Tin tức

Trang chủ » » Vì sao nợ xấu tăng vọt tại một loạt ngân hàng ?

Vì sao nợ xấu tăng vọt tại một loạt ngân hàng ?

04/08/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Theo báo cáo tài chính quý II/2016 được một số ngân hàng công bố, thì hầu hết đều có nợ xấu tăng vọt. Một phần nguyên nhân được cho rằng, các ngân hàng phải trả nợ cho quá khứ.

Nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến

Chỉ trong vòng 6 ngày cuối tháng 6 vừa qua, con số tăng trưởng tín dụng đã có thay đổi rất lớn. Tính đến 24/6 tăng 6,82%, nhưng chốt lại đến cuối tháng 6, tức chỉ sau 6 ngày, mức tăng trưởng lên tới 8,16% so với cuối 2015.

Thay đổi lớn chỉ trong những ngày rất ngắn đó gợi lên một giả thiết: có hay không mục đích làm đẹp sổ sách chốt quý? Vì, mẫu số tín dụng lớn lên sẽ giúp co hẹp tỷ lệ nợ xấu.

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên 2%, tương ứng với hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm, và tính đến ngày 30/6 thì BIDV đang có 13.184 tỉ đồng nợ xấu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến cao nhất. Nợ xấu của Eximbank từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016.

Sacombank, một ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối, cũng có nợ xấu tăng mạnh, từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%.

Mặc dù không thuyết minh nợ xấu ở báo cáo hợp nhất, nhưng theo báo cáo riêng lẻ thì đến cuối quý II/2016, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng tăng từ 2.261 tỷ đồng lên 3.113 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 1,7% lên  2,2%.

Một số ngân hàng thương mại lớn, tỷ lệ nợ xấu không tăng hoặc thậm chí giảm nhẹ do tăng trưởng tín dụng cao, nhưng nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì cũng tăng lên trong nửa đầu năm nay. 

Thống kê từ báo cáo tài chính của 13 ngân hàng (ngoại trừ PVCombank và OCB không công bố phần thuyết minh) cho thấy tình hình cho vay của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2015 có dấu hiệu tăng mạnh.

Cụ thể, dư nợ cho vay của 13 ngân hàng tăng 10,6% so với thời điểm đầu năm, tuy nhiên, kéo theo đó, số nợ xấu cũng gia tăng mạnh 21,2%.

Đây cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn đầu ra, càng cho vay nhiều thì tỷ lệ rủi ro càng lớn và bắt đầu từ quý II/2015, các ngân hàng đã thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 09.

Xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm 

“Xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm của hệ thống ngân hàng”, đó là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khi trả lời câu hỏi của báo giới về con số nợ xấu và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng chiều 2/8 tại buổi họp báo Chính phủ thường kì.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, căc cứ vào số liệu của các tổ chức tín dụng báo cáo về NHNN, tính đến tháng 5/2016 nợ xấu mới chỉ ở mức 2,38%, có nghĩa là ở dưới mức 3% theo mục tiêu NHNN đã đề ra.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh, chỉ đạo tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu từ VAMC cũng đang được chỉ đạo tích cực, nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%. 

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc xử lý nợ xấu qua VAMC vẫn đang được tiếp tục được thực hiện để kiểm soát nợ xấu, đưa nợ xấu xuống mức cho phép.

Số liệu thống kê tại buổi họp báo cho thấy, đến ngày 20/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,84% so với tháng 12/2015, huy động vốn tăng 10,17%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,02%. Phó Thống đốc cũng cho biết, việc xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành trong 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án về NHNN và có phương án giải quyết.

Phương Anh

Tổng hợp

  




Văn bản gốc