Tin tức

Trang chủ » » VRDF 2019: Định hình con đường đi tới thịnh vượng

VRDF 2019: Định hình con đường đi tới thịnh vượng

20/09/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Các thảo luận tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF), diễn ra hôm qua (19/9) tại Hà Nội, đã bước đầu giúp Việt Nam định hình được con đường phải đi, để tránh tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đi tới thịnh vượng.

Phải cải cách, nếu không muốn lùi lại phía sau

Một sự đồng thuận nhìn thấy rõ từ các diễn giả, các chuyên gia tham dự VRDF 2019, đó là Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 30 năm Đổi mới. Nhưng còn có một sự đồng thuận khác. Đó là Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi từng ngày, từ sự giảm tốc của kinh tế thế giới, những tác động của biến đổi khí hậu và cả xu thế phi toàn cầu hóa đang lan rộng…

Phát biểu tại VRDF với tư cách đồng Chủ tọa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione đã thẳng thắn nói, ở thời điểm hiện tại, mô hình kinh tế của Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức, bao gồm dân số già hóa nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là “một thách thức lớn” với Việt Nam.

Câu trả lời là buộc phải cải cách. “Dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro của mình”, ông Ousmane Dione đã nhấn mạnh.

Những cải cách táo bạo đó chính là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng đầy đủ, hiện đại và hội nhập và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là hai chủ đề chính được thảo luận tại VRDF.

“Tại sao phải tiếp tục cải cách thể chế, dù điều này đã được nói đến trong 20 năm qua? Đó là vì thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn những khiếm khuyết. Hơn nữa, thể chế liên tục thay đổi, do vậy phải liên tục cải cách thể chế, nếu không muốn lùi lại phía sau”, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, phải gắn cải cách thể chế kinh tế với cải cách thể chế chính trị, không thể tách rời được, thì mới có thể giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn thể chế của Việt Nam.

Còn đổi mới mô hình tăng trưởng sang dựa vào đổi mới sáng tạo là con đường đã được Việt Nam lựa chọn, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng tới toàn cầu. “Đổi mới sáng tạo là con đường đi tới thịnh vượng”, chia sẻ câu chuyện của Malaysia, ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia nói.

Đổi mới sáng tạo, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, được xác định là một đột phá chiến lược mới của Việt Nam khi xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

Đâu là con đường Việt Nam phải đi?

Biết rằng cải cách là không thể dừng lại, vậy câu hỏi quan trọng là, đâu là con đường mà Việt Nam phải đi? Từng bước, các câu trả lời của các diễn giả, các chuyên gia tại Diễn đàn VRDF đã giúp Việt Nam định hình được con đường phải đi, để không chỉ tránh tụt hậu, vượt bẫy thu nhập trung bình, mà còn đi tới thịnh vượng.

“Nói về cải cách thể chế, phải quan tâm cả vấn đề xây dựng bộ máy”, TS. Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nói.

Ông cho rằng, có nhiều vấn đề trong quá trình cải cách khiến việc thực thi chính sách tại Việt Nam trở nên khó khăn. Đó là sự phân mảnh về quyền lực, tinh thần thực tài bị suy yếu, khiến Chính phủ gặp nhiều thách thức trong tuyển dụng những cán bộ trẻ tài năng, có khả năng cống hiến cho xã hội.

“Cần hợp lý hóa, bảo đảm tính tập trung trong công tác tổ chức, nhân sự; cần minh bạch hơn trên thị trường đất đai và tín dụng; tách biệt rõ ràng giữa doanh nghiệpnhà nước, doanh nghiệp được cổ phần hóa với cơ quan quản lý; giám sắt chặt chẽ hơn và thực thi nghiêm các quy định về hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng”, ông Jonathan Pincus nói.

Trong khi đó, ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings Hoa Kỳ nhấn mạnh việc Việt Nam đã thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng đầu tư tư nhân lại thấp. “Tôi chưa thấy nước nào đi tới thịnh vượng mà chỉ dựa vào khu vực FDI. Phải tạo cơ hội cho khu vực tư nhân trong nước phát triển”, ông Dollar nói.

Theo ông Jan Rielander, Đặc phái viên của Giám đốc Trung tâm Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là một nền kinh tế tích hợp khi bao gồm cả khu vực nhà nước, tư nhân và FDI. “Nhiều nước vướng bẫy thu nhập trung bình khi chỉ tập trung vào khu vực công và tư. Muốn thoát bẫy và vượt lên, cần tạo sự liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, làm sao để cùng tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn”, ông Jan Rielander nói.

Để làm được điều đó, thể chế kinh tế thị trường phải được hoàn thiện, để đảm bảo việc phân bổ các nguồn lực được minh bạch và công bằng giữa các khu vực, tạo động lực cho sự phát triển.

Dẫn câu chuyện thành công của Hàn Quốc, GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST), nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho biết: “Một quốc gia phải được chuẩn bị về mặt công nghệ để thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế công nghệ thông tin. Tính sẵn sàng về công nghệ chỉ có thể có được thông qua nghiên cứu và phát triển và học hỏi, điều này đòi hỏi năng lực và đầu tư hấp thụ công nghệ lớn”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chia sẻ, đối với các nền kinh tế đang phát triển, thay vì nghĩ đến việc nghiên cứu ra các công nghệ mới, thì hãy tận dụng các công nghệ hiện có, các thành tựu công nghệ của thế giới để ứng dụng và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong khi đó, bà Mari Elka Pangestu, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại của Indonesia khẳng định, để tăng tốc phát triển, phải tăng năng suất và phát triển hơn. “Indonesia cũng gặp phải vấn đề năng suất như Việt Nam”, bà Mari Elka Pangestu nói.

Và để tăng năng suất, phải tận dụng cơ hội từ trí tuệ nhân tạo, từ khoa học - công nghệ. Đây cũng chính là con đường mà Việt Nam phải đi.

Nguyên Đức

Theo Báo Đầu tư

  




Văn bản gốc