Tin tức

Trang chủ » » Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

30/05/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Nhiều ngành quan trọng với Việt Nam như dệt may, giầy dép, đồ điện tử đều nằm ở khâu trung nguồn của chuỗi giá trị.

Kể từ khi mở cửa thương mại và đầu tư, Việt Nam dần trở thành điểm quan trọng trong mạng lưới thương mại toàn cầu và nổi lên như một công xưởng của châu Á.

Sự xuất hiện trong chuỗi giá trị toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam gồm việc làm, chuyên biệt hoá sản xuất, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng quản lý.

Tuy nhiên, các lợi ích từ việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu không thể tự xác định mà phụ thuộc vào việc quốc gia liên kết chuỗi giá trị toàn cầu ở phía trước (liên kết xuôi) hay ở phía sau (liên kết ngược) và phụ thuộc vào vị trí của quốc gia trong chuỗi.

Một quốc gia chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm trung gian để sản xuất và xuất khẩu liên kết mạnh ở phía sau nhưng liên kết yếu ở phía trước của chuỗi giá trị toàn cầu. Một quốc gia chủ yếu cung cấp sản phẩm trung gian phục vụ các quốc gia khác sản xuất thường tham gia mạnh ở phía trước nhưng tham gia yếu ở phía sau.

Cấu trúc thương mại của Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhập khẩu hàng hoá trung gian lớn, biểu hiện sự tham gia mạnh về phía sau hơn về phía trước trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhờ mô hình nhập khẩu để xuất khẩu, Việt Nam đã có tăng trưởng liên tục trong suốt thập kỷ vừa qua, giúp giải quyết việc làm, dự trữ ngoại hối và cải thiện đời sống.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mô hình này có thể tồn tại bao nhiêu lâu phụ thuộc vào sự bền vững của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với hai mấu chốt là điểm tắc nội sinh của mô hình và cách thức Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo tính toán của VEPR từ số liệu của OECD, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) của Việt Nam năm 2015 là 56%, nhảy vọt lớn so với 34% của năm 1995.

Tuy nhiên, sự gia tăng này chỉ đến từ liên kết sau, chiếm 45% trong khi liên kết trước chỉ 11%.

Về mặt vị trí trong chuỗi giá trị, không có ngành điện tử nào ở vị trí thượng nguồn khi chỉ số vị trí GVC của các ngành đó đều âm.

Ngành vận tải, bán buôn và bán lẻ đều có chỉ số vị trí lớn hơn chỉ số vị trí GVC, nằm ở hạ nguồn. Các ngành khác gồm cả những ngành quan trọng đối với Việt Nam như dệt may, tất, giầy dép, máy móc, đồ điện tử hay máy móc tự động đều nằm ở khâu trung nguồn.

Với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và sự tham gia của Việt Nam vào GVC được dẫn dắt bởi các công ty đa quốc gia, VEPR cho rằng sẽ không mấy lạc quan bởi tự động trong quy trình sản xuất sẽ dịch chuyển việc làm từ thị trường lao động tay nghề thấp sang thị trường lao động có tay nghề cao, và mô hình tích hợp quy trình sản xuất sẽ đưa các nhà máy sản xuất đến gần với khách hàng hơn.

Việt Nam sẽ đối mặt rủi ro nếu các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam rời khỏi nơi đây vì một hoặc cả hai mục đích này.

Việt Nam phải nhanh chóng nâng cấp trở thành điểm quản trị toàn bộ chuỗi chứ không đơn thuần chỉ tham gia một vài khâu. Mô hình như Hàn Quốc và Đài Loan đã chứng minh sự thành công này, VEPR khuyến nghị.

Trong ngắn hạn, Việt Nam chưa thể thoát khỏi khâu trung nguồn.

Giải pháp ứng dụng công nghệ tạo năng suất đột phá, giúp Việt Nam “nhấc” đường cong nụ cười (mô hình nụ cười của Stan Shih – thể hiện đường cong giá trị gia tăng) lên phía trên, nghĩa là tham gia ở khâu “cũ” nhưng năng suất mới tạo ra giá trị gia tăng sẽ cao hơn.

Ngoài ra, chuỗi giá trị bị bẻ sâu xuống, nghĩa là khoảng cách giá trị gia tăng giữa các khâu sẽ khác biệt nhiều hơn trước.

Về trung dài hạn, công nghiệp 4.0 với công nghệ làm đòn bẩy giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy “trung nguồn”, chiếm dần các khâu ở 2 phía thượng nguồn và hạ nguồn. 

Duy Kiên

Theo The Leader

  




Văn bản gốc