Trái phiếu chính phủ có tiếp tục đắt hàng?
Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) trong 6 tháng đầu năm nay diễn biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình nửa cuối năm có nhiều ẩn số, trong đó có tác động của Brexit. Thời gian gần đây, ngân hàng đã tăng cường sử dụng công cụ nợ bằng cách phát hành các loại giấy tờ có giá có kỳ hạn, bao gồm cả trái phiếu.
Vậy TPCP đắt hàng do đâu?
Diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, cũng như các biến động về lãi suất, tỷ giá, chính sách tiền tệ… trong 6 tháng đầu năm nay đã giúp sức cầu trên thị trường trái phiếu tăng mạnh, nhất là TPCP. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh. Đầu tiên là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 20/6 đạt 6,2% (thấp hơn so với 6,28% cùng kỳ năm ngoái), cách khá xa so với mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 18-20%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng ước đạt 9%, đã giúp các ngân hàng thương mại, vốn là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường TPCP hấp thụ tốt TPCP trên thị trường sơ cấp.
Chủ trương ổn định và giảm mặt bằng lãi suất của Chính phủ, xu hướng giảm lãi suất thực tế trên thị trường liên ngân hàng, cùng với diễn biến ổn định của tỷ giá đã làm tăng nhu cầu đầu tư TPCP, vì lãi suất giảm thì giá TPCP tăng lên. Mặt khác, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 đã giúp các ngân hàng thương mại nhà nước có thêm dư địa để đầu tư, kinh doanh TPCP, khi nới room cho các tổ chức này được đầu tư TPCP từ mức 15% lên 25% so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước đó.
Mặt khác, sự tham gia của các công ty bảo hiểm, nhất là việc mua vào đáng kể các loại TPCP có kỳ hạn dài trên 10 năm, cũng đã giúp cải thiện sức cầu cho thị trường, đồng thời dần đa dạng đối tượng nhà đầu tư TPCP.
Diễn biến thị trường sôi động
Bên cạnh hoạt động tiền gửi quen thuộc, trái phiếu là một trong những loại giấy tờ có giá giúp ngân hàng có thể gọi vốn trong thời gian ngắn (so với việc huy động từ người dân), với mức lãi suất được xác định trước. Từ năm ngoái đến nay, nhiều ngân hàng đã liên tục huy động vốn từ việc phát hành các loại giấy tờ có giá. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, chẳng hạn, năm nay dự kiến phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá 4.000 tỉ đồng, trong khi năm ngoái đã phát hành giấy tờ có giá lên đến 2.000 tỉ đồng. Tương tự, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) gần đây đã thông qua phương án phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kèm chứng quyền, trong khi năm ngoái NCB đã huy động 200 tỉ đồng.
Không chỉ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và NCB, theo thống kê của NCĐT ở 14 ngân hàng thương mại, tổng giá trị giấy tờ có giá mà các ngân hàng này phát hành thêm trong năm 2015 đã tăng gần 85.000 tỉ đồng, tức tăng gấp 2,4 lần so với năm trước đó. Trong số này, đóng góp đáng kể là BIDV và VietinBank, lần lượt tăng hơn 3 lần và 4 lần. Còn ở khối tư nhân, VPBank là ngân hàng có quy mô phát hành giấy tờ có giá lớn nhất, tương đương với VietinBank. VPBank cũng là ngân hàng có truyền thống phát hành trái phiếu từ trước đến nay. Năm nay, quy mô phát hành giấy tờ có giá của VPBank tăng đến 76%. Các ngân hàng tư nhân khác cũng không kém cạnh là HDBank và SHB với quy mô tăng gấp đôi.
Trong khi cổ phiếu ngân hàng đang bị “thất sủng”, khiến ngân hàng khó huy động vốn qua sàn thì việc phát hành trái phiếu có thể thu về dòng tiền phục vụ cho mục đích tăng vốn một cách thuận lợi, mà không phải chịu áp lực pha loãng cổ phiếu. Vietcombank gần đây đã quyết định sẽ phát hành trái phiếu để tăng vốn, dù chưa có kế hoạch cụ thể.
Sự sôi động trên thị trường sơ cấp cũng tạo sức lan tỏa trên thị trường thứ cấp. Theo số liệu của VBMA, 6 tháng đầu năm, doanh số giao dịch TPCP bình quân đạt gần 3.000 tỷ đồng/phiên đối với giao dịch thông thường (outright), tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Từ câu chuyện ngân hàng phát hành trái phiếu có thể nhìn rộng ra vấn đề lãi suất. Theo báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 và dự báo 6 tháng cuối năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng thương mại nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn.
Nguyễn Trung
Tổng hợp