Vừa cải cách vừa e dè: Số lượng chưa đạt, chất lượng chưa ổn
Có điều kiện kinh doanh được bãi bỏ mang lại rất nhiều tác động, nhưng có điều kiện kinh doanh được bãi bỏ hoàn toàn không có tác động gì. Thống kê của CIEM cho thấy, chỉ 30% số điều kiện kinh doanh được cắt giảm là thực chất và có tác động tích cực.
Số lượng chưa đạt, chất lượng cũng chưa ổn
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thốt lên như vậy khi bày ra trước mắt ông và các cộng sự là 33 nghị định mới để sửa đổi bổ sung, thay thế cho 88 nghị định có các nội dung về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu Viện CIEM là phải dành cả tháng trời nghiền ngẫm hàng chục Nghị định, xem con số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ thực tế là bao nhiêu, số sửa đổi là bao nhiêu. Rồi “đong đếm” đến tác động đến DN, người dân.
“Chúng tôi thống kê sơ bộ vì khối lượng công việc không nghĩ quá nhiều như vậy, tốn nhiều thời gian đến thế”, ông Hiếu kể.
Kết quả là, báo cáo của CIEM đã thống kê được trong tổng số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh, đã có 542 điều kiện kinh doanh được sửa đổi, 771 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, 111 điều kiện kinh doanh thay thế nhưng bổ sung đến 98 điều kiện kinh doanh và phát sinh, ban hành thêm 29 điều kiện kinh doanh.
Có nghĩa, theo yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ thì con số “chưa đạt được”.
Số lượng chưa đạt, chất lượng cũng chưa ổn. Theo ông Phan Đức Hiếu, có điều kiện kinh doanh được bãi bỏ hoàn toàn không có tác động gì.
Dẫn chứng Nghị định 08/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, ông Hiếu cho biết: Tại điều 7 Nghị định 83 yêu cầu “Doanh nghiệp được thành lập theo quy định cả pháp luật, trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu”. Sang đến Nghị định 08 điều kiện này được bãi bỏ.
“Điều kiện này được bãi bỏ có tác động gì không? Không có tác động gì”, ông Hiếu nói và cho hay trường hợp này được phân vào nhóm “tác động rất hạn chế”.
Chưa kể, ông Phan Đức Hiếu lo ngại có việc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh, tái sinh những điều kiện kinh doanh mới.
Tuy nhiên, có điều kiện kinh doanh được bãi bỏ mang lại rất nhiều tác động. Ví dụ trong lĩnh vực xăng dầu, việc bãi bỏ về quy hoạch thương nhân được mở cửa hàng xăng dầu có tác động rất lớn cho hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng “báo cáo này phản ánh đúng thực trạng hiện nay”, và rằng cải cách là điều “cực kỳ khó”.
“Cho đến nay bao nhiêu đợt cải cách đều chưa đạt được thành công, nhiều kiến nghị vẫn dừng ở mức kết quả rất thấp”, ông Nguyễn Đình Cung âu lo.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới vẫn chưa lọt top 4 ASEAN. |
Vừa cải cách vừa e dè
Minh họa thêm cho báo cáo của CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo phân tích về kết quả rà soát chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh của 4 bộ là Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tuy nhiên, bà Thảo thống kê được rằng chỉ có khoảng hơn 30% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho DN. Trong số điều kiện được cắt giảm, đơn giản hóa, bà Thảo tỏ ra ấn tượng với Nghị định được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng khi đã tiếp thu rất nhiều góp ý của cộng đồng.
Ngược lại, còn có điều kiện kinh doanh sau khi sửa đổi lại gây khó khăn hơn cho DN. Ví dụ chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018 có điều kiện về hồ sơ thủ tục nhiều hơn so với quy định cũ tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP.
“Vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho DN”, bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.
Dù đánh giá cải cách điều kiện kinh doanh có nhiều điểm tích cực, song ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vẫn băn khoăn: “Hiện chưa thống kê được trong số 50% điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa ấy thì cắt giảm được bao nhiêu, đơn giản hóa được bao nhiêu. Tôi nghĩ không nên đánh đồng việc cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là một mục tiêu mà phải tách ra làm hai. Bởi có thể bỏ một từ không có nhiều ý nghĩa cũng được thống kê là đơn giản hóa”.
Chia sẻ việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh là không hề đơn giản, ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng: Quy hoạch kinh doanh xăng dầu được bãi bỏ thì nhiều DN hưởng lợi. Nhưng đi tỉnh thì tôi quan sát thấy một số tỉnh không thích. Sở Công Thương không biết sao phải bãi bỏ. Họ đang có quyền chấp thuận cây xăng chỗ này, chỗ kia nên giờ bãi bỏ thấy trống vắng. Thế là họ phàn nàn lên tận lãnh đạo tỉnh.
Ngoài ra, nhiều văn bản dù thay đổi nhưng chưa thay đổi bản chất, có đơn giản hóa, nới hơn, bớt hồ sơ hơn nhưng cơ bản chưa thay đổi được phương thức quản lí.
“Chỉ có một số ít văn bản đi theo hướng thay đổi hẳn phương thức quản lí, như Nghị định 15 hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm thay thế Nghị định 38. Trước là tiền kiểm, ngồi một chỗ xét duyệt thủ tục mất cả tháng. Giờ DN chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan nhà nước, rồi từ đó cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm, kiểm tra giám sát, phạt nếu vi phạm”, ông Tuấn dẫn chứng nhưng cũng không quên giãi bày “hành trình để có Nghị định 15 này rất gian nan, phải có sự đồng hành của Chính phủ, Bộ y tế và các hiệp hội DN”.
Có nghị định thay đổi phương thức quản lý còn ít, e dè. Chẳng hạn, Nghị định 107 năm 2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế nghị định 109. Nghị định 107 có tạo thuận lợi hơn, có nới điều kiện xuất khẩu gạo hơn nhưng vẫn chưa thay đổi cơ bản phương thức quản lý.
“Tại sao xuất khẩu gạo không được làm thủ tục đăng kí mà phải xin phép. Nghị định 107 có ngoại lệ với gạo hữu cơ, gạo giàu dinh dưỡng nhưng tôi thấy vẫn có sự rụt rè, chưa mạnh dạn thay đổi hẳn cách thức quản lí. Đó là tư duy phổ biến ở nhiều Nghị định hiện nay”, ông Đậu Anh Tuấn thẳng thắn.
Theo chuyên gia này, bên cạnh cắt giảm, thì một điều quan trọng cần làm hiện nay là phải chuẩn hóa các điều kiện kinh doanh, để không phát sinh thêm những điều kiện “trên trời”.
“Khi rà soát hàng nghìn điều kiện kinh doanh từ thông tư để đưa lên Nghị định, chúng tôi mới thấy rằng các điều kiện ấy có tác động lớn đến xã hội nhưng ban hành không theo chuẩn mực nào cả. Cho nên phải có một cơ quan nào đó của Chính phủ đánh giá, rà soát, thẩm định tiêu chuẩn hóa lại tất cả các điều kiện kinh doanh cho chuẩn mực”, ông Đậu Anh Tuấn góp ý.
Theo VEF - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam