Việt Nam: Con hổ tiếp theo của Châu Á
Quốc gia châu Á nào đã tăng trưởng suốt 25 năm qua, giúp hàng triệu người thoát nghèo? Nền kinh tế châu Á nào, dù tỷ lệ người dân nông thôn còn cao, sẽ là động cơ tăng trưởng tiếp theo của châu lục? Phần lớn mọi người sẽ trả lời là Trung Quốc cho câu hỏi đầu tiên, và Ấn Độ cho câu tiếp theo. Thế tức là họ đều bỏ qua một đất nước nổi bật cả về thành công trong quá khứ và tiềm năng trong tương lai.
Với dân số hơn 90 triệu người, kể từ năm 1990, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng theo đầu người cao thứ 2 châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm được duy trì ở mức 7% trong suốt thập kỷ tới, Việt Nam sẽ tiếp bước Hàn Quốc và Đài Loan để trở thành một con hổ mới của châu Á. Đây là thành tựu lớn đối với một quốc gia bước ra từ nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh và đói nghèo.
Theo phân tích của tác giả bài báo, với dân số hơn 90 triệu người, kể từ năm 1990, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng theo đầu người cao thứ 2 châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm được duy trì ở mức 7% trong suốt thập kỷ tới, Việt Nam sẽ tiếp bước Hàn Quốc và Đài Loan để trở thành một con hổ mới của châu Á. Đây là thành tựu lớn đối với một quốc gia bước ra từ nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh và đói nghèo.
“Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á”, Vikram Nehru – chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Washington – nhận định. “Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để tăng trưởng nhảy vọt nếu như có thể giải quyết được những thách thức nằm ở khu vực nhà nước”.
Năm 2014, Việt Nam vượt qua các đối tác trong khu vực để trở thành nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ lớn nhất ở ASEAN, bỏ qua cả những đối thủ khá ổn định trong ngành sản xuất chế tạo như Thái Lan và Malaysia.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân trong 14 năm qua đã chạm mốc 12,35 tỷ USD trong năm 2014, tăng 7,4% so với 2013. Hoạt động của Samsung ở Việt Nam lớn đến nỗi doanh nghiệp này được nhà nước chấp thuận cho phép mở riêng một nhà ga ở sân bay quốc tế Nội Bài.
Các nhà sản xuất khác cũng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty sản xuất máy in đến từ Nhật Bản Kyocera Document Solutions có dự định tăng gấp 4 sản lượng ở Việt Nam, lên 2 triệu chiếc vào năm 2018. Một phần cơ sở sản xuất của hãng ở Trung Quốc sẽ được chuyển về Hải Phòng, biến Việt Nam thành “cứ điểm” sản xuất máy in lớn nhất của hãng.
Frederic Neumann – chuyên gia đến từ ngân hàng HSBC – nhận định Việt Nam là bên hưởng lợi nhiều nhất khi Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh do lương tăng và đồng nhân dân tệ tăng giá.
Economist đánh giá, bài học về sự đi lên của Việt Nam có thể áp dụng cho nhiều quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là các nước lân cận trong khu vực. Việc mở rộng lĩnh vực tự động hóa khiến mọi người lo ngại rằng các nước nghèo khó có thể tạo được cú hích từ ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng minh rằng các mô hình phát triển này vẫn phát huy hiệu quả.
Sự mở cửa hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã mang lại thành quả. Việt Nam đã đơn giản hóa đáng kể các quy định thương mại kể từ những năm 1990. Hiện nay, thương mại chiếm khoảng 150% GDP, cao hơn bất kỳ quốc gia nào có mức thu nhập tương đương. Doanh nghiệp nước ngoài đã đổ xô tới Việt Nam đầu tư và hiện chiếm hai phần ba kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng rất chú trọng phát triển giáo dục. Những học sinh 15 tuổi của Việt Nam giỏi toán và các môn khoa học tương đương với các bạn đồng lứa người Đức. Nguồn đầu tư dành cho hệ thống trường học lớn hơn đa phần các quốc gia cùng trình độ phát triển, trong đó tập trung vào việc tăng cường tuyển sinh và đào tạo đội ngũ giáo viên. Theo Economist, sự đầu tư này là vô cùng cần thiết để Việt Nam có thể tận dụng tối đa các cơ hội thương mại. Việt Nam đang tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề, vượt qua những quốc gia giàu có hơn như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Dù vậy, thành tựu trong 25 năm qua cũng có nghĩa Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội. Ít ra, Việt Nam đã bắt đầu cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Họ cũng đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại với châu Á và châu Âu. Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất mà không khiến công ty nước ngoài phật ý cũng đang được lên kế hoạch.
Việt Nam đang là hình mẫu cho các nước muốn đặt chân lên bậc thang phát triển. Với một chút may mắn, Việt Nam còn có thể là tấm gương cho các quốc gia muốn tiến lên.
Phương Huyền
Tổng hợp