tin/Viễn thông. Lợi nhuận của 2/3 nhóm ngành kể trên đã quay trở lại mức trước đại dịch nên không khó hiểu khi những nhóm ngành này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Ngành Du lịch/Giải trí bị đóng băng trong gần 2 năm chịu tác động của COVID-19, mặc dù hiện tại chưa quay trở lại với mức trước đại dịch nhưng được 47,3% doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng trong vòng 1-2 năm tới. Công nghệ thông tin/Viễn thông, dù tăng trưởng tốt trong đại dịch đi cùng với thành tựu của công cuộc chuyển đổi số, nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại do rủi ro lạm phát và suy thoái tại các nền kinh tế lớn (Mỹ, Châu Âu) có thể hạn chế nhu cầu về phần mềm toàn cầu.

Hình 8: Top 6 ngành tiềm năng tăng trưởng trong 1-2 năm tới

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 08/2022

Những giải pháp tháo gỡ khó khăn của chính phủ dành cho doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 8/2022, cộng đồng doanh nghiệp PROFIT500 đã nêu ra 5 vấn đề quan trọng nhất cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn bao gồm: (1) Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên không gian số; (2) Hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí hoặc gia hạn nộp thuế; (3) Ổn định kinh tế vĩ mô; (4) Tạo điều kiện tối đa trong tiếp cận các gói hỗ trợ; và (5) Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính.

Hình 9: Top 5 kiến nghị của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn

Nguồn: Tổng hợp Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 8/2020, 8/2021 và 08/2022

Từ đồ thị trên có thể thấy sự gia tăng trong tính cấp thiết của các kiến nghị liên quan đến chuyển đổi số, chính sách về thuế và cải cách thủ tục hành chính so với năm 2021, trong đó nhu cầu tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính ghi nhận mức gia tăng đáng kể so với năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị Hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp có xu hướng giảm nhẹ trong năm 2021 và tăng trở lại trong năm 2022. Kiến nghị liên quan đến Ổn định kinh tế vĩ mô mặc dù có giảm so với năm 2021 nhưng được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn so với năm 2020. Trong bối cảnh nỗi lo về lạm phát đang gia tăng sẽ tạo nên áp lực tỷ giá hối đoái dẫn đến tiền Việt Nam đồng bị mất giá, việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng phải quyết liệt vừa gắn với chương trình phục hồi và phải rất khéo léo để ổn kinh tế vĩ mô.

 

Vietnam Report

Theo VietNamNet

  




Văn bản gốc