Tin tức

Trang chủ » » Từ tốt đến vĩ đại: cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Từ tốt đến vĩ đại: cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

02/02/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Để trở thành doanh nghiệp xuất sắc, trước hết phải trở thành doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, khoảng cách từ một doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp xuất sắc và vĩ đại là không nhỏ. Vậy cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt trở thành những doanh nghiệp vĩ đại?

Tất cả các nước trên thế giới đều có những doanh nghiệp lớn, nhưng chỉ một số nước có những doanh nghiệp vĩ đại. Cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại" của Jim Colins đã và đang gây sự chú ý trong giới doanh nhân và các nhà quản lý trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Theo Jim Colins, một công ty được coi là vĩ đại trước hết phải có một giai đoạn phát triển nhảy vọt trong 1-2 năm, và tiếp theo một giai đoạn tăng trưởng tích luỹ ít nhất 15 năm với lợi nhuận tích luỹ cao hơn thị trường chung ít nhất 3 lần.

Có thể lấy ví dụ của Abbott, Gillette, Philip Morris như những công ty vĩ đại. Theo chúng tôi, những công ty như General Electric, Intel, Wal-Mart, Walt Disney, Nokia, Sony, Honda…cũng phải được gọi là những công ty vĩ đại vì những đóng góp của các công ty đó đối với sự phát triển của nhân loại.

Khi tuyển chọn các công ty phát triển nhảy vọt và coi đó là dấu hiệu của sự vĩ đại, Jim Colins đã đưa điều kiện là các công ty này phải có mặt trong Danh sách Fortune 500 – danh sách các công ty hàng đầu của Mỹ được xếp hạng dựa theo doanh thu hàng năm.

Lựa chọn những công ty vĩ đại từ những công ty hàng đầu chắc chắn sẽ dễ dàng hơn vì các công ty này đã thoả mãn một số tiêu chí cơ bản.

Collins và nhóm nghiên cứu khám phá điều gì đã biến đổi một công ty từ tầm thường trở thành xuất sắc và đạt được sự xuất sắc lâu dài như thế nào. Tác giả đã đưa ra những phát hiện gây ngạc nhiên về những công ty vĩ đại với những “bí quyết” tạo nên những bước thành công nhảy vọt và trường tồn qua thời gian. Những “bí quyết” này hoàn toàn không giống như, thậm chí có lúc trái ngược với những gì mà lâu nay người ta vẫn tưởng về nguồn gốc của sự thành công hay thất bại ở một công ty.

Ở Việt Nam chưa có những doanh nghiệp vĩ đại. Jim Collins đang nói về những doanh nghiệp từ “tốt” chuyển lên thành “xuất sắc” (good to great), trong khi đa số các doanh nghiệp lớn Việt Nam chỉ mới đang ở trong tình trạng “tầm tầm” (something), thậm chí “chưa là gì” (nothing) so với thế giới.

Bí quyết để xây dựng doanh nghiệp xuất sắc không chỉ là vấn đề kinh doanh, mà trước hết nó là vấn đề nhân bản. Mỗi công ty đều có hai sứ mệnh chính, đó là "sứ mệnh kinh doanh" và "sứ mệnh tinh thần". Mục đích kiếm tiền không phải là sứ mệnh có tính thuyết phục cao và bền vững. Đồng tiền một mình nó không thể đem lại những ham muốn mãnh liệt để hình thành các doanh nghiệp xuất sắc.

Cần có tham vọng của những người lãnh đạo công ty, trên hết là vì công ty và lo lắng cho sự thành công của công ty hơn cho sự giàu có của cá nhân hay danh tiếng của bản thân. Sứ mệnh tinh thần của Henry Ford là muốn sản xuất ôtô cho quảng đại quần chúng, không chỉ riêng cho người giàu.

Cùng với Ford, hàng triệu người Mỹ những năm 30 đã có thể sử dụng ô tô như vật dụng sinh hoạt bình dân. Với ông chủ của các doanh nghiệp lớn Việt Nam, chính sứ mệnh tinh thần mới là động lực chính thúc đẩy họ biến đổi doanh nghiệp của mình từ lớn trở thành xuất sắc hoặc vĩ đại.

Để trở thành doanh nghiệp xuất sắc, trước hết phải trở thành doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp xuất sắc và vĩ đại là khổng lồ. Tại Việt Nam, vấn đề sở hữu đang là cản trở để lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đưa doanh nghiệp mình trở thành doanh nghiệp xuất sắc hoặc vĩ đại. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp rất thành công nhưng trở ngại chủ yếu vẫn là vấn đề cơ chế, chính sách và năng lực, quy mô – dù người chủ doanh nghiệp có tham vọng đưa doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp vĩ đại nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện thực hiện tham vọng ấy.

Có ý kiến cho rằng người chủ doanh nghiệp tỉnh táo cần biết chọn lựa giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp mình, không nhất thiết phải hoà nhập một cách khiên cưỡng vào những tư tưởng vĩ đại, nhưng quá xa lạ với hoàn cảnh riêng của doanh nghiệp mình.

Theo chúng tôi, lãnh đạo doanh nghiệp cần có tham vọng lớn mới có thể đưa doanh nghiệp phát triển lên những tầm cao mới. Không thể phủ nhận vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp với tham vọng, ý chí và sự khiêm nhường. Lãnh đạo doanh nghiệp nhảy vọt thường có sự điềm tĩnh che giấu quyết tâm cao độ, cống hiến hết mình để đưa doanh nghiệp tiến lên mà không hề nghĩ đến những gì được nhận lại.

Để vượt lên từ lớn đến vĩ đại đòi hỏi phải vượt qua được trở ngại về năng lực nhưng vấn đề quan trọng không kém là vấn đề chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải chọn một lĩnh vực làm trọng tâm và trở thành doanh nghiệp tốt nhất trong lĩnh vực đó. Theo Jim Collins, các công ty nhảy vọt hiểu rằng nếu tiếp tục làm như những gì mình làm tốt thì mãi vẫn chỉ đạt mức tốt.

 

Tập trung vào điều gì có tiềm năng làm tốt hơn bất cứ doanh nghiệp nào khác mới là con đường đưa đến vĩ đại. Trên thực tế ở Việt Nam, các doanh nghiệp hàng đầu đang loay hoay theo hướng kinh doanh đa ngành nghề, gió chiều nào theo chiều ấy mà chưa tập trung và xác định việc kinh doanh cốt lõi (core business) của mình.

Điều an ủi đối với các doanh nghiệp Việt Nam rút ra từ kinh nghiệm của các công ty vĩ đại của Mỹ là không nhất thiết phải hoạt động trong một ngành công nghiệp vĩ đại mới tạo dựng được kết quả vĩ đại mà bền vững và một công ty nhảy vọt trung bình cần 4 năm để tìm ra chiến lược, tìm ra lĩnh vực mà họ đam mê.

Cần phải nhìn nhận rằng bên cạnh các yếu tố kể trên, công nghệ chính là bàn đạp để các doanh nghiệp nhảy vọt và trở nên vĩ đại. Năm 1865 Nokia được thành lập với tư cách là công ty chuyên sản xuất giấy và bột giấy, sau đó phát triển thành công ty sản xuất giấy, cao su và đồ điện tử. Năm 1990 Nokia quyết định chỉ tập trung vào kinh doanh công nghệ số - công nghệ viễn thông di động và đã tuyển dụng 13.000 nhân viên trong nghiên cứu và phát triển.

Hiện tại có thể nói các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú ý hoặc chưa có điều kiện để đầu tư phát triển công nghệ. Kinh nghiệm cho thấy không có công ty nhảy vọt nào bắt đầu quá trình chuyển đổi bằng việc trở thành tiên phong công nghệ, tuy nhiên phải trở thành tiên phong trong việc áp dụng công nghệ một khi không nghệ này phù hợp với chiến lược phát triển của công ty.

Tìm hiểu một số nguyên nhân tạo ra bước nhảy vọt của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp trở nên xuất sắc, chúng ta dễ dàng giải thích tại sao ở Việt Nam chưa có những doanh nghiệp vĩ đại nhưng qua đó, chúng ta vẫn có quyền hy vọng một ngày nào đó, Việt Nam cũng có những công ty sánh ngang tầm thế giới. Từ lớn đến vĩ đại là một khoảng cách thật xa, nhưng tại sao lại không có quyền hy vọng?

TS Phạm Trí Hùng

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;