Tin tức

Trang chủ » » Việt Nam làm gì để “hóa rồng” năm 2045?

Việt Nam làm gì để “hóa rồng” năm 2045?

03/09/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc. Làm sao để đạt mục tiêu này?

Tại cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra Tầm nhìn Việt Nam năm 2030 sẽ là hướng tới một xã hội khá giả, thịnh vượng, GDP bình quân đầu người đạt ít nhất 18.000 USD. Về Tầm nhìn 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao.

Báo Giao thông trao đổi với TS. Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư) nhằm phác họa những việc phải làm để biến những điều trên thành hiện thực.

Phải “thoát cũ, xây mới”

Theo ông, vì sao Thủ tướng lại chọn thời điểm này để đưa ra Tầm nhìn 2030, 2045, với mục tiêu đưa đất nước “hóa rồng”?

Thủ tướng chọn thời điểm này để đặt ra một mục tiêu “hóa rồng” cho đất nước, theo tôi, có những cơ sở nhất định. Thứ nhất, trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước ngoặt về phát triển kinh tế. Thứ hai, quá trình cải cách đổi mới đã tới hạn, cần có những bước đột phá mới trong cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế.

Hiện, thế giới đã mở ra những chân trời mới cho phát triển, đặc biệt là cuộc cải cách công nghệ hiện nay như chuyển đổi số; cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cơ hội mới cho Việt Nam - một đất nước mà vốn dĩ vì nhiều lí do chúng ta đã không tận dụng tốt được cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, thì nay với cuộc cách mạng công nghiệp mới này, với những đột phá về công nghệ, chúng ta phải tận dụng được.

Với những tiền đề đó, Việt Nam có thể có bước phát triển nhanh, có thể đặt ra mục tiêu năm 2030 - 2035 có mức thu nhập trung bình cao, tạo tiền đề để năm 2045, trở thành quốc gia thực sự thịnh vượng, phát triển.

Như ông nói thì chúng ta có cơ hội, vậy đâu là những khó khăn và thách thức trong hành trình hướng tới mục tiêu phía trước?

Nếu nói về cơ hội và thách thức thì nó đan xen, vấn đề đặt ra nằm ở chỗ phải “thoát cũ - xây mới”. Nó gắn liền với câu chuyện tư duy phát triển, tư duy đột phá. Nó gắn với câu chuyện phải làm sao giảm tối thiểu chi phí chuyển đổi, bắt nhịp được với sự chuyển đổi.

Việt Nam những năm trở lại đây có những thành tựu nhưng không phải quá xuất sắc. Sự phát triển, tăng trưởng của chúng ta căn bản dựa trên những lợi thế sẵn có là lao động chi phí tương đối thấp, tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có chứ chưa phải là một tăng trưởng dựa nhiều vào tăng năng suất, chưa phải là một tăng trưởng dựa trên sáng tạo. Đây là một vấn đề cần phải thay đổi, chưa nói đến sự tăng trưởng ấy phải hài hòa hơn trong vấn đề xã hội, thân thiện hơn với môi trường.

Hay việc tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là kỷ nguyên số hóa như hiện nay. Chúng ta xây dựng các chiến lược như chuyển đổi số hóa quốc gia, nhưng về cơ bản những hướng đi cải cách, những bài toán lớn đặt ra khiến chúng ta phải có những điều chỉnh trước biến đổi rất phức tạp của thế giới, một thế giới mở như hiện nay. Trước bối cảnh đó, ta cần có khát vọng, niềm tin, lựa chọn ưu tiên và quyết liệt thực thi.

Đặt nền móng mới cho sự phát triển

Theo ông, để đạt mục tiêu đến năm 2030, GDP bình quân của Việt Nam đạt ít nhất 18.000 USD/người thì từ bây giờ, chúng ta phải đạt được những mục tiêu ngắn hạn thế nào?

Nhìn từ góc độ thu nhập, góc độ tăng trưởng kinh tế, để đạt được mức là một nước thu nhập trung bình cao vào khoảng 2030 - 2035, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam phải đạt khoảng 7,75 %/năm, hay thu nhập bình quân đầu người phải trên 6%/ năm. Nói cách khác, Việt Nam phải có một mức tăng trưởng bền vững ở mức khá cao, nhưng đấy mới chỉ là một vấn đề.

Vấn đề nữa quan trọng hơn, bên cạnh tăng trưởng khá cao, bền vững, là phải đặt được nền móng mới cho phát triển, đó là những vấn để về chất lượng nguồn nhân lực, huy động nguồn nhân lực và đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp đó, phải xây dựng kết cấu hạ tầng tốt và phải cải cách về thể chế. Một Nhà nước minh bạch, giải trình đàng hoàng, trách nhiệm hiệu quả cao, Nhà nước pháp quyền và tương tác với thị trường, xã hội. Đấy là những nền tảng mà trong đó thể chế phải đóng vai trò thúc đẩy, đổi mới sáng tạo.

Tăng trưởng này phải gắn liền với một xã hội hòa nhập, phát triển thân thiện với môi trường, dựa nhiều hơn vào năng suất, chất lượng, sáng tạo.

Nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7,75%/năm là vượt xa mức tăng trưởng trước đây của Việt Nam và chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới đạt được?

Số nước trên thế giới vượt qua bẫy thu nhập trung bình là không nhiều, thậm chí đếm trên đầu ngón tay. Ngay như Malaysia liệu có vượt qua được bẫy thu nhập trung bình cao hay không cũng là câu chuyện chưa nói trước được, rất khó.

Thế nhưng, với bối cảnh mới này, nó không chỉ đặt ra vấn đề các nước nghèo hay thu nhập chưa cao phải làm sao bắt kịp được với các nước phát triển hơn, mà có 2 điểm rất mới đó là: Thứ nhất, nó mở ra cơ hội để người đi sau có thể tận dụng tốt hơn để có những bước đột phá. Tại sao như vậy? Vì công nghệ mới đặt ra rất nhiều vấn đề mà người ta có thể tận dụng tốt được, ví dụ kinh tế số, vấn đề số hóa, công nghệ thông tin... Những công nghệ mới này không hẳn là những nước đi sau phải chờ bao nhiêu năm đó mới bắt nhịp được. Ví dụ, người giàu cũng có thể sử dụng smartphone, người nghèo cũng vậy, gần như là như nhau.

Tiềm năng và khát vọng là chìa khóa thành công

Vậy ông có khuyến nghị gì để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng này?

Việt Nam đang có những tiềm năng như thế và nên có khát vọng như vậy. Còn làm như thế nào lại là câu chuyện khác.

Mục tiêu thu nhập quan trọng nhưng nó chỉ là một thôi. Trước đây, khi hoạch định chiến lược thì chúng ta thường tập trung vào 3 vấn đề chính là hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế. Còn báo cáo định hướng kinh tế tới năm 2020 nói rất rõ 6 vấn đề lớn.

Thứ nhất, là cải cách thể chế; Thứ hai, là phát triển, bên cạnh tạo nền kinh tế hiện đại hội nhập thì phát triển khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, là câu chuyện nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước mà Việt Nam phải là nơi hội tụ được tài năng và nguồn nhân lực từ bên ngoài và thế giới.

Thứ tư, là tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thứ năm, vấn đề hòa nhập xã hội. Không chỉ là hỗ trợ cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, mà tiếp tục câu chuyện xóa đói giảm nghèo, nghèo đa chiều, tạo việc làm nhưng có sự chuẩn bị tốt cho xã hội kể cả tầng lớp trung lưu khi tầng lớp này đang ngày càng nổi lên mạnh mẽ.

Và thứ sáu là hạ tầng, cùng với đó là vấn đề đô thị hóa.

Theo ông, Việt Nam có những tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn như thế nào?

Việt Nam có hai yếu tố nếu biết khai phá sẽ tạo nên sự phát triển đột phá, phù hợp với giai đoạn phát triển mới này. Thứ nhất, là yếu tố con người, con người Việt Nam có kỹ năng, có khả năng sáng tạo. Điều đó rất quan trọng trong kỷ nguyên số.

Thứ hai, Việt Nam là một dân tộc có khát vọng. Với một dân tộc có khát vọng vươn lên như Việt Nam, tại sao chúng ta không đặt ra mục tiêu hoàn thành khát vọng ấy trong thực tiễn, sẽ là rất khó khăn nhưng chúng ta có thể làm được?

Cảm ơn ông!

Tuyến Nga

Theo Báo Giao thông

  




Văn bản gốc