Tư duy sẽ ở đâu trong “cơn lũ” công nghệ?
Chưa bao giờ chúng ta thấy những tin về chủ đề công nghệ lại “ồ ạt” kéo tới đến vậy trên khắp các bài viết, bản tin, phóng sự... bởi cuối cùng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra ở Việt Nam. Nhưng tư duy – thứ đã tạo ra những công nghệ này và mang đến cơ hội làm chủ cuộc cách mạng cho con người – lại đang ở đâu?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng hơn bất kì một cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đó. Tại thời điểm này, tuy khó có được một định nghĩa chính xác về cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trong quan điểm của nhiều người thì nó đã gắn liền với công nghệ: Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ nano, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học... Những chủ đề như vậy xuất hiện với tần suất không nhỏ trên khắp các mặt báo, chương trình nhắc tới cuộc cách mạng công nghiệp mới. Vậy thứ đã giúp con người luôn giữ được vị thế làm chủ – tư duy – sẽ ở đâu trong “cơn lũ” công nghệ ồ ạt này?
Công nghệ có tạo ra cảm giác dựa dẫm?
Jorge Becerra – đối tác cao cấp và là Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Tư vấn Boston, một trong ba công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới – khẳng định: “Cách mạng kĩ thuật số không phải về công nghệ, đó là về con người”. Khi những chuyển đổi trong hoạt động của các ngành công nghiệp tại các quốc gia tiếp tục diễn ra dưới sự dẫn dắt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sự cạnh tranh trên thị trường trở nên ngày càng gay gắt. Điều gì sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho các ngành công nghiệp? Sự áp dụng các phát minh công nghệ mới? Đúng, nhưng chưa đủ.
Con người và công nghệ. Nguồn: Reuters/Guadalupe Pardo.
Tốc độ phát triển của công nghệ và khả năng ứng dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất của chúng đã vô tình tạo ra sự lệ thuộc cho con người. Đối với một đất nước mà lao động là nguồn tài nguyên dồi dào trong khi năng suất kinh tế còn thấp như Việt Nam, chắc chắn công nghệ sẽ chiếm giữ vị trí quan trọng, từ dây chuyền sản xuất, thiết kế đến phân phối ra thị trường. Và nhiều người sẽ trở nên có xu hướng dựa dẫm vào công nghệ nhiều hơn, bởi thực tế, nó đang dần làm thay cho con người mọi việc, kể cả lao động trí óc hay lao động chân tay.
Nhìn lại những gì đã diễn ra trong ba cuộc cách mạng công nghiệp trước, xã hội loài người đã lần lượt trải qua những lần cách mạng về cơ giới hóa sản xuất, dây chuyền sản xuất hàng loạt hay gần nhất là tự động hóa sản xuất. Nhưng rồi cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 vẫn xảy ra trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, 3.0 là trên nền tảng 1.0 và 2.0, còn 4.0 lại trên nền tảng của cuộc cách mạng trước đó. Tính kế thừa vẫn có, bằng chứng là chúng ta không thể phủ nhận những đóp góp to lớn của những tiến bộ ấy trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và nền văn minh nhân loại. Nhưng quy luật tất yếu là các cuộc cách mạng vẫn dần bị thay thế. Một thời điểm thích hợp nào đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta đang bắt đầu trải qua sẽ đứng trước báo hiệu về cuộc cách mạng công nghiệp 5.0?
Rõ ràng, lối tư duy thụ động trước các cuộc cách mạng trong công nghiệp sẽ khiến các nền kinh tế đánh mất cơ hội đương đầu và tiếp nhận một khả năng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tư duy con người sẽ ở đâu?
Khó có thể nói rằng tư duy của chúng ta nên được đề cao ở mức phía trên hoặc phía trước của làn sóng công nghệ. Bởi không phải ai cũng là Eric Drexler, Carlo Montemagno hay Mark Zuckerberg... Hơn nữa, suy cho cùng, mục đích của những tiến bộ công nghệ – kĩ thuật chính là nhằm phục vụ cuộc sống của con người một cách tốt hơn, đáp ứng những nhu cầu về vật chất và tinh thần của họ một cách đầy đủ hơn – tức họ chính là “số đông”, những con người chưa có khả năng phát minh ra các loại sản phẩm, dịch vụ như thế.
Nói như vậy để hiểu rằng, chúng ta đang sở hữu nhiều bộ não thông minh tuyệt vời – những bộ não tập trung ở thung lũng Silicon và một số nơi khác trên thế giới; nhưng nhiều hơn thế hàng ngàn, hàng triệu lần lại chính là khách hàng của những sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại. Không phải tất cả mọi người đều có chỉ số thông minh vượt trội – chưa nói đến “thiên tài”; cũng như không phải ai – kể cả những con người thông minh đó – có thể luôn luôn xuất sắc. Hầu hết chúng ta thực ra chỉ là những con người bình thường hưởng thụ giá trị công nghệ nói riêng và cả những lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục...
Vậy nên tư duy của số đông mọi người rất khó để xếp ở phía trước hay phía trên sự phát triển của công nghệ. Nhưng làm cho nó có khả năng làm chủ công nghệ – tức tối đa hóa số người bình thường chủ động tiếp cận và sử dụng công nghệ hiệu quả hơn – lại là bài toán rất thú vị dành cho những nhà quản trị trong các doanh nghiệp hiện nay. Để làm được điều này, trước hết, cần phải có những tư duy mới về vai trò của con người trong cuộc cách mạng lần thứ tư và làm thế nào để số đông nhân viên bình thường có thểđem lại hiệu quả cao hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu mới đây của Vietnam Report, hướng tới sự đổi mới và cách tân đang là chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp lớn Việt Nam (85.7%); theo sau là chiến lược tối đa hóa nguồn vốn con người (77.1%)... Như vậy, nhận thức về vai trò của đổi mới – trong đó có đổi mới tư duy – trước những thay đổi mang tính toàn cầu của nền kinh tế và xã hội đang dần có hình hài rõ ràng hơn trong cộng đồng doanh nghiệp; bước quan trọng tiếp theo là điều đó cần được triển khai thế nào cho phù hợp với mô hình kinh doanh.
Chiến lược các doanh nghiệp hiện đang thực hiện để đối phó với những thay đổi mang tính toàn cầu của nền kinh tế và xã hội. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp tăng trưởng và thịnh vượng Việt Nam do Vietnam Report thực hiện tháng 4-5/2017.
Việt Nam là quốc gia “đi sau” so với nhiều nước phương Tây trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này giúp chúng ta có cơ học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, nhưng cũng đồng thời tạo ra khoảng cách chênh lệch về sự phát triển giữa nước ta cùng những quốc gia phát triển khác. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và qua nhiều hội thảo đã diễn ra xoay quanh chủ đề cuộc cách mạng mới này, nếu không có sự đổi mới tư duy trong lãnh đạo và quản lí thì khoảng cách này sẽ có thể chênh nhau nhiều nữa. Đổi mới tư duy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt là làm chủ công nghệ, mà còn để hoàn thành mục tiêu dài hạn là xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân lực có hiệu quả hơn.
Làm thế nào để tư duy hiệu quả trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng nhanh chóng và phức tạp? Tư duy thế nào cho phép mỗi người vượt qua ngưỡng giới hạn của bản thân để đạt được thành công? Quản trị thế nào mới thực sự phù hợp để đưa số đông những nhân viên trong tổ chức đạt được hiệu suất cao hơn? Tất cả sẽ được một trong những chuyên gia có ảnh hưởng hàng đầu thế giới về lãnh đạo và quản lí, nhà tiên phong trong quản lí dựa trên hệ thống toàn diện và hiện đại nhất – GS. Fredmund Malik phân tích và trình bày trong buổi thuyết giảng với chủ đề “Cuộc Chuyển đổi Vĩ đại Thế kỉ 21 và chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam” tại Hội nghị thường niên CEO Summit lần thứ 10 do Vietnam Report tổ chức ở Khách sạn Sheraton, Hà Nội vào ngày 18/7/2017 tới đây. |
Thanh Huyền
Vietnam Report