Tin tức

Trang chủ » » Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng

15/08/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Kinh tế vĩ mô Việt Nam đã khá ổn định trong 3 năm trở lại đây, với lạm phát được duy trì ở mức thấp, tỷ giá được kiểm soát, chính sách lãi suất phù hợp, từ đó đã giúp nâng cao vị thế VND và giảm dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định

Đến năm 2020, duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm; giảm thâm hụt NSNN xuống 3,5-4% GDP; giảm nợ công xuống mức dưới 62% GDP; và củng cố dự trữ ngoại hối lên khoảng 5 tháng nhập khẩu. Đây là mục tiêu đến năm 2020 được đưa ra tại dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng.

Từ mức đỉnh cao 18,13% vào năm 2011, lạm phát đã được kiểm soát và giảm nhanh về mức 6,81% trong năm 2012, 6,04% trong năm 2013, tiếp tục xuống mức 1,84% trong năm 2014 và chạm đáy 0,6% trong năm 2015 vừa qua. Với mục tiêu xuyên suốt ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ thận trọng, theo đó đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý đã góp phần kiểm soát và hạ nhiệt lạm phát từ năm 2012 đến nay.

Trong khi đó, VND sau khi bị phá giá đến 10% chỉ trong năm 2011 đã được kiểm soát khá tốt từ đó đến nay. So với thời điểm cuối năm 2011, tỷ giá hiện tại chỉ tăng khoảng 5% trong vòng bốn năm rưỡi qua. Đây được xem là mức khá ổn định nếu so với sự biến động mạnh của các đồng tiền khác trên thế giới trong bối cạnh tăng giá mạnh của đồng USD. Trong cùng thời điểm trên, chỉ số USD Index đã tăng từ quanh 80 lên 98 (22,5%).

Cán cân thanh toán ổn định, nhập siêu giảm dần, trong khi nguồn vốn FDI tiếp tục rót vào và lượng kiều hối chảy về đã giúp nguồn cung ngoại tệ được cải thiện. 

Lãi suất cũng được điều chỉnh giảm về mức phù hợp và ổn định hơn so với giai đoạn nóng sốt trước đây, tạo điều kiện giúp chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm, kinh doanh hiệu quả hơn. Trần lãi suất huy động VND đã giảm từ mức cao 14% vào tháng 10/2011 về chỉ còn 5,5% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng từ tháng 10/2014, theo đó lãi suất cho vay cũng giảm theo.

Commodity Index (Chỉ số giá hàng hóa) trong 5 năm qua. (Nguồn: Bloomberg)

Định hướng chính sách đến năm 2020

Đến năm 2020, sẽ tập trung thực hiện đồng bộ và nhất quán các giải pháp nêu trong Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và kế hoạch hóa phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Rà soát quy hoạch và đầu tư để chuyển từ giao thông đường bộ (là phương thức vận tải hàng hóa tốn kém nhất) sang phát triển vận tải đa phương thức, tận dụng các phương thức vận tải rẻ hơn như đường thủy và đường sắt.

Bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền và ổn định tài chính, từng bước thức hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt, vận hành ổn định, thông suốt và hiệu quả các thị trường tiền tệ và tín dụng. Phát triển Ngân hàng nhà nước trở thành Ngân hàng trung ương hiện đại, có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, thực hiện tốt chức năng ổn định giá, ổn định tài chính và các chức năng khác.

 

Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Phương Anh

Tổng hợp

  




Văn bản gốc