Việt Nam thuộc top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất
Theo xếp hạng trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) do Tập đoàn Tư vấn Thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố hàng năm, Việt Nam liên tục nằm trong top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay.
Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo "Nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA," tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/6.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do có cam kết mạnh về mở cửa thị trường bán lẻ cũng như xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa, ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng của Việt Nam luôn tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2015 là gần 2.470.000 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức bán lẻ và doanh thu tiêu dùng.
Đánh giá về triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều công ty nghiên cứu thị trường và chuyên gia trong ngành cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều triển vọng phát triển và đạt tăng trưởng cao trong thời gian tới. Trong đó, có nhiều yếu tố cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam là khu vực sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao. Dự báo, động lực thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam là quy mô tiêu dùng hơn 91,7 triệu người với cơ cấu dân số vàng cho tiêu dùng cao.
Trong số 12 mô hình bán lẻ thông dụng hiện nay, doanh nghiệp đặt kỳ vọng nhiều nhất vào các mô hình bán lẻ hiện đại, còn các mô hình bán lẻ truyền thống như chợ truyền thống hay hình thức bán lẻ siêu nhỏ-di động (bán rong) được đánh giá là ít có triển vọng hơn. Ngoài ra, hai mô hình bán lẻ được đánh giá là có triển vọng nhất và cũng là thế mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài là siêu thị tổng hợp và trung tâm mua sắm.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước tương lai nhiều triển vọng, nhưng theo tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Đồng thời, áp lực cạnh tranh cũng dẫn đến hệ quả một số lượng đáng kể các nhà bán lẻ bị "đào thải" và đã rời khỏi thị trường Việt Nam, còn nhà sản xuất nội địa khó đưa hàng hoá vào hệ thống bán lẻ nước ngoài.
Đồng quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng có thể tận dụng được cơ hội hay không sẽ tùy thuộc vào ngành bán lẻ Việt Nam; trong đó có cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, từ góc độ chính sách, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp để đẩy nhanh quá trình hội nhập của doanh nghiệp. Trong tổng thể, những hỗ trợ của Nhà nước sẽ có ý nghĩa lớn về định hướng phát triển ngành bán lẻ một cách hệ thống và bền vững, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát.
Mỹ Phương
Theo Vietnam Plus