Vì sao kinh tế Việt Nam được dự báo “tăng trưởng nhanh nhất ASEAN”?
Không chỉ Standard Chartered, trước đó, ADB, IMF cũng đã đưa ra những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ
Ngày 12/8, Ngân hàng Standard Chartered phát đi thông báo dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019.
Theo đó, lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kì vọng sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số trong năm thứ tư liên tiếp và đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính.
Ông Chidu Narayanan - Chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ, các yếu tố kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong nửa đầu năm và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm. Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm so với mức 6,7% trong nửa đầu năm”.
Báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô của đơn vị này nhận định, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất, với tổng lượng vốn thu hút được dự kiến đạt 18 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu sẽ duy trì ổn định và vượt trội hơn so với các nước trong khu vực. Xuất khẩu hàng điện tử, vốn chiếm khoảng một phần ba trong tổng lượng xuất khẩu, có khả năng sẽ giảm tốc so với những năm gần đây do nhu cầu bên ngoài và giá cả các thiết bị bán dẫn suy giảm.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này sẽ được bù đắp nhờ xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như dệt may và nông nghiệp ngày càng được cải thiện.
Trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm tốc, tăng trưởng nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn ở mức gần 10%, nhờ đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2019.
Trước đó, trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á được công bố vào tháng trước, Ngân hàng Châu Á (ADB) cũng từng đưa ra dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á năm nay. Theo đó, tăng tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 vào khoảng 6,8% dù nền nông nghiệp nước này chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và dịch tả lợn châu Phi.
Theo đánh giá của ADB: “Yếu tố quan trọng giúp duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam chính là “lực hút FDI”, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 27% trong suốt 5 tháng đầu năm 2019”.
Do vậy, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 vào khoảng mức 6,8% và năm 2020 giảm không đáng kể với mức ước tính là 6,7%.
Tương tự, trong báo cáo mới đây về kinh tế Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến giảm về mức 6,5% năm 2019 và tiếp tục duy trì tốc độ này trong năm sau.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế này thấp hơn mức kế hoạch Quốc hội đề ra là từ 6,6% - 6,8%. Còn lạm phát được dự báo ở mức 3,6% trong năm nay và gia tăng lên mức 3,8% vào năm 2020.
Đồng Việt Nam có thể tăng nhẹ
Thực tế cho thấy, ngay từ đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND đã giảm xuống dưới tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước NHNN là 23.200 VND/USD và tiếp tục giảm xa mốc này, chốt tháng ở mức 23.140/23.260, giảm 120 VND/USD đối với tỷ giá giao dịch của NHTM và 23.170/23.200, giảm 130/120 VND/USD với tỷ giá tự do. Tỷ giá giảm sâu khiến một phần nguồn ngoại tệ tích lũy từ tháng 6 đã được bán về NHNN, giúp gia tăng dự trữ ngoại hối.
Trong tháng 7, VND cũng đã tăng giá 0,52% so với USD và tính chung cả 2 tháng 6 và 7 đã tăng giá 0,94%, bù lại toàn bộ mức mất giá 0,89% của đợt sóng tháng 5 khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% lên 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc. Tại thời điểm cuối tháng 7, tỷ giá mua vào USD/VND của NHTM đã thấp hơn tại cuối 2018 là 25 VND/USD, tương đương 0,11%.
Đáng chú ý, dù tỷ giá giao dịch giảm mạnh nhưng tỷ giá trung tâm vẫn trong xu hướng đi lên, tăng tiếp 7 VND/USD trong tháng 7, lên mức 23.073 VND/USD, tiến dần đến tỷ giá mua vào của NHNN. Điều này cho thấy sự nhất quán trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước để có thể linh hoạt ứng phó với nhưng diễn biến bất ngờ từ bên ngoài mà thực tế đã xảy ra ngay vào đầu tháng 8.
Theo dự đoán của Standard Chartered, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng, khi lạm phát vẫn còn ở mức thấp.
Đơn vị này cũng dự báo lạm phát sẽ tăng khiêm tốn ở nửa cuối năm, đạt trung bình 2,8% so với mức 2,6% trong nửa đầu năm và lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ tăng lên 2% trong năm nay.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ không thay đổi trong năm 2019 và đồng Việt Nam (VND) sẽ tăng giá nhẹ.
Dòng vốn FDI mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ hỗ trợ VND trong ngắn hạn và tỷ giá USD-VND được dự đoán sẽ đạt 23.100 vào cuối năm 2019 và 23.000 vào giữa năm 2020.
Chi Quang
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp