Vietnam CEO Summit 2019: Tận dụng cơ hội phát triển công nghệ và thúc đẩy sáng tạo
Tầm nhìn của Việt Nam trong giai đoạn 2030- 2045 về định hướng xây dựng chính sách phát triển, kiến tạo các giá trị để nắm bắt xu thế toàn cầu, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2019 với chủ đề "Chiến lược dẫn đầu trong chuyển đổi số và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" diễn ra ngày 8/8 tại Hà Nội, các chuyên gia quốc tế về công nghệ đều có chung nhận định, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội phát triển công nghệ, thúc đẩy sự sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp IoT (Internet vạn vật hay còn gọi là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet) giống như một số nước trong khu vực châu Á đang hình thành.
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số phải được tiến hành như thế nào, lộ trình ra sao để phù hợp với điều kiện tài chính, trình độ công nghệ và khả năng tiếp cận của đa số doanh nghiệp Việt Nam khi có đến 95% doanh nghiệp hiện nay đều ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, với thực trạng yếu về trình độ và năng lực; thiếu về tài chính và kinh nghiệm...
Từ thực tiễn thế giới, ông Keith Davies, Giám đốc Chiến lược ngành Năng lượng, Tài nguyên và Công nghiệp, Monitor Deloitte Đông Nam Á nhận định, kỹ thuật số đang biến đổi mọi doanh nghiệp.
Theo đó, hoạt động marketing, phát triển mạng lưới khách hàng, nâng cao năng suất của nhân viên, bán hàng và nhiều chức năng kinh doanh khác đang được xác định lại.
Bằng việc chuyển đổi kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể giành lợi thế thông qua những sáng kiến, thiết kế, ứng dụng công nghệ vào các mô hình kinh doanh mới một cách sáng tạo, linh hoạt và có chiến lược.
Qua đó, thúc đẩy quá trình chuẩn bị để có thể đem lại những kết quả có tác động mạnh mẽ hơn.
Dẫn nguồn từ Nghiên cứu về kinh doanh kỹ thuật số của MIT SMR và Deloitte thực hiện năm 2018, ông Davies cho hay, 90% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ cần cập nhật lại các kỹ năng của mình ít nhất 1 lần mỗi năm; 34% hài lòng với mức độ mà tổ chức của họ hỗ trợ phát triển các kỹ năng cần thiết hiện nay; 22% doanh nghiệp trong giai đoạn đầu đổi mới kỹ thuật số đang dần trao quyền quyết định cho các cấp thấp quản lý hơn trong tổ chức và kết quả thành công ở các doanh nghiệp đã hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số cao gấp 4 lần so với các doanh nghiệp có độ hoàn thiện kỹ thuật số kém hơn....
Mặc dù vậy, ông Davies của phải thừa nhận rằng, chuyển đổi kỹ thuật số không phải là điều dễ dàng và những giải pháp riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả. Cụ thể như nếu chỉ thực hiện các giải pháp về mặt "kỹ thuật" hay về mặt con người.
Cùng đồng tình quan điểm, PGS.TS Vũ Minh Khương cũng tin rằng, cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang tác động đến tăng trưởng kinh tế và mang lại hiệu quả kinh doanh.
Với sự lan toả, khuếch tán nhanh chóng của công nghệ và tiến trình chuyển đổi số đang thúc đẩy năng suất nghiên cứu và sự phát triển; nhất là khi so sánh ứng dụng điện toán đám mây.
Nhìn vào thực tiễn phát triển một số thương hiệu như Uber, Crownfunding, Crownsourcing... đã tạo nên những đòn bẩy số để thúc đẩy sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Sự phối hợp đổi mới và hợp tác cũng nhờ đó được thúc đẩy với kinh tế nền tảng và hiệu ứng nối mạng.
Tầm nhìn của Việt Nam trong giai đoạn 2030- 2045 về định hướng xây dựng chính sách phát triển, kiến tạo các giá trị để nắm bắt xu thế toàn cầu, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế đang tạo nên bước tiến vượt bậc.
Các chiến lược chuyển đổi số và phương cách thực hiện cần phải được tính đến từ bây giờ để đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm góp phần tạo nên sự thành công của công cuộc chuyển đổi số, ông Khương nhấn mạnh.
Ông Khương cũng khuyến nghị Chính phủ cần có những ưu tiên về cải cách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Theo đó, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi trên mọi khía cạnh; tăng cường hội nhập toàn cầu qua các hiệp định thương mại tự do với cộng đồng quốc tế; xây dựng nhiều chính sách thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và nhắm vào các ngành công nghiệp chủ lực.
Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cải cách các chính sách thuế...; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị bằng việc sắp xếp lại thể chế, củng cố bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS.Phạm Trí Hùng cho rằng, nhờ có nền kinh tế số, hiệu suất kinh tế đã đạt được nhiều thành quả cao; các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (như Facebook, Instagram, Zalo...) đến giải trí (như Netflix, Pinterest) hay giao thông vận tải (như Uber, Grab, GoViet...), phân phối, bán buôn bán lẻ (như Sendo, Lazada, Shopee...).
Đối với các doanh nghiệp, thông qua chuyển đổi số, các doanh nghiệp có thể đạt được lợi ích như tăng tỷ suất lợi nhuận, tăng năng suất, giảm chi phí, tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ và tăng sự gắn kết với khách hàng...
Tuy nhiên, tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt đống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp còn thấp, mặc dù đây là lĩnh vực đã có một số doanh nghiệp tiên phong như dầu khí, điện....
Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp để sẵn sàng ứng phó với những thay đổi của công nghệ còn ở mức thấp. Mới chỉ có 82% doanh nghiệp ở vị trí mới nhập cuộc; trong đó, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp chỉ mới có các hoạt động chuẩn bị ban dầu. Thậm chí, xét ở góc độ ngành thì có 16/17 ngành được khảo sát đều đang ở mức sẵn sàng thấp đối với chuyển đổi số.
Ông Hùng cũng cho hay, các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, logistics, du lịch, bảo hiểm đã và đang ứng dụng mạnh công nghệ số trong việc hiện đại hóa quy trình kinh doanh...
Tuy nhiên, thách thức đối với các doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số chính là sự thiếu hút về nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực; những rào cản trong văn hóa doanh nghiệp vốn quen với kinh tế truyền thống; sự thiếu hụt dữ liệu cũng như thiếu tầm nhìn của các nhà lãnh đạo...
Trước những thực tế này, ông Hùng cho rằng, trong xu hướng không thể tụt lại với thế giới và cần nhanh chóng chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần tiến hành chuyển đổi toàn diện: từ kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ truyền thống sang kinh doanh trên nền tảng số, sản phẩm, dịch vụ tích hợp công nghệ.
Nhà nước cũng cần phối hợp và chủ động để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trước những vấn đề thị trường, các quy định, chính sách kinh doanh... Qua đó, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông có thể chuyển đổi số thành công.
Thạch Huê
Theo TTXVN