Vì sao mảng thanh toán lại phát triển mạnh nhất trong thị trường fintech Việt Nam?
Trong mảng thanh toán điện tử, ví điện tử được xem là tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển khi ước tính 10 triệu ví điện tử chỉ tương ứng với 1/5 tổng số người có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam năm 2017 đã đạt 4,4 tỷ USD và dự đoán sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Fintech là lĩnh vực dẫn đầu thu hút vốn đầu tư trong năm với 8 thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD. Kế sau đó là Thương mại điện tử với 5 thương vụ trị giá 104 triệu USD; Công nghệ du lịch với 8 thương vụ tổng giá trị 64 triệu USD; lĩnh vực logistics và công nghệ giáo dục thu hút khoản đầu tư giá trị hơn 50 triệu USD.
Thị trường fintech Việt Nam hiện có 5 nhánh chính gồm: Giải pháp thanh toán, Blockchain, Quản lý dữ liệu lớn, Tài chính cá nhân, Huy động nhóm. Tuy nhiên giải pháp thanh toán là mảng phát triển mạnh nhất trong họ Fintech.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2018, Việt Nam là quốc gia có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực khi chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%. Mới đây, Chính phủ yêu cầu không dùng tiền mặt thanh toán tiền điện, nước, học phí ở đô thị đồng thời thanh toán không dùng tiền mặt với các khoản chi phí sinh hoạt được Chính phủ yêu cầu thực hiện trước tháng 12/2019. Thanh toán điện tử là một trong những biện pháp được Chính phủ đẩy mạnh nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang kinh tế số.
Ngoài ra thị trường thanh toán điện tử có những lợi thế phát triển nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và một tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng.
Trong mảng thanh toán điện tử, ví điện tử được xem là tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển khi ước tính 10 triệu ví điện tử chỉ tương ứng với 1/5 tổng số người có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam. Hiện Chính phủ yêu cầu trước quý III/2019 Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code.
"Hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán đã sẵn sàng. Bảo mật cũng tốt hơn, nên tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp, ai còn chần chừ thì sẽ trễ nhịp", đại diện Grab Financial Group Việt Nam chia sẻ với tạp chí Forbes hồi tháng 10 năm ngoái về cuộc đua phát triển ví điện tử.
Nhìn trước tiềm năng, trong nhiều năm qua các quỹ đầu tư liên tục hợp tác, rót vốn vào những nền tảng thanh toán đã có sẵn mối quan hệ với các đối tác ngân hàng trên thị trường. Có thể kể đến như MOL Access Portal Sdn, BHD (Malaysia) đầu tư vào Ngân Lượng năm 2013, Standard Chartered và Goldman Sachs đầu tư vào MoMo cũng trong năm này, NTT Data đầu tư vào Payoo từ 2011, SEA Group hợp tác cùng Vietnam Esports vào AirPay năm 2015, CTCP giải pháp thanh toán Việt Nam vào VnPay năm 2017.
Hay gần đây nhất là Ascend Money (Thái Lan) đầu tư vào 1Pay năm 2017, Grab đầu tư vào Moca năm 2018. Thị trường ví điện tử hứa hẹn sẽ gay cấn và bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới khi trước những động thái quyết liệt từ Chính phủ như hiện nay.
Bảo Linh
Tổng hợp