Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về Chỉ số đổi mới Sáng tạo toàn cầu
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 42 trên 131 quốc gia và nền kinh tế, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Như vậy so với năm 2019, chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số Số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc. Trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo Việt Nam tiếp tục tăng 1 bậc.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, hiện Chính phủ coi đổi mới sáng tạo như một lĩnh vực mới trong quản lý nhà nước, một trụ cột mới trong phát triển kinh tế, xã hội. Lần đầu tiên, chỉ số về đổi mới sáng tạo trở thành tiêu chí đo lường hiệu quả của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm.
“Chúng ta đã đi tiên phong trong nỗ lực đưa đổi mới sáng tạo trở thành một tư duy mới và ngày càng trở nên phổ quát trong quản lý, vận hành nền kinh tế, xã hội và doanh nghiệp ở Việt Nam. Chính phủ coi đổi mới sáng tạo như một lĩnh vực mới trong quản lý nhà nước, một trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội và lần đầu tiên, chỉ số về đổi mới sáng tạo trở thành tiêu chí đo lường hiệu quả của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Với các nỗ lực của toàn ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), tiềm lực và trình độ KH&CN của đất nước đã có bước tiến đáng khích lệ. KH&CN đã thực sự đồng hành cùng các cấp, các ngành và địa phương để bám sát thực tiễn, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần tạo nên thế và lực mới cho đất nước.
Thời gian qua, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam được cải thiện vượt bậc trên bảng xếp hạng thế giới. Số lượng sáng chế và công bố quốc tế của Việt Nam tăng cao hàng năm. Đầu tư của tư nhân và doanh nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội cho KH&CN. Doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dần trở thành một lực lượng tăng trưởng mới. Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng sâu rộng hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Anh Vũ